Một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính

29/03/2021    Lượt xem: 592    In bài viết   Độ tương phản  

Theo đó, nhiều nội dung cơ bản, quan trọng của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Hình ảnh minh họa

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã sửa đổi, bổ sung nội dung của 66/142 điều, sửa kỹ thuật 11/142 điều, bổ sung mới 04 điều, bãi bỏ 03 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, với những điểm mới cơ bản sau:

- Sửa đổi, bổ sung khái niệm “tái phạm” trong Luật Xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự. Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính đối với vi phạm hành chính nhiều lần theo hướng: Một người thực hiện vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng; Sửa đổi, bổ sung một số điểm về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; về thời hiệu áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. 

- Bổ sung quy định về việc tính thời hiệu trong trường hợp cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính (theo đó thời hiệu được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính); Bổ sung một số hành vi vi phạm xảy ra trong quá trình áp dụng pháp luật vào quy định các hành vi bị nghiêm cấm, gồm: Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng mức xử phạt không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính; không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Sửa đổi, bổ sung mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước: Tăng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thủy lợi; báo chí; kinh doanh bất động sản nhằm bảo đảm ý nghĩa răn đe và phòng ngừa của chế tài xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời để bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.

- Sửa đổi, bổ sung tên gọi/bãi bỏ một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do một số cơ quan, đơn vị được sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong thời qua, đồng thời bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc các lực lượng, cơ quan như: Kiểm ngư (Điều 43a); Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Điều 45a); Kiểm toán nhà nước (Điều 48a).  Sửa đổi, bổ sung quy định về giao quyền xử phạt theo hướng cấp trưởng có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

- Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thủ tục xử phạt như: Tăng thời hạn định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính từ 24 giờ lên 48 giờ để bảo đảm tính khả thi; Sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp và thủ tục giải trình. Mở rộng lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính, bao gồm: trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia và lĩnh vực khác do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

- Sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể: Đối với vụ việc vi phạm hành chính thông thường thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc; đối với vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Bình Nguyễn

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 80
Tuần này: 80
Tháng này: 7683
Tổng truy cập: 3545353