Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn huyện Dầu Tiếng

23/03/2021    Lượt xem: 2360    In bài viết   Độ tương phản  

Một góc bán đảo Tha La, Hồ Dầu Tiếng

Với lợi thế nằm kẹp giữa sông Sài Gòn, là tuyến vận tải thủy Quốc gia và sông Thị Tính rất thuận lợi cho phát triển du lịch đường thủy và du lịch vườn cây ăn trái. Mật độ sông suối trên địa bàn huyện khoảng 0,4km/km2, có các sông chính: sông Sài Gòn, sông Thị Tính; các hồ chứa nước, đập gồm: hồ Dầu Tiếng, hồ Cần Nôm, đập Hàng Nù. Sông Sài Gòn bắt nguồn từ hồ Dầu Tiếng có tổng lượng nước đến tại Dầu Tiếng khoảng gần 2 tỷ m3, rất thích hợp cho phát triển tham quan bằng du thuyền và thưởng thức các món cá đặc sản tự nhiên, du lịch câu cá dã ngoại. Đồng thời, là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh: hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống cung cấp điện, nước, bưu chính và các dịch vụ giáo dục, y tế,..  được quan tâm, chỉ đạo kịp thời, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của địa phương. Từ những lợi thế sẵn có trên, trong những năm qua, huyện đã tổ chức và duy trì các mô hình du lịch như:

Du lịch tại Khu Du lịch sinh thái Núi Cậu, chủ yếu là du lịch tâm linh kết hợp giữa viếng chùa Thái Sơn và tham quan thắng cảnh diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán - Rằm tháng Giêng hàng năm và dịp Lễ vía Cậu vào ngày 07/5 Âm lịch. Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch sinh thái dã ngoại cũng diễn ra thường xuyên trong năm thu hút nhiều bạn trẻ từ khắp nơi đến tham quan, dã ngoại.

Lễ hội Miếu Bà Thiên Hậu hàng năm được tổ chức vào ngày 10, 11 tháng Giêng Âm lịch, gồm Lễ hội Hoa đăng và Lễ rước Cộ Bà Thiên Hậu với các nghi thức như: cúng Lễ Bà Thiên Hậu tại Miếu Bà; thỉnh lồng đèn cầu phúc, lộc; múa lân, sư, rồng, ca nhạc cổ truyền; thỉnh rước Cộ Bà diễu hành vòng quanh trung tâm thị trấn Dầu Tiếng, hàng năm thu hút hàng chục ngàn lượt người dân và du khách.

Lễ hội Kỳ Yên và Kỳ Bông tại 04 đình thần (Dầu Tiếng, Thanh An, Bến Súc, Bưng Còng) hàng năm, (Lễ hội Kỳ Yên tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng 02 âm lịch; Lễ hội Kỳ Bông tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng 8 âm lịch). Lễ hội gồm: đưa rước sắc Thần, trống nhạc, múa Lân Sư Rồng, cúng tế theo nghi Lễ cổ truyền, hàng năm thu hút hàng ngàn lượt người dân và du khách.

Chùa Thái Sơn - Núi Cậu (Huyện Dầu Tiếng)

Cùng với 09 Di tích lích sử cấp tỉnh và 01 Di tích cấp Quốc gia là Sở chỉ huy chiến dịch tiền phương Hồ Chí Minh được đầu tư xây dựng và bảo tồn là những địa điểm thu hút khách tham quan tìm hiểu lịch sử.

Khu di tích lịch sử rừng Kiến An - An Lập

Khu du lịch Sinh thái Đọt - Champa (ấp Bầu Dầu, xã Định An) đang trong quá trình hoàn thiện các hạng mục đầu tư phục vụ du lịch sinh thái, tham quan, câu cá, hồ bơi, giao lưu văn hoá,

Du lịch sinh thái miệt vườn khu vực nông thôn Dầu Tiếng với vườn cây ăn trái phong phú nằm ven sông Sài Gòn nổi tiếng nhất là Măng Cụt và Sầu Riêng, bưởi da xanh, ... hình thành các điểm dừng chân phục vụ du khách và tiếp tục hỗ trợ các hộ nông dân xây dựng các điểm tham quan vườn cây ăn trái cho du khách đến tham quan, ăn uống kết hợp chương trình phục vụ của nhóm Đờn ca Tài tử - Cải lương (năm 2019, Măng cụt Dầu Tiếng đã được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể và tiêu chuẩn VietGAP). Tham dự Hội thi Trái ngon - An toàn tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên - Thành phố Hồ Chí Minh và đều đạt giải cao về trái Măng cụt, Sầu riêng. Tuy nhiên, đây chỉ là các sản phẩm dịch vụ đơn điệu, chưa có kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, cũng như kết nối với nhau tạo thành du lịch cộng đồng, chủ yếu là du lịch sinh thái kết hợp nghỉ mát, thư giãn, dã ngoại trong ngày và thưởng thức trái cây đặc sản

Giải đua thuyền truyền thống huyện Cầu Bến Súc vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm thu hút du khách đến xem, tham quan; giải đua thuyền tại hồ Cần Nôm thu hút khách đến tham quan và thăm các vườn trồng cây ăn trái;

Bên cạnh đó, để từng bước hình thành và phát triển loại hình du lịch sinh thái vườn và du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện, góp phần khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện, mở các lớp tập huấn kỹ năng về phát triển du lịch sinh thái vườn và các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng cho các nhà vườn, kết hợp tham quan khảo sát thực tế, học tập kinh nghiêm từ các địa phương đã làm tốt công tác này; tiếp tục mời gọi đầu tư xây dựng, nâng cấp các nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 2 sao (kèm với các dịch vụ vui chơi, giải trí) phục vụ khách du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch, hiện nay chỉ tuyên truyền thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm, ... Việc liên kết, xây dựng các tour, tuyến du lịch về Dầu Tiếng còn hạn chế do địa phương chưa có điểm tham quan phù hợp và giữ chân du khách ở lại lâu ngày; điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở lưu trú chưa đạt chuẩn, khả năng đáp ứng chỗ lưu trú còn ít.. Chương trình tham quan còn đơn điệu, phần lớn khách đến các nhà vườn để thưởng thức trái cây được phục vụ tại nhà vườn. Chưa xây dựng được các điểm dừng chân, trung tâm mua sắm, điểm vui chơi qui mô lớn có thể thu hút, giữ chân du khách.

Hoàng hôn trên Hồ Dầu Tiếng

Trong thời gian tới, huyện Dầu Tiếng tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch: Xây dựng mới cầu cảng bến Thanh Tuyền, bến phục vụ khách du lịch sinh thái sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn, kết hợp tham quan các vườn cây ăn trái, các di sản văn hoá, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, ... Ưu tiên nguồn lực thích hợp để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch, trong đó ưu tiên xây dựng các bến cảng hành khách trên tuyến sông Sài Gòn kết hợp phục vụ khách tham quan; hoàn thành Đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền; thúc đẩy Công ty TNHH MTV Xuân Cầu sớm đẩy nhanh tiến độ đầu tư khu du lịch sinh thái Núi Cậu - Hồ Dầu Tiếng thuộc Dự án trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn bán thú hoang dã khu vực phòng hộ Núi Cậu và bán đảo Tha La; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý du lịch và nhân dân các địa phương tham gia hoạt động du lịch; Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các địa phương để khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch, xúc tiến du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, có lợi thế. Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, có lợi thế và đa dạng hóa sản phẩm du lịch: Du lịch sinh thái tại núi Cậu - hồ Dầu Tiếng, khu du lịch Đọt – Champa; Du lịch ven hồ Dầu Tiếng, sông Sài Gòn, sông Thị Tính; Du lịch tham quan vườn cây ăn trái, dã ngoại ven sông Sài Gòn; Du lịch tham quan các Di tích lịch sử, văn hoá, tâm linh kết hợp với tham quan các lễ hội truyền thống. Hiện nay, huyện đã phối hợp với Trung tâm xúc tiến Du lịch Bình Dương và Công ty du lịch Saigon Tourist khảo sát các bến thủy lên - xuống vận chuyển khách để xây dựng Tour du lịch đường sông Sài Gòn. Và đã hình thành được 02 tour du lịch để du khách có thể liên hệ và tham quan, gồm:

- Tour: Thành phố Hồ Chí Minh/ Bình Dương/ Khu Du lịch sinh thái Núi Cậu - Hồ Dầu Tiếng/ khu Du lịch Đọt - Champa/các Di tích lịch sử như: Di tích lịch sử rừng Kiến An (xã An Lập) - vườn cây ăn trái Thanh Tuyền - Thành phố Hồ Chí Minh (01 ngày), (Khách ăn sáng ở Bình Dương, trưa ăn cơm tại Khu du lịch Đọt - Champa).

- Tour: Bình Dương/Khu du lịch sinh thái núi Cậu - Hồ Dầu Tiếng/các Di tích lịch sử như: Di tích lịch sử rừng Kiến An (xã An Lập) - Vườn cây cao su thời Pháp thuộc  - Vườn cây ăn trái Thanh Tuyền - Bình Dương (01 ngày) (Khách ăn sáng tại Thanh Tuyền, trưa ăn tại thị trấn Dầu Tiếng).

Với quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và nhân của Huyện Dầu Tiếng sẽ sớm đưa công tác du lịch của huyện phát triển và đón chân được nhiều du khách đến tham quan và đàu tư để Dầu Tiếng ngày càng phát triển./.

Anh Xê Ka

 

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 662
Tuần này: 662
Tháng này: 8265
Tổng truy cập: 3545935