Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

27/04/2020    Lượt xem: 570    In bài viết   Độ tương phản  

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2020 đến nay, các loại dịch bệnh động vật đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố và đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, cụ thể: Cả nước đã có 34 ổ dịch Cúm gia cầm do vi rút cúm A/H5N1 và A/H5N6 gây ra tại 10 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 100.000 con gia cầm. Các chủng vi rút cúm này có khả năng lây nhiễm và gây tử vong ở người; có hơn 100 ổ dịch Lở mồm long móng xảy ra tại 09 tỉnh, làm hàng nghìn con gia súc mắc bệnh và hằng trăm con gia súc bị chết; bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra rất trầm trọng vào năm 2019, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng và làm ảnh hưởng lớn chỉ số CPI. Thời gian qua, mặc dù bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã được kiểm soát và giảm mạnh nhưng nguy cơ tiếp tục xảy ra là rất cao vì chưa có thuốc điều trị, vắc xin phòng bệnh trong khi các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế, nhất là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Thu gom gia cầm bệnh, chết đi tiêu huỷ

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể; đồng thời chỉ đạo thành lập các đoàn công tác đến các địa phương có dịch, địa phương nguy cơ cao để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm, Lở mồm long móng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra tại một số địa phương cho thấy còn nhiều tồn tại, bất cập.

Cụ thể, do tổng đàn, mật độ chăn nuôi vật nuôi tăng mạnh trong thời gian qua, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số (hiện cả nước có hơn 467 triệu con gia cầm; đàn gia súc ăn cỏ tăng 3-5% so với năm 2018, đàn lợn đang được tái đàn và tăng mạnh); công tác tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt tỷ lệ thấp ở nhiều địa phương; kết quả giám sát chủ động đã cảnh báo hiện nay có nhiều loại mầm bệnh đang lưu hành với tỷ lệ tương đối cao; tập quán giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn phổ biến, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh; thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển gây bệnh và lây lan diện rộng; công tác chủ động giám sát, phát hiện sớm, báo cáo và xử lý các ổ dịch chưa được các địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả theo đúng quy định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; công tác báo cáo dịch bệnh tại tuyến cơ sở không được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; khi cơ quan chuyên môn thú y cấp Tỉnh và Trung ương nhận được thông tin thì dịch bệnh đã lây lan ra diện rộng, rất khó kiểm soát.

Để khẩn trương tổ chức khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên và triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; kiên quyết không để các loại dịch bệnh bùng phát, lây lan diện rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch trong bối cảnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona (COVID-19) trên người đang diễn ra hết sức phức tạp, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu các phòng ban, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ:

Trong đó, Phòng Kinh tế huyện phối hợp triển khai tốt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; phối hợp tổ chức quy hoạch chợ, điểm kinh doanh gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm, đạt yêu cầu vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường; giám sát, chỉ đạo đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Trạm chăn nuôi và Thú y phối hợp triển khai tốt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm tại địa phương; thực hiện các giải pháp kỹ thuật, thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Phòng Tài nguyên và Môi trường tham gia chống dịch, hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường sau khi tiêu huỷ gia súc, gia cầm bệnh; phối hợp chọn địa điểm tiêu huỷ gia súc, gia cầm bệnh, chết. Ngành Y tế phối hợp giám sát chặt chẽ và xây dựng phương án phòng, chống bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người; phối hợp hướng dẫn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm tiêu dùng có nguồn gốc từ gia súc, gia cầm; hướng dẫn các biện pháp an toàn sinh học cho con người tham gia chống dịch; tổ chức thực hiện khám và theo dõi sức khoẻ cho người tham gia chống dịch.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin, truyền thanh cơ sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh. Khuyến cáo người dân không sử dụng thịt gia súc, gia cầm bệnh, chết; tuyên truyền đến người chăn nuôi thực hiện “5 không” (Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ tiêu thụ; Không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt; Không vứt lợn chết ra môi trường) nhằm nâng cao ý thức của người chăn nuôi, người tiêu dùng; thường xuyên tuyên truyền phổ biến các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch, nhất là các định mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị xử lý khi xảy ra dịch để người chăn nuôi hiểu rõ và tự giác thực hiện.

Minh Tùng

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 930
Tuần này: 17048
Tháng này: 70433
Tổng truy cập: 3528470