Huyện Dầu Tiếng: Những kết quả tích cực qua 10 năm thực hiện tiêu chí Văn hóa thuộc Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới

12/12/2019    Lượt xem: 436    In bài viết   Độ tương phản  

Qua 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa thuộc Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện 2 tiêu chí Văn hóa trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, tích cực xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội; rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương. 

Đến nay, huyện Dầu Tiếng có 05/11 xã đã được đầu tư xây dựng đầy đủ các hạng mục công trình thuộc Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Học tập cộng đồng xã theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (xã Thanh An, Long Tân, Minh Hòa, Minh Thạnh, Định Thành), gồm các thiết chế: tường rào, cổng trung tâm, sân bóng đá, sân bóng chuyền, sân cầu lông, phòng làm việc, phòng truyền thống kết hợp phòng đọc sách, phòng sinh hoạt câu lạc bộ, phòng Internet; có 05/11 xã (xã Long Hòa, Định Hiệp, Thanh Tuyền, Minh Tân, Định An) đã xây dựng một số thiết chế như: Nhà văn hóa, sân bóng đá, sân bóng chuyền, hàng rào, cổng) và xã An Lập chưa xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao nhưng đã phối hợp sử dụng tốt các thiết chế văn hóa, thể thao của Nông trường cao su An Lập để phục vụ sinh hoạt của người dân. Xã cũng đã quy hoạch khu văn hóa và khu thể thao với diện tích khoảng 3ha. Các Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Học tập cộng đồng hoạt động ổn định, thực hiện tốt chức năng tuyên truyền cổ động, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao thu hút đông đảo người dân địa phương đến tham gia. Trung bình mỗi năm Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Học tập cộng đồng xã duy trì từ 3 đến 6 đội, nhóm văn nghệ, thể thao đến sinh hoạt thường xuyên định kỳ, như: câu lạc bộ võ thuật Taewondo, Vovinam, thể dục dưỡng sinh, thể dục nhịp điệu, Đờn ca tài tử,... Trong giai đoạn 2011-2019, có trên 75.000 lượt người đến tham gia luyện tập thể dục thể thao tại các Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Học tập cộng đồng xã. Hàng năm, đều tổ chức tổng kết Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phát động đăng ký các danh hiệu văn hóa, xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Phong trào tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên phát triển rộng khắp, tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 32% số hộ và 33% số người.

Kết hợp việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hàng năm huyện đều phát động đăng ký và đưa tiêu chí xét công nhận các danh hiệu văn hóa hàng năm thông qua công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như panô, băng rôn, khẩu hiệu, hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, xây dựng kịch bản và biểu diễn thông tin lưu động, chiếu phim lưu động, tủ sách lưu động nhằm nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Song song đó, tổ chức tuyên truyền cho các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các ban nhạc, thầy tụng, cơ sở mai táng. Thông qua công tác tuyên truyền vận động của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang nên đã có nhiều chuyển biến tích cực, theo hướng đơn giản, tiết kiệm. Các thủ tục đám cưới từng bước được tổ chức đơn giản, không phô trương, không nặng nề về đòi hỏi lễ vật, trang phục cô dâu, chú rễ theo nghi lễ truyền thống, lịch sự, văn minh. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống không còn, tình trạng tảo hôn giảm mạnh. UBND các xã đã thực hiện tốt việc đăng ký và trao giấy chứng nhận kết hôn tại trụ sở UBND.

Trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, các ngành chuyên môn của huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai cho cán bộ công chức các xã, thị trấn, các ban nhạc lễ, các thầy tụng, cơ sở mai táng trên địa bàn huyện về nội dung quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; đã quy hoạch nghĩa trang đảm bảo các yếu tố về quy mô và vệ sinh môi trường. Việc cải táng, xây mộ được thực hiện đúng quy định, đảm bảo vệ sinh, các hộ gia đình có đám tang được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa và hoàn cảnh gia đình. Việc tổ chức lễ tang, phúng viếng đảm bảo trang trọng, phù hợp truyền thống đạo lý của dân tộc. Thời gian tổ chức tang lễ từng bước thực hiện theo quy định; giảm dần hủ tục rãi vàng mã; một số đám tang đã hạn chế mang vòng hoa, bức trướng để phúng viếng.

Bên cạnh đó, 11/11 xã đã xây dựng hoàn chỉnh Nhà Văn hoá ấp và quy hoạch khu thể thao ấp theo điều kiện của từng địa phương, đảm bảo nơi sinh hoạt văn hoá, thể thao cho nhân dân. Hiện nay, các xã tiếp tục tiến hành xây dựng kế hoạch nâng cấp Nhà Văn hoá và Khu thể thao ấp theo quy định của Bộ tiêu chí. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao quần chúng được tổ chức ở các địa phương phù hợp với các tầng lớp và lứa tuổi, từng bước đa dạng hoá góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tinh thần cho người dân. Đời sống văn hoá ngày càng phát triển phong phú, văn hoá truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy; các giá trị di sản văn hoá dân tộc được quan tâm đầu tư, bảo tồn và tôn tạo.

Nhà Văn hoá, Khu thể thao ấp Rạch Đá, xã Định Thành được đầu tư hoàn chỉnh

Phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa được các địa phương tiến hành chặt chẽ, xây dựng qui ước và tổ chức thực hiện tốt. Đến cuối năm 2019, toàn huyện có 27.621 hộ gia đình đạt văn hóa, chiếm tỷ lê 96,49%; 14.022 hộ gia đình đạt văn hóa 3 năm liên tục, chiếm tỷ lệ 95,77%; 81/81 ấp đạt văn hóa, chiếm tỉ lệ: 100%.

Việc thực hiện tiêu chí 16 về văn hóa, nhiều địa phương đã xây dựng gia đình văn hóa điển hình, mẫu mực, có thành tích xuất sắc trong công tác lao động sản xuất, làm kinh tế giỏi, gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của nhà nước, các phong trào của địa phương. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của người dân trong xây dựng đất nước.

Công tác bảo tồn phát huy, giao lưu và truyền giữ các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống đã được triển khai thực hiện ở khắp các địa phương. Thiết chế văn hóa truyền thống như đình, chùa… tạo nên không gian văn hóa đa dạng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ của người dân.Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, cụ thể là các công trình Di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện luôn được Tỉnh và Huyện quan tâm đẩy mạnh, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đến nay, trên địa bàn huyện có 19 Di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng; trong đó, có 01 Di tích cấp Quốc gia là Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh, 10 Di tích được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là Di tích cấp Tỉnh và có 08 địa chỉ ghi dấu sự kiện lịch sử, những trận đánh trên địa bàn huyện. Những năm qua, huyện đã phối hợp với ngành chức năng làm tốt công tác xã hội hoá bảo tồn di sản văn hoá, góp phần phát huy giá trị di tích. Từ nguồn kinh phí đầu tư thông qua chương trình mục tiêu quốc gia cùng với kinh phí tôn tạo di tích hằng năm, các di tích được tôn tạo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích đã được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, Ban Quản lý Di tích huyện tham mưu, tổ chức quán triệt đầy đủ các nội dung quy định, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá và danh thắng trên địa bàn huyện. Công tác tuyên truyền về bảo tồn các giá trị di tích lịch sử - văn hóa bằng các hình thức đa dạng, phong phú phù hợp; trong đó đã chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và hành động của mỗi người dân về giữ gìn, bảo vệ các giá trị di tích lịch sử - văn hoá, lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc; giáo dục kỹ năng sống, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật và xây dựng môi trường sống lành mạnh; giữ vững và tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, đạo lý tốt đẹp của dân tộc tại địa phương.

Các lễ hội trên địa bàn huyện được duy trì và bảo tồn, như Lễ hội kỳ Yên và kỳ Bông tại các Đình thần, Lễ viếng chùa Thái Sơn vào dịp Rằm tháng Giêng và Lễ vía Cậu 07/5 Âm lịch; Lễ hội Miếu Bà Thiên Hậu vào Rằm tháng Giêng hàng năm,... Toàn huyện cũng đã phát triển và duy trì sinh hoạt thường xuyên 11 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử - cải lương tại các xã. Những câu lạc bộ này được duy trì sinh hoạt là nhờ niềm đam mê cá nhân của người thực hành và cũng được hỗ trợ một phần kinh phí cho sinh hoạt theo Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Bình Dương - giai đoạn 2018-2020”. Các câu lạc bộ Đờn ca tài tử - cải lương sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 đến 2 lần tại Nhà Văn hoá ấp hoặc nhà riêng các thành viên câu lạc bộ. Từ việc duy trì và phát triển phong Đờn ca tài tử - cải lương trong huyện đã gắn kết được sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các khu dân cư, tạo ra món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân, gắn bó với họ sau những giờ lao động mệt nhọc.

Thực hành cúng Lễ kỳ Bông (Đình thần Dầu Tiếng)

Những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần đưa 100% xã trong huyện đạt xã nông thôn mới, huyện cũng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí văn hoá trong xây dựng nông thôn mới, trong thời gian các địa phương cần tiếp tục tăng cường đầu tư cho lĩnh vực văn hóa tương xứng với sự phát triển của xã hội; thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới; các ban, ngành, đoàn thể, trong đó quan trọng nhất là chủ thể người dân, cộng đồng dân cư tích cực hưởng ứng vào việc xây dựng các tiêu chí văn hóa trong nông thôn mới đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân trong giai đoạn hiện nay.

Minh Tùng

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 2383
Tuần này: 12716
Tháng này: 66101
Tổng truy cập: 3524138