Lễ đón nhận Bằng công nhận Chiến khu Long Nguyên là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Tỉnh

02/04/2019    Lượt xem: 1958    In bài viết   Độ tương phản  

Dự Lễ đón nhận Bằng có ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Bình Dương; bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện; bà Lê Thị Thanh Huệ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy; bà Lê Thị Lam Tuyền, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy; lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, Ban Quản lý Di tích huyện; ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Long Tân; cùng cán bộ công chức, viên chức công tác trong ngành văn hóa và thông tin huyện, xã- thị trấn, Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng các xã, thị trấn.

Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh (bìa phải): Trao Bằng công nhận cho lãnh đạo huyện Dầu Tiếng và xã Long Tân

Chiến khu Long Nguyên trước kia bao gồm một vùng rộng lớn thuộc các xã Long Nguyên, huyện Bến Cát (ngày nay xã Long Nguyên thuộc huyện Bàu Bàng), xã Long Tân, Long Hòa huyện Dầu Tiếng ngày nay. Do có vị trí chiến lược, suốt trong hai cuộc kháng chiến Chiến khu Long Nguyên từng là nơi trú đóng của cơ quan đầu não cách mạng. Mỗi địa danh của Chiến khu Long Nguyên đều gắn liền với những trận chiến oanh liệt, kiên cường bất khuất của nhân dân và quân giải phóng.

Cuối năm 1945, thực dân Pháp tái chiếm Bến Cát, ngay từ đầu cuộc kháng chiến trong chỉ thị của Trung ương Đảng ngày 25/12/1945, việc xây dựng căn cứ đã được đặt ra. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và yêu cầu của cuộc kháng chiến, cuối năm 1946 ta bắt đầu hình thành những chiến khu như: Chiến khu Đ, Thuận An Hòa, Vĩnh Lợi và Long Nguyên. Năm 1948, nhiều công nhân cao su đã bất hợp tác giặc Pháp, bỏ làng ra Long Nguyên lập căn cứ chống Pháp, đây là vùng căn cứ rộng lớn, được bao bọc bởi con sông Thị Tính giàu phù sa và những cánh rừng già rậm rạp che phủ. Lúc bấy giờ, Chiến khu Long Nguyên có 11 ấp, như: Hóc Măng, Bà Tòng, Hố Mên, Hố Miếu, Nhà Mát, Trảng Lớn, Bờ Cảng,… Khi điều kiện cách mạng thuận lợi, căn cứ Long Nguyên nối liền lên núi Cậu và tiếp giáp Chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh). Do có vị trí chiến lược, suốt trong hai cuộc kháng chiến, Chiến khu Long Nguyên từng là nơi trú đóng của cơ quan đầu não của cách mạng: Khu ủy Miền Đông, Tỉnh ủy Gia Định, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, cơ quan huyện Bến Cát; các lực lượng vũ trang: Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 301. Mỗi địa danh của Chiến khu Long Nguyên đều gắn liền với những trận chiến oanh liệt, kiên cường bất khuất của nhân dân và quân giải phóng.

 Sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết 27/7/1954, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền, miền Bắc được giải phóng, miền Nam tạm thời do Pháp quản lý. Đế quốc Mỹ đã lấn Pháp, đưa Ngô Đình Diệm vào cương vị Thủ tướng chính quyền Sài Gòn và bắt đầu thực hiện ý đồ chiến lược biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ và chuẩn bị thôn tính Việt Nam. Bọn chúng thẳng tay đàn áp những người kháng chiến, lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề. Cuối năm 1954, xã Long Nguyên có 175 đảng viên với 3 chi bộ, đến cuối năm 1956 chỉ còn 18 đảng viên. Năm 1956, ta bắt đầu xây dựng căn cứ, xây dựng lực lượng vũ trang. Tỉnh ủy chủ trương rút số anh em đang bám trong rừng căn cứ các địa phương về căn cứ Long Nguyên xây dựng lực lượng. Cuối năm tập hợp xây dựng được 2 tiểu đội, tháng 3/1957 phát triển lên 6 tiểu đội gồm 60 người, biên chế thành 2 Trung đội, 1 Tiểu đội trinh sát và bộ phận Văn phòng. Cuối năm 1957, Mỹ - Diệm dùng xe ủi phá rừng Long Nguyên, di dân từ miền Bắc vào và gom dân lập khu trù mật ở xã Long Nguyên; nhân dân nổi dậy đấu tranh quyết liệt kéo dài gần 2 tháng, cuối cùng chúng phải bỏ vỡ kế hoạch.

Năm 1965, có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra ở Chiến khu Long Nguyên: Ngày 27/02/1965 Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ nhất tại căn cứ Bà Tòng xã Long Nguyên, tất cả các đoàn đại biểu trong tỉnh đều về dự; ngày 05/6/1965, tại xóm Vườn Trầu, ấp Hố Mên, xã Long Nguyên, Tiểu đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh, được mang tên Tiểu đoàn Phú Lợi được thành lập; ngày 18/6/1965, đế quốc Mỹ đã sử dụng 27 lượt máy bay chiến lược B52, ném bom rải thảm xuống ấp Trảng Lớn, Bờ Cảng, xã Long Nguyên - Đây là lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, cũng là lần đầu tiên trên thế giới đế quốc Mỹ sử dụng máy bay ném bom B52. Với nhiều thành tích trên chiến trường, vùng căn cứ Long Nguyên luôn được giữ vững, mở rộng ra các hướng, nối liền với các căn cứ chiến lược xung quanh, tạo thành địa bàn vững chắc để các lực lượng vũ trang đứng chân hoạt động. Ở bất kỳ tình huống đấu tranh ác liệt nào, quân và dân Long Nguyên vẫn kiên trì bám giữ từng tấc đất vùng chiến khu, bảo vệ và giữ vững căn cứ cách mạng Long Nguyên đến ngày thắng lợi cuối cùng của dân tộc. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử làm nên trận đại thắng mùa xuân năm 1975 của dân tộc, quân ta đã chọn căn cứ Căm Xe ở Chiến khu Long Nguyên làm Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Tại Lễ đón nhận Bằng, thừa ủy nhiệm của của UBND Tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã công bố Quyết định số: 3633/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh Bình Dương công nhận Chiến khu Long Nguyên (Khu căn cứ Tỉnh ủy) là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Tỉnh và trao Bằng công nhận cho lãnh đạo UBND huyện Dầu Tiếng, UBND xã Long Tân.

Để ghi dấu tích của căn cứ kháng chiến năm xưa, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng; đồng thời là địa điểm sinh hoạt văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trong khu vực, UBND Tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Dầu Tiếng đang có kế hoạch đầu tư xây dựng lại khu di tích lịch sử Chiến khu Long Nguyên tại lô 22 thuộc đất Nông trường Cao su Long Tân, ấp Bờ Cảng, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng với diện tích khoảng 5 ha.

Phan Vũ

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 3536
Tuần này: 67471
Tháng này: 185387
Tổng truy cập: 3447109