Huyện Dầu Tiếng: Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa

22/12/2018    Lượt xem: 1305    In bài viết   Độ tương phản  

Hiện nay, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có 19 Di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng; trong đó, có 01 Di tích cấp Quốc gia là Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh, 09 di tích cấp Tỉnh và có 08 địa chỉ ghi dấu sự kiện lịch sử, những trận đánh trên địa bàn huyện. Những năm qua, huyện Dầu Tiếng đã làm tốt công tác xã hội hoá bảo tồn di sản văn hoá, góp phần phát huy giá trị di tích. Từ nguồn kinh phí đầu tư thông qua chương trình mục tiêu quốc gia cùng với kinh phí tôn tạo di tích hằng năm, các di tích được tôn tạo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện: “UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức quán triệt đầy đủ các nội dung quy định, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các Di tích lịch sử - văn hoá và danh thắng trên địa bàn huyện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo tồn các giá trị di tích lịch sử - văn hóa bằng các hình thức đa dạng, phong phú phù hợp; trong đó chú ý tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức và hành động của mỗi người về giữ gìn, bảo vệ các giá trị di tích lịch sử - văn hoá, lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc; giáo dục kỹ năng sống, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật và xây dựng môi trường sống lành mạnh; giữ vững và tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, đạo lý tốt đẹp của dân tộc tại địa phương”. 

Lãnh đạo Tỉnh, Huyện cắt băng khánh thành Đền, Bia tưởng niệm Thanh niên xung phong Thanh An

Thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về di tích, Ban Quản lý Di tích huyện trực tiếp quản lý 09 di tích được công nhận cấp Tỉnh; UBND các xã, thị trấn quản lý các di tích trong danh mục đã kiểm kê nhưng chưa được xếp hạng tại địa phương mình quản lý; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện quản lý, khai thác và phát huy giá trị các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Thời gian qua, Ban Quản lý di tích thường xuyên phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên huyện xây dựng kế hoạch liên tịch phối hợp tổ chức chăm sóc cây kiểng, vệ sinh, tham quan tại di tích trên địa bàn. Đặc biệt, một số trường học phối hợp tổ chức Lễ “Kết nạp Đoàn viên”, “Kết nạp Đội viên” tại các Di tích khu căn cứ Cách mạng Vườn Trầu, Di tích máy bay B52 của Mỹ ném bom lần đầu tiên ở Việt Nam,... trong hơn 02 năm (2016 -2018), Ban Quản lý Di tích huyện đã tiếp, hướng dẫn 134 đoàn, trên 532.000 lượt khách trong và ngoài huyện, tỉnh đến tham quan.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: “Việc bảo tồn các di tích trên địa bàn huyện cũng như đưa vào khai thác, phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện thời gian qua được thực hiện theo đúng quy định. Các nghi lễ truyền thống tổ chức tại các di tích được diễn ra trang trọng, phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc; việc trang trí các loại cờ hội, cờ lễ trong khu vực lễ hội đúng quy định; trong các hoạt động lễ hội hầu hết mọi người đều ứng xử có văn hoá như trang phục đẹp, lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục; không phát ngôn bừa bãi gây ảnh hưởng xấu đến không khí trang nghiêm của lễ hội. Bên cạnh đó, an ninh trật tự được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan. Nhận thức và hành động của người dân về thực hiện nếp sống văn hoá, giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp tại các di tích được nâng lên rõ rệt”.

Rước sắc Thần quanh các tuyến đường chính của thị trấn Dầu Tiếng trong Lễ kỳ Yên, kỳ Bông hàng năm của đình thần Dầu Tiếng là một nét truyền thống

Di sản văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ cha ông để lại, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương, đất nước, bên cạnh đó còn là phương tiện để quảng bá hình ảnh địa phương với du khách, tạo tiền đề cho chiến lược phát triển du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội của địa phương. Thời gian tới, huyện Dầu Tiếng sẽ huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội, tăng cường nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tranh thủ sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Tỉnh và Trung ương thông qua các chương trình mục tiêu đưa văn hóa về cơ sở; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa nhằm nêu cao các giá trị văn hóa hiện có, đồng thời tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, địa phương; đẩy mạnh các hoạt động lễ hội và phong trào văn hóa ở cơ sở, khuyến khích sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở sẽ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức xã hội về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn luôn là hai mặt gắn bó mật thiết, là tiền đề của nhau. Mục đích cuối cùng là đảm bảo cho di sản được lưu truyền và không ngừng tái tạo, phát huy tác dụng lâu dài. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ về giá trị của kho tàng di sản văn hóa truyền thống ông cha để lại, góp phần xây dựng huyện Dầu Tiếng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống anh hùng.

Hồng Nga

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 1880
Tuần này: 17998
Tháng này: 71383
Tổng truy cập: 3529420