Huyện Dầu Tiếng: Những thành tựu qua 20 năm tái lập (20/8/1999-20/8/2019)

20/08/2019    Lượt xem: 4176    In bài viết   Độ tương phản  

Cơ cấu hành chính của Huyện gồm 10 xã và thị trấn Dầu Tiếng. Đến ngày 10/12/2003, thực hiện Nghị định số 156/2003/NĐ-CP của Chính Phủ, huyện Dầu Tiếng thành lập mới thêm xã Định Thành và và đi vào hoạt động đến nay với cơ cấu hành chính 11 xã và thị trấn Dầu Tiếng. Huyện nằm về phía Bắc - Tây Bắc của tỉnh Bình Dương; phía Đông và Đông Nam huyện giáp thị xã Bến Cát; phía Tây - Tây Bắc và Tây Nam giáp tỉnh Tây Ninh; phía Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh và phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước.

Trung tâm huyện chào đón 20 năm tái lập

Là quê hương giàu truyền thống cách mạng anh hùng; việc tái lập huyện đã tạo điều kiện để Huyện phát huy cao độ tiềm năng, thế mạnh, lợi thế và nguồn lực của địa phương; điều kiện tự nhiên (sông, suối, thổ nhưỡng, khí hậu) và hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh - là cơ sở để Tỉnh tập trung đầu tư nhiều hơn nữa, kêu gọi đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh vào công cuộc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Đất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, tạo thuận lợi cho việc khai thác các loại cây trồng, sản phẩm nông nghiệp, tạo ngưồn nguyên liệu dồi dào, ổn định cho việc phát triển công nghiệp chế biến; nguồn lao động trẻ chiếm tỷ lệ cao, là nguồn lực quan trọng cho các ngành sản xuất và dịch vụ. Ngoài ra, Huyện có Công ty cao su Dầu Tiếng (nay là Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng) trú đóng là đơn vị doanh nghiệp Nhà nước vững mạnh tạo nhiều điều kiện thuận lợi góp phần cải thiện đời sống nhân dân và bộ mặt nông thôn. Xác định thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, sau ngày tái lập huyện Dầu Tiếng đã quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển cây cao su, chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp. Huyện cũng tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất; đồng thời tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân và giới thiệu giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao.

Từ khi tái lập huyện, Dầu Tiếng là huyện thuần nông, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành của UBND huyện, Dầu Tiếng đã nỗ lực xây dựng, phát triển kinh tế và đạt được những thành tựu to lớn trong từng giai đoạn:

Giai đoạn 2000-2005, thực hiện Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ huyện lần thứ I (2000 - 2005):

Toàn huyện giữ vững được nhịp độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu hàng năm đề đạt và vượt kế hoạch; kinh tế tăng trưởng bình quân 10,5%, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,7%, dịch vụ tăng 29%, công nghiệp tăng 97,6%; thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 11 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng định hướng là nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 61,3% - 30% - 8,7%. Nông nghiệp phát triển khá. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm được giữ vững, đạt bình quân 6.400ha/năm. Toàn huyện hiện có 459 trang trại, với tổng diện tích 6.190ha, tổng vốn đầu tư 254 tỉ đồng, đã tạo việc làm ổn định cho hơn 5.000 lao động tại địa phương. Giá trị thương mại - dịch vụ tăng bình quân 29%/năm, chiếm 30% trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Trên địa bàn huyện đã có 10 xã, thị trấn có Bưu cục và Bưu điện Văn hóa, đã lắp đặt 6.570 máy điện thoại cố định; đạt tỷ lệ 7,5% máy/ 100 dân, tăng gấp đôi chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I đã đề ra.

Huyện đã huy động vốn gần 313 tỉ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, chợ. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện 96,3%; số hộ sử dụng nước sạch được nâng lên 18.300 hộ, đạt 83%. Đã xét duyệt cấp 21.114 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân đạt 98%. Bình quân hàng năm thu mới ngân sách đều vượt chỉ tiêu Tỉnh giao từ 8 - 9%, chi ngân sách tăng 8%.

Tỷ lệ giáo viên được đào tạo đạt chuẩn chiếm 96%, tỷ lệ giáo viên các cấp xếp loạt khá giỏi chiếm 73,5%, tỷ lệ học sinh các cấp lên lớp đạt 97%, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 97%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. 100% cơ quan, đơn vị xã, thị trấn và trường học các cấp được trang bị máy vi tính; 100% xã – thị trấn, 50% cơ quan thuộc Huyện được trang bị máy Photocoppy và máy Fax để phục vụ yêu cầu công tác.

Đã thực hiện khám, chữa bệnh mỗi năm từ 370.000 đến 400.000 lượt người; Trên 90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng và uống văcxin phòng ngừa 6 bệnh nguy hiểm, 100% trẻ dưới 6 tuổi được khám và điều trị bệnh miễn phí, tỷ lệ bệnh sốt rét, bệnh lao mỗi năm giảm từ 10-15%. Có 8/12 trạm Y tế có bác sĩ và có 3 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn về Y tế; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn 14,9% .

Phong trào văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao phát triển sôi nổi, đa dạng từ huyện đến cơ sở và đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi, hội diễn; công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện thường xuyên và bằng nhiều hình thức đã có tác động tích cực trong quần chúng nhân dân; Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai rộng khắp đến xã. Trên 60% số ấp, khu phố được công nhận ấp - khu phố văn hóa; trên 90% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa.

Việc thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được chỉ đạo xuyên suốt, trong nhiệm kỳ đã xây dựng được 267 căn nhà tình nghĩa, 490 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, giải quyết việc làm mới bình quân mỗi năm trên 1.200 lao động, đào tạo nghề trên 500 thanh niên và bộ đội xuất ngũ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,7%.

Công tác bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc luôn được quan tâm lãnh đạo, triển khai sâu rộng, góp phần rất lớn thực hiện mục tiêu đấu tranh kiềm chế phát sinh tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội, giảm tai nạn giao thông, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.

Giai đoạn 2005 – 2010, thực hiện Nghị quyết huyện Đảng bộ lần thứ II (2005 - 2010):

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, là huyện vùng xa, kết cấu hạ tầng còn thấp kém, thế mạnh vẫn là sản xuất nông nghiệp nhưng Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo toàn thể nhân dân trong huyện vượt qua khó khăn, thách thức đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được giữ ổn định, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Một số chỉ tiêu quan trọng đã được thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra cho cả nhiệm kỳ như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 12,2% (so với chỉ tiêu 12 đến 13% ), thu mới ngân sách hàng năm tăng 17% (chỉ tiêu trên 10%), thu nhập bình quân đầu người trên 15,6 triệu đồng/người/năm (chỉ tiêu 15 triệu); tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99,5% (chỉ tiêu 98%), lắp đặt điện thoại đạt 26 máy/100 dân (chỉ tiêu 20,8 máy/100 dân), giải quyết việc làm mới 1.700 lao động (chỉ tiêu là 1.500 lao động),....

Trong cơ cấu nông nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần diện tích cây công nghiệp lâu năm (chủ yếu là cây cao su); giảm dần diện tích các loại cây hàng năm và cây lâu năm khác hiệu quả kinh tế kém. Hoàn thành quy hoạch chi tiết các chợ Minh Tân, Long Tân, Thanh An và An Lập, các khu du lịch sinh thái núi Cậu, Bến Súc và rừng lịch sử Kiến An; cấp mới giấy đăng ký kinh doanh cho 1.646 hộ kinh tế cá thể. Đã mời gọi đầu tư được 33 doanh nghiệp (quy mô vừa và nhỏ), tổng vốn đăng ký trên 92 tỉ đồng, 42 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, nâng số doanh nghiệp trong toàn huyện lên 78 doanh nghiệp và 92 cơ sở.

Đã đầu tư gần 710 tỉ đồng xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ cho nhu cầu phát triển. Hoàn thành mục tiêu xóa điện kế tổng và nâng tỷ lệ sử dụng điện đạt 99.5%; tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt 99%; 100% ấp, khu phố được phủ sống điện thoại di động, điện thoại cố định đạt tỷ lệ 26 máy/100 dân; xét duyệt cấp 27.150 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân, đạt 99,5%. Thu mới ngân sách hàng năm đều đạt và vược chỉ tiêu tỉnh giao, tỷ lệ thu mới năm sau cao hơn năm trước bình quân 17%; chi ngân sách mỗi năm tăng từ 25 - 27%.

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp bậc Tiểu học trên 90%, Trung học cơ sở trên 96%, tốt nghiệp Trung học phổ thông trên 80%, trên 90% trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo, 100% trẻ đúng 6 tuổi vào lớp 1; 05 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia; 03/12 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc Trung học; khám và điều trị bệnh mỗi năm trên 350.000 lượt người, số giường bệnh đạt 30 giường/10.000 dân, trên 95% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng và uống vacxin phòng ngừa 8 bệnh nguy hiểm; 100% trẻ dưới 6 tuổi được khám và điều trị miễn phí, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm còn 8%; tỷ suất giảm sinh đạt 0,8%o, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 0,93%, 100% trạm y tế có bác sĩ.

Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển khá sôi nổi, rộng khắp từ huyện đến cơ sở. Năm 2010, kết quả bình xét hộ gia đình văn hóa đạt 88,9%; khu phố; ấp văn hóa đạt 44,9%, khu dân cư tiên tiến đạt 26,9%; cơ quan văn hóa đạt 97,6%.

Giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách cho các đối tượng theo đúng quy định, giới thiệu giải qyết việc làm bình quân mỗi năm 1.700 lao động, đào tạo nghề cho 1.475 thanh niên nông thôn và bộ độ xuất ngũ; xây dựng 70 căn và sửa chữa 58 căn nhà tình nghĩa, 475 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm từ 3 - 3,44%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,37% (theo tiêu chí mới).

 Lực lượng vũ trang được xây dựng đúng theo Nghị quyết và Pháp lệnh, lực lượng Dân quân thường trực đạt 100% về quân số và chất lượng ngày càng được nâng lên; lực lượng dự bị động viên đạt 86% kế hoạch giao; lực lượng dân quân tự vệ đạt 1.93% dân số. Công tác gọi công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội; đẩy mạnh công tác điều tra, phá án.

Đến năm 2010, Đảng bộ huyện có 37 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, với 12 Đảng bộ xã, thị trấn; 02 Đảng bộ Công an, Quân sự; 23 chi bộ khối cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và 150 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Kết quả hàng năm tổ chức cơ sở đảng đạt “Trong sạch vững mạnh”, chiếm 94%. Tỷ lệ Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt bình quân 88%. Trong giai đoạn 2005-2010 đã phát triển mới 464 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ huyện là 1.670 đảng viên.

Giai đoạn 2010 – 2015, thực hiện Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ III (2010 – 2015):

Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy và quyết tâm của Đảng bộ, Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Dầu Tiếng lần thứ III đã xác định phương hướng nhiệm vụ và các mục tiêu tổng quát phát triển cho giai đoạn 2010 - 2015 là: “Phấn đấu tạo chuyển biến mới, nhân tố mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, từng bước giảm dần cách biệt giữa thành thị và nông thôn. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng dần tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện của từng vùng; tăng cường các giải pháp để phát triển thương mại tại chỗ, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái; chú trọng mời gọi đầu tư phát triển nông nghiệp. Đẩy nhanh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; quy hoạch nội ô thị trấn Dầu Tiếng và trung tâm các xã. Đảm bảo quốc phòng - an ninh; nâng cao chất lượng hệ thống chính trị; giải quyết tất cả các vấn đề về an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, xây dựng huyện Dầu Tiếng ngày càng văn minh và giàu đẹp”.

Cơ sở hạ tầng của Dầu Tiếng ngày một phát triển và hoàn thiện

Trong giai đoạn 2010 - 2015, Huyện ủy Dầu Tiếng đã lãnh đạo địa phương nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết của nhiệm kỳ đề ra, tạo được bước phát triển mới, đưa nền kinh tế của huyện phát triển một cách toàn diện, Cụ thể, trong 5 năm (2010 - 2015), tình hình kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển ổn định, với mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 11,46%, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5%/ năm; thương mại - dịch vụ tăng 12,58%; công nghiệp tăng 18,9%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 35 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 1,35%. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng kỹ thuật - quy hoạch xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới, công tác phát triển nâng cao chất lượng ngành giáo dục y tế, chính sách xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền,…được đặc biệt quan tâm. 

Trong công tác xây dựng Đảng, trong giai đoạn 2010 - 2015, toàn Đảng bộ đã bồi dưỡng và kết nạp được 697 đảng viên mới, đạt 139% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng đạt “Trong sạch vững mạnh”, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm chiếm 90%.

Giai đoạn 2015 - 2020, thực hiện Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ IV (2015 – 2020):

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015-2020, đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể trên các lĩnh vực, như: Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10%/năm, trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 16%, thương mại - dịch vụ tăng 13% và nông nghiệp tăng 4%. Cơ cấu kinh tế của huyện được xác định là Công nghiệp - xây dựng, Thương mại - dịch vụ, Nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng 36% - 34% - 30%; thu nhập bình quân đầu người đạt 55 - 60 triệu động/người/năm. Phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Dầu Tiếng được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới; tỷ lệ hộ sử dụng điện, sử dụng nước sạch đạt gần 100%;.... Về văn hóa xã hội: Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ tỷ lệ trường học đạt chuẩn Quốc gia chiếm 80-85%, giữ vững 100% xã đạt chuẩn Quốc gia về Y tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt từ 70% trở lên, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế toàn huyện đạt từ 75% trở lên, 90% trở lên xã đạt tiêu chuẩn văn hóa nông thôn mới, cố gắng thực hiện mục tiêu đến năm 2020 số hộ nghèo toàn huyện theo tiêu chí của Tỉnh còn dưới 1%.

Phấn đấu hằng năm có 85% trở lên tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh; kết nạp được 600 đảng viên mới trở lên. Giữ vững Đảng bộ huyện trong sạch vững mạnh, Chính quyền, đoàn thể vững mạnh đạt 90% trở lên; không có đơn vị yếu kém trong hệ thống chính trị.

Trong giai đoạn này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện tiếp tục nêu cao truyền thống cách mạng của địa phương, đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm vượt qua thử thách, nhằm xây dựng thành công huyện nông thôn mới, đưa Dầu Tiếng trở thành một địa phương phát triển năng động và bền vững.

Trong hơn nửa nhiệm kỳ qua, huyện Dầu Tiếng đã tập trung triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IV, đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển và an sinh xã hội của địa phương. Đến cuối năm 2018, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt trên 13.590 tỉ đồng, tăng 13,96% so cùng kỳ, đạt 100% so kế hoạch. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt gần 5.445 tỉ đồng, tăng 22% so cùng kỳ, đạt 100,1% so kế hoạch; giá trị thương mại - dịch vụ đạt trên 4.320 tỉ đồng, tăng 11,9% so cùng kỳ, đạt 100% so kế hoạch; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 3.825 tỉ đồng, tăng 6,2% so cùng kỳ, đạt 100% so kế hoạch. Các xã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt theo bộ tiêu chí mới của Trung ương và của Tỉnh, ước nguồn vốn thực hiện trong năm 2018 là trên 454 tỉ đồng, trong đó vốn vận động trong cộng đồng dân cư gần 6,7 tỉ đồng.

Huyện luôn quan tâm chăm lo cho các đối tượng, chính sách đảm bảo an sinh xã hội, trong năm đã chi với tổng số tiền gần 43,16 tỉ đồng cho hoạt động chăm lo các đối tượng gia đình chính sách, đối tượng xã hội; bàn giao 40 căn nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà nhân ái, nhà tình thương với tổng trị giá gần 2,43 tỉ đồng. Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm chỉ đạo thực hiện; chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở ngày càng nâng cao.

Công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động trực quan, văn hoá nghệ thuật được đẩy mạnh và đúng định hướng, phục vụ tốt các yêu cầu nhiệm vụ chính trị của huyện, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân và nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Thành tựu trong xây dựng nông thôn mới:

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh, từ năm 2011 huyện Dầu Tiếng bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bước khởi đầu xây dựng nông thôn mới, nhiều xã trong huyện còn khó khăn, xuất phát điểm thấp. Đến nay, sau gần 10 năm phấn đấu và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn các xã của huyện Dầu Tiếng đã có nhiều khởi sắc, đổi mới đi lên. Đặc biệt, với việc chú trọng nâng cao hiệu quả trong phát triển sản xuất, thu nhập của người dân trong huyện đã tăng lên đáng kể. Đến năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 50,6 triệu đồng.

Qua gần 10 năm (2011-2019) triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Dầu Tiếng đã có 11/11 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới và đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới” (theo Quyết định số 2108/QĐ-TTg, ngày 04/11/2016) và là huyện đầu tiên của tỉnh Bình Dương đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Dầu Tiếng và cũng là động lực mạnh mẽ để Dầu Tiếng tiếp tục thực hiện xây dựng địa phương ngày càng văn minh, giàu đẹp, hiện đại. Không dừng lại ở đó, trong giai đoạn đến năm 2020 các xã trong huyện đang tiếp tục nỗ lực xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Trong đó xã Thanh An đi đầu trong thực hiện; trong năm 2019 các xã Long Tân, Định Hiệp và Định Thành phấn đấu thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao. Giai đoạn 2016-2020, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao các tiêu chí đã đạt được; sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trung tâm hành chính huyện Dầu Tiếng hôm nay

Trong 20 năm qua, huyện Dầu Tiếng luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 12%/năm; thu nhập bình quân đầu người cuối năm năm 2018 tăng gấp 4,6 lần so với năm 2005, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày một nâng cao; bộ mặt nông thôn và đô thị Dầu Tiếng ngày một khang trang, phát triển.

Những thành tựu đạt được trong 20 năm qua là nhờ có đường lối đổi mới của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh đã được Đảng bộ huyện quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, cụ thể hóa và vận dụng linh hoạt vào thực tiễn tình hình của địa phương, phù hợp với nguyện vọng và được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự hỗ trợ, hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi của các sở, ban, ngành, đoàn thể của Tỉnh; là sự đoàn kết thống nhất, phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trên tất cả các lĩnh vực của huyện là phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc; là sự đoàn kết, đóng góp tích cực, chí nghĩa, chí tình, có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng đã tạo nên sức bật mạnh mẽ để xây dựng Dầu Tiếng giàu đẹp – văn minh hôm nay.

Minh Tùng

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 1912
Tuần này: 19358
Tháng này: 51333
Tổng truy cập: 3509370