Các Hội, đoàn thể huyện Dầu Tiếng phát huy hiệu quả từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội huyện

18/01/2019    Lượt xem: 717    In bài viết   Độ tương phản  

 Trong số những gia đình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của huyện Dầu Tiếng  từ Ngân hàng Chính sách xã hội tiêu biểu có gia đình chị Nguyễn Thị Thức, ấp Chợ xã Thanh Tuyền, năm 2017 gia đình chị được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đã mua 01 con bò về chăn nuôi. Một năm sau, gia đình chị có thêm 01 con bê từ bò mẹ. Nhờ nguồn vốn vay này gia đình chị đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.

Gia đình bà Lê Thị Thêm, ngụ tại xã Thanh An cũng được xét vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế gia đình. Có vốn, bà Thêm mở tiệm tạp hóa nhỏ và mua bò để chăn nuôi. Bà Thêm phấn khởi cho biết, nhờ Nhà nước quan tâm gia đình bà được vay vốn để làm kinh tế. Đến nay, gia đình đã có 03 con bò, Hiện gia đình bà đã trả hết tiền vay cho ngân hàng. Được hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, đến nay gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo. “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp tạo điều kiện cho gia đình tôi được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của hộ nghèo, vay vốn ưu đãi, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng chuồng chăn nuôi bò. Đến nay đàn bò đã cho thu nhập ổn định, đời sống vì thế được nâng cao”, bà Thêm chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thức cho biết thêm: Thủ tục vay vốn rất nhanh chóng, thuận tiện, ngoài ra cán bộ ngân hàng cũng tư vấn thêm cho chúng tôi những mô hình hay để phát triển các mô hình kinh tế. Hy vọng với sự đồng hành của Ngân hàng CSXH sẽ giúp cho chúng tôi không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Đoàn kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay tại hộ bà Nguyễn Thị Thức ấp Chợ xã Thanh Tuyền

Có thể thấy, hiệu quả về việc cho người nghèo vay vốn làm kinh tế thì đã rõ, nhưng quan trọng hơn, nhờ đồng vốn ưu đãi mà Nhà nước ưu tiên dành cho đã giúp những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn có cơ hội giảm được nghèo và vươn lên ổn định cuộc sống. Ngoài nguồn vốn của Trung ương, nguồn vốn của tỉnh, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Dầu Tiếng cũng đã chú trọng đến công tác huy động vốn tại địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu vốn vay của các hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Mặc dù lãi suất gửi tiết kiệm không cao như các ngân hàng thương mại trên địa bàn, nhưng do bám sát cơ sở, bám sát địa bàn, đổi mới tác phong giao tiếp, nâng cao chất lượng phục vụ và làm tốt công tác tuyên truyền, mọi người nhận biết giữ tiền tiết kiệm tại Ngân hàng CSXH cũng là góp phần vào công tác giảm nghèo, nên đã thu hút nhiều người đến với Ngân hàng CSXH.

 Để các hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng CSXH, ngay sau khi có Nghị quyết liên tịch được ký giữa Ngân hàng CSXH với các tổ chức hội đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã khẩn trương triển khai chương trình phối hợp và hợp đồng uỷ thác với các tổ chức hội, đã thực hiện nhiệm vụ uỷ thác cho vay hộ nghèo có hiệu quả. Ngân hàng CSXH huyện Dầu Tiếng đã đảm bảo đủ vốn theo kế hoạch đã ký với các tổ chức hội, cung cấp các văn bản pháp quy có liên quan đến hoạt động uỷ thác, các biểu mẫu trong hồ sơ vay vốn, mẫu biểu báo cáo. Các tổ chức hội đã thành lập ban điều hành để chỉ đạo các cấp hội thực hiện uỷ thác cho vay hộ nghèo và hình thành mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn từng ấp, khu phố, đưa vốn vay ưu đãi đến tận tay người nghèo dưới sự kiểm tra, giám sát của chính quyền và các tổ chức hội ở từng địa phương. 

 

Ông Trần Đăng Khoa- Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Dầu Tiếng phát biểu: đến nay, toàn huyện có trên 13.513 hộ đang sử dụng vốn, bình quân cho vay hơn 23 triệu đồng/hộ. Trong đó, hộ nghèo có 162 lượt hộ gia đình được vay vốn, 1.531 hộ cận nghèo, 865 hộ học sinh sinh viên, 4.059 dự án vay vốn giải quyết việc làm 6.570 hộ gia đình xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh. Riêng đối với nguồn vốn ủy thác, hỗ trợ hội viên các ngành đoàn thể tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế.

Từ đầu năm 2018 đến nay, các tổ chức Hội đoàn thể trong huyện đã phối hợp với Ngân hàng chính sách huyện tập trung triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức Hội, đoàn thể đạt 306.318 triệu đồng, với 13.414 hộ vay, tại 300 tổ tiết kiệm và vay vốn chiếmtổng dư nợ đến nay 309.193 triệu đồng.  Qua kiểm tra của Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội làm ủy thác, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, vật tư đảm bảo của các hộ vay vốn ổn định, đảm bảo khả năng trả nợ. Đại đa số các hộ vay vốn chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ sản xuất kinh doanh đều sử dụng vào mục đích để chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, mua giống, phân bón, kinh doanh dịch vụ.

Hiện trên địa bàn huyện còn 630 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,98% và 281 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,88%.  Đặc biệt, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, phong trào phát triển sản xuất của hộ gia đình không ngừng lan rộng. Nhờ đó, nhiều hộ ở vùng sâu, không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững.

Bà Lê Vân Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng cho biết: để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện chỉ đạo các cấp hội ở các địa phương rà soát, lựa chọn phân công cán bộ có năng lực thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ số hộ vay; phối hợp với cán bộ tín dụng của Ngân hàng hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vốn vay bảo đảm đúng mục đích. Bên cạnh đó, chúng tôi chủ động tiến hành kiểm tra đột xuất ở những địa phương có phát sinh nợ xấu, nợ khoanh tăng. Đồng thời, thương xuyên tổ chức thực hiện kiểm tra tất cả các cơ sở; mỗi cơ sở kiểm tra ít nhất 30% số Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) do mình quản lý.

Có thể nói thông qua nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần làm tăng tổng số lượng đàn trâu bò của huyện, mở rộng diện tích đất trồng rừng, cây cao su của hộ gia đình, tăng số lượng các dịch vụ kinh doanh buôn bán nhỏ. Chương trình cho vay học sinh sinh viên nghèo giúp nhiều học sinh có cơ hội tiếp tục học tập. Ngoài ra, chương trình cho vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng đã giúp cho nhiều hộ gia đình có cơ hội tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch, công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống. Công tác phối hợp giữa Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện với chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ đã góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu chung, tạo nhiều việc làm mới, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Hồng Nga

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 37
Tuần này: 19480
Tháng này: 51492
Tổng truy cập: 3509529