Triển khai thí điểm dịch vụ Mobile – Money (Tiền di động)

29/03/2021    Lượt xem: 419    In bài viết   Độ tương phản  

Theo đó, mục tiêu nhằm góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam; tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng. Kết quả thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile-Money tại Việt Nam.

Đối tượng thực hiện thí điểm là doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện hoặc là công ty con được công ty mẹ có giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông.

Đối tượng khách hàng là cá nhân đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile-Money phải cung cấp Chứng minh nhân dân (CMND)/Căn cước công dân (CCCD)/Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được Doanh nghiệp thực hiện thí điểm định danh, xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động; và số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile-Money. Mỗi khách hàng chỉ được mở 01 tài khoản Mobile-Money tại mỗi Doanh nghiệp thực hiện thí điểm.

Việc triển khai thí điểm áp dụng trên phạm vi toàn quốc, trong đó doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải ưu tiên triển khai thí điểm dịch vụ Mobile- Money tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam.

Doanh nghiệp thực hiện thí điểm chỉ được phép cung ứng dịch vụ Mobile-Money để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành phục vụ cho nhu cầu cuộc sống người dân. Việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money chỉ áp dụng đối với giao dịch nội địa hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam bằng đồng Việt Nam, không được thực hiện thanh toán/chuyển tiền cho các hàng hóa, dịch vụ cung cấp xuyên biên giới.

Thời gian thực hiện thí điểm: 02 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money; và có hiệu lực thi hành từ ngày 09/3/2021.

Theo quyết định có 04 nội dung để các Doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile-Money sử dụng cho các nghiệp vụ sau: Nạp tiền mặt vào tài khoản Mobile-Money tại các điểm kinh doanh, nạp tiền vào tài khoản Mobile-Money từ tài khoản thanh toán của khách hàng (chủ tài khoản Mobile-Money) tại ngân hàng hoặc từ Ví điện tử của khách hàng (chủ tài khoản Mobile-Money) tại chính Doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money; Rút tiền mặt từ tài khoản Mobile-Money tại các điểm kinh doanh; rút tiền từ tài khoản Mobile-Money về tài khoản thanh toán của khách hàng (chủ tài khoản Mobile-Money) tại ngân hàng hoặc rút về Ví điện tử của khách hàng (chủ tài khoản Mobile-Money) tại chính Doanh nghiệp thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money; Thanh toán việc mua hàng hóa, dịch vụ cho Đơn vị chấp nhận thanh toán bằng tài khoản Mobile-Money; Chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile-Money của khách hàng trong cùng hệ thống của Doanh nghiệp thực hiện thí điểm, giữa tài khoản Mobile- Money của khách hàng với tài khoản thanh toán tại ngân hàng, giữa tài khoản Mobile-Money với Ví điện tử do chính Doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng. Và hạn mức giao dịch để sử dụng dịch vụ Mobile-Money không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản cho tổng các giao dịch: rút tiền, chuyển tiền và thanh toán; các hành vị bị cấm trong sử dụng dịch vụ.

Đồng thời, các Doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải xây dựng quy trình nghiệp vụ; phương án cụ thể để quản lý tách bạch tài khoản Mobile-Money với tài khoản của SIM thuê bao di động (là tài khoản sử dụng cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ thông tin di động, dịch vụ viễn thông); quy định chặt chẽ về hồ sơ về cơ chế đảm bảo khả năng thanh toán; về nhận biết, định danh khách hàng; các nguyên tắc chung và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; về lựa chọn và quản lý các điểm kinh doanh; các quy định về quản lý các đơn vị chấp nhận thanh toán; hệ thống công nghệ thông tin; quyền và trách nhiệm đối với khách hàng; quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ; đánh giá rủi ro và biện pháp quản lý, xử lý rủi ro cụ thể; xây dựng hệ thống theo dõi, kiểm soát để phản ánh chính xác doanh thu phát sinh từ việc cung ứng dịch vụ Mobile-Money.

Công văn giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan căn cứ nội dung Quyết định số 316/QĐ-TTg để tổ chức triển khai thực hiện./.

Anh Xê Ka

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 24
Tuần này: 6129
Tháng này: 13732
Tổng truy cập: 3551402