Tăng cường triển khai, thực hiện quy định “Đã uống rượu bia thì không lái xe”

16/01/2020    Lượt xem: 1628    In bài viết   Độ tương phản  

Cụ thể, từ năm 2020, theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người nào uống rượu, bia (dù uống ít) mà điều khiển xe máy, ôtô, thậm chí là xe đạp cũng bị xử phạt.

 Trong nội dung Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hàng loạt cảnh báo mà người tham gia giao thông, đặc biệt là các cá nhân thường sử dụng rượu, bia cần phải hết sức lưu ý để không vi phạm, cụ thể như: Cấm rủ rê, lôi kéo, ép buộc, xúi giục người khác uống rượu, bia; cấm người dưới 18 tuổi uống rượu, bia; cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc; cấm uống rượu, bia ở những địa điểm công cộng,... Đặc biệt, việc cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia sẽ tác động rất nhiều đến tình hình trật tự an toàn giao thông.

Việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đang được sự ủng hộ cao của đại đa số người dân. Nhiều người cho rằng việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia đang trở thành thói quen đối với một số cá nhân, do đó nếu luật này đi vào cuộc sống sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, trước tiên là giảm thiểu được số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn gây ra.

Bên cạnh đó, mức xử phạt của Nghị định 100 cao hơn nhiều so với Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016. Cụ thể, phạt tiền tới 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy có sử dụng rượu, bia; phạt tiền tới 40 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô có nồng độ cồn trong máu và hình thức phạt bổ sung tước giấy phép lái xe đến 2 năm. Việc tăng mức phạt với vi phạm nồng độ cồn đối với người đi xe máy và ôtô là cần thiết. Bởi đây là hai loại phương tiện chủ yếu gây ra tai nạn giao thông. Ngoài ra nghị định cũng bổ sung xử phạt cả trường hợp lái xe đạp uống rượu bia. Với mức phạt cao sẽ có nhiều ý nghĩa trong việc kéo giảm, ngăn chặn tai nạn giao thông do bia rượu trong thời gian tới. Quy định này sẽ thay đổi dần hành vi tùy tiện lái xe khi uống bia rượu và tiến đến thay đổi “Văn hóa ăn nhậu” ở xã hội chúng ta. Hi vọng với quy định đủ mạnh và việc thực hiện nghiêm sẽ dần thay đổi, tiến đến chấm dứt hành vi lái xe khi đã uống bia rượu.

Hiện nay, có hai luật quy định về xử phạt hành vi của người sử dụng rượu bia và chất kích thích lái xe là Luật phòng chống tác hại rượu bia và Luật giao thông đường bộ. Ngoài ra, Luật hình sự cũng có quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu bia và chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng. Việc thông qua các luật này thể hiện quyết tâm của Quốc hội về việc nghiêm cấm hành vi lái xe khi đã sử dụng rượu bia và chất kích thích khác. Đây là luật cấm tổng thể, khi đã uống rượu bia và chất kích thích thì bất kể nồng độ cồn bao nhiêu cũng không được lái xe. Như vậy, nếu vi phạm, người vi phạm chắc chắn sẽ bị xử phạt ít nhất là về mặt hành chính.

Luật Phòng chống tác hại rượu bia tạo ra sự cưỡng chế pháp lý mới, phần còn lại là trách nhiệm của các cơ quan thực thi làm sao để thi hành luật nghiêm khắc. Luật này có đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc vào chính ý thức của công dân có chấp hành hay không và việc xử lý nghiêm khắc theo quy định của cơ quan chức năng. Trước đây, khi đưa ra quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi lái xe nhiều người nghĩ sẽ không đi vào cuộc sống được. Nhưng khi các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm, kết hợp với truyền thông, giáo dục, quy định này đi vào cuộc sống thành công. Hiện nay, đội mũ bảo hiểm khi lái xe ra đường trở thành thói quen của người dân.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng ăn một số trái cây có đường, thực phẩm chế biến có thêm rượu bia, thuốc có dung môi cồn khi ăn, uống vào có nồng độ cồn trong máu có bị phạt hay không không phải là vấn đề mới, vì quy định người lái ôtô không được có nồng độ cồn trong máu và khí thở đã có từ Luật giao thông đường bộ năm 2009 và đến nay vẫn thực hiện, từ đó đến nay chưa có ai phản hồi về việc ăn trái cây có đường, dùng các loại thuốc có dung môi cồn và bị phạt. Tuy nhiên, hàm lượng cồn từ các thực phẩm, thuốc này rất thấp, tùy thuộc vào lượng sử dụng, thời điểm đo độ cồn và cũng suy giảm, đào thải rất nhanh, thông thường sau khi ăn, mọi người chỉ cần uống nước lọc, súc miệng và sau 15-30 phút thì không còn nồng độ cồn. Cũng vậy, không phải ăn xong là bị cảnh sát giao thông chặn lại thổi phạt, bởi những người có bia rượu mặt đỏ gay, đi đứng loạng choạng, có mùi cồn, mùi bia rượu khác hẳn với người không dùng. Mọi người đều có quyền khiếu nại, giải trình theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Năm 2020, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chọn khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia không lái xe” là chủ đề của năm an toàn giao thông. Điều này cho thấy việc siết chặt, xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn là việc làm cấp bách và cần thiết. Mục tiêu trọng tâm của nhiệm vụ năm 2020 là cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông trong việc chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là quan tâm đến các quy định về nồng độ khi điều khiển phương tiện giao thông. Từ đó, mới có thể góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ chung giảm các tiêu chí tai nạn giao thông từ 5 - 10% số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2019.

Để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, Chủ tịch UBND huyện cũng vừa ký ban hành Công văn chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông. Trong đó, các cơ quan, phòng ban, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, nhất là tình trạng điều khiển phương tiện lưu thông sau khi sử dụng rượu, bia. Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ như đi sai làn đường, phần đường, đi ngược chiều; điều khiển phương tiện giao thông khi cơ thể có nòng độ cồn; xe chở quá tải trọng quy định,... Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý điểm đen có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn huyện. Đặc biệt là đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và Lễ hội sau Tết.

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hoá giao thông an toàn, trong đó trọng tâm là Luật phòng, chống tác hại của rượu bia; các quy định, chế tài xử phạt vi phạm về trật tự an toàn giao thông; vận động cán bộ công chức nêu gương, toàn dân thực hiện “Đã uống rượu, bia không lái xe”.

Việc Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực là một tin vui cho tất cả những người tham gia giao thông trên đường. Trong thời gian tới, ngành chức năng và toàn xã hội cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đến mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, giúp người tham gia giao thông tiếp cận, hiểu và thực hiện đúng các quy định trong văn bản luật vừa được ban hành, góp phần kéo giảm các tiêu chí về tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia.

Phan Vũ

 

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 803
Tuần này: 18761
Tháng này: 72949
Tổng truy cập: 3530986