Từ một vùng đất khô cằn, gánh trên mình nhiều bom mìn trong thời kỳ kháng chiến, đến nay vùng đất thép Thanh Tuyền đã vươn lên mạnh mẽ. Với những chính sách phát triển nông nghiệp sát thực tế của, đến nay nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn xã Thanh Tuyền đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Xã Thanh Tuyền có diện tích 6.232 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 80% diện tích tự nhiên, hướng Đông Bắc là đất phù sa phù hợp phát triển cây cao su; hướng Tây ven sông Sài Gòn là đất phù sa bằng phẳng, màu mỡ phù hợp cho cây lúa và cây ăn trái. Thanh Tuyền hôm nay không chỉ được biết đến là một địa danh có tiếng trong chiến tranh mà còn là vùng đất đang được đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế. Thanh Tuyền có tuyến đường trọng yếu ĐT744 đi qua nối liền Dầu Tiếng với Thành phố Thủ Dầu Một, được nâng cấp hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng trong năm 2015 đã mở ra cơ hội lớn để Thanh Tuyền thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch.
Những năm gần đây, kinh tế xã Thanh Tuyền tăng bình quân 15%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, đến nay nông nghiệp chiếm 40%, thương mại - dịch vụ 36%, công nghiệp - xây dựng 24%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng. Ông Lưu Vĩnh Quốc, Chủ tịch UBND xã Thanh Tuyền cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, địa phương đã vận động người dân chuyển đổi mô hình kinh tế, cây trồng con giống phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Từ đó, nhiều mô hình kinh tế mới được người dân trong xã thực hiện hiệu quả, tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Một góc Thanh Tuyền hôm nay
Các mô hình kinh tế mới, hiệu quả trên địa bàn xã Thanh Tuyền có thể kể đến như trang trại hoa lan của gia đình ông Võ Văn Quang ở ấp Đường Long, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao, với thu nhập bình quân 40 - 50 triệu đồng/tháng. Mô hình chăn nuôi có hộ ông Thạch Thiên thành công từ mô hình nuôi bò thịt, trang trại chăn nuôi bò thịt của gia đình ông phát triển được gần 70 con. Với giá bán trung bình 30 triệu đồng/con bò thịt trưởng thành như hiện nay, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông Thiên thu lợi nhuận 250 - 300 triệu đồng. Đáng chú ý là mô hình liên kết trồng Măng cụt theo hướng VietGAP trên địa bàn xã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đang có sức hút lớn đối với nhiều gia đình. Điển hình như vườn Măng cụt của các gia đình ông Nguyễn Văn Tỵ, Trần Văn Sáu, Lê Văn Mé, Nguyễn Văn Trí… Mỗi vụ sau khi trừ chi phí các hộ trồng có thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Trong 3 năm gần đây, tại các hội thi trái cây ngon khu vực miền Đông Nam bộ, Măng cụt xã Thanh Tuyền đều đạt giải cao - Măng cụt Thanh Tuyền đã trở thành một thương hiệu được nhiều người biết đến.
Trong lĩnh vực thương mại-du lịch, xã Thanh Tuyền đang có cơ hội phát triển mạnh, nhất là khi thành phố Hồ Chí Minh thực hiện dự án mở rộng Khu Di tích Địa đạo Củ Chi gắn với du lịch sinh thái sang xã Thanh Tuyền với quy mô 116 ha. Đây là cơ hội để Thanh Tuyền phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tập trung với quy mô lớn ven sông Sài Gòn, gắn với phát triển du lịch đường sông và du lịch nghỉ dưỡng. Nắm bắt lợi thế này, huyện Dầu Tiếng đã có chủ trương phát triển xã Thanh Tuyền thành vùng chuyên canh cây Măng cụt nhằm phát triển du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn, tạo thương hiệu sản phẩm Măng cụt, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015- 2020 đã đề ra, trong thời gian tới xã Thanh Tuyền sẽ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ; chú trọng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp đô thị; phát triển chăn nuôi động vật hoang dã, mô hình nông nghiệp đô thị như hoa phong lan, nấm ăn, nấm dược liệu, nuôi cá cảnh,... Bên cạnh đó, xã sẽ chuyển khoảng 60 ha đất trồng lúa 1 vụ/năm dọc sông Sài Gòn sang trồng cây ăn trái đặc sản, nâng diện tích cây ăn trái tại xã lên 176 ha; nông nghiệp công nghệ cao giá trị bình quân đạt 150 - 200 triệu đồng/ha/năm,... Xã Thanh Tuyền cũng quan tâm phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, sơ chế cao su, chế biến gỗ, hàng mộc gia dụng; phát triển kinh tế làng nghề như mây tre lá, làm bánh tráng, hàng thủ công mỹ nghệ bán cho khách du lịch. Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, xã sẽ ưu tiên phát triển dọc theo đường ĐT744 và các trục đường chính; tại trung tâm xã hiện nay sẽ là khu đô thị thương mại và dịch vụ chất lượng cao. Xã phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ thu nhập bình quân đầu người đạt từ 55 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh còn dưới 1%.
Hồng Nga
Đánh giá bài viết:
Thích bài viết: 0 lượt thích
-
Huyện Dầu Tiêng công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2024
02:27 24-05-2024 -
Huyện Dầu Tiếng chỉ đạo tăng cường tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và công tác kiểm tra giá điện nhà trọ trên địa bàn huyện năm 2023
03:30 07-07-2023 -
Huyện Dầu Tiếng tổ chức Hội thảo phát triển du lịch nông thôn
03:31 07-07-2023 -
Huyện Dầu Tiếng họp thẩm định phê duyêt quy hoạch cảng Phú Cường Thịnh
10:33 12-06-2023 -
Huyện Dầu Tiếng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến kiến Nhân dân đối với dự thảo luật đất đai (sửa đổi)
01:44 29-03-2023