logo TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ Huyện Dầu Tiếng

Dầu Tiếng là một huyện phía bắc của tỉnh Bình Dương, cách trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương khoảng 50 km. Phía bắc giáp huyện Bình Long (tỉnh Bình Phước), Phía Đông và Đông Nam giáp thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương), phía Tây Bắc và Tây Nam giáp huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh), phía Nam giáp huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh).Diện tích tự nhiên 721,95 km2 và dân số trên 123.879 người (năm 2018); mật độ dân số thưa hơn các huyện khác trong tỉnh: 171 người/km2, trong đó người dân sống tại đô thị chiếm 20,6% và sống ở vùng nông thôn chiếm 79,4%. Đơn vị hành chính: 11 xã, 01 thị trấn với 89 ấp, khu phố. Huyện lỵ là thị trấn Dầu Tiếng tọa lạc ở vị trí 11020’ kinh độ đông và 106020’ vĩ độ bắc.

Theo một số thư tịch ở miền Nam (trước năm 1975) thì tên gọi “Dầu Tiếng” đã có từ trước khi thực dân Pháp đặt chân tới vùng đất này. Từ thế kỷ XVII, XVIII, nơi đây còn là rừng nguyên sinh trải dài trên vùng đất xám do hai con sông Sài Gòn ở phía tây và sông Thị Tính ở phía đông bồi đắp tạo thành hình chữ V ôm lấy vùng đất Dầu Tiếng từ ba mặt. Bên bờ sông Sài Gòn, khu vực Cầu Tàu bây giờ, thuở ấy có một cây cầu dầu lớn (ba, bốn người ôm không xuể) đổ xuống, thân nằm vắt ngang dòng sông, làm thành một chiếc cầu tự nhiên. Cây dầu với độ lớn và vị trí của nó đã thành danh do người dân sinh sống nơi đây và những người qua lại làm ăn gọi mãi thành quen. Từ đó, nhân dân lấy tên cây “dầu” có “tiếng” này để gọi tên vùng đất huyện “Dầu Tiếng” ngày nay.

Tượng đài Chiến thắng huyện Dầu Tiếng

- Đất đai Dầu Tiếng chủ yếu là đất xám nâu và đất xám phù hợp trồng các loại cây công nghiệp như cao su, điều và cây công nghiệp ngắn ngày. Địa hình gò đồi nhấp nhô, lượn thoải dần về phía Nam. Phía Bắc có dãy Núi Cậu, tổ hợp của 02 ngọn Núi Ông và Tha La. Nằm trong khu vực nhiệt đới vùng Đông Nam Bộ, Dầu Tiếng có chung đặc điểm là nắng nóng và mưa nhiều. Tuy nhiên, khí hậu ở đây tương đối ôn hòa, ít thiên tai, bão lụt.

Cảnh quan Chùa Thái Sơn – Núi Cậu

Thắng cảnh Suối Trúc

- Sông ngòi ở Dầu Tiếng có 02 con sông (Sài Gòn và Thị Tính). Sông Sài Gòn chảy qua Dầu Tiếng ở phía Tây và Tây Nam với khoảng chiều dài 50km, tạo thành ranh giới tự nhiên giữa Dầu Tiếng với Tây Ninh, giữa Dầu Tiếng với Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) và sau đó đổ vào sông Đồng Nai ở Tân Thuận Đông. (Trong kháng chiến chống Mỹ, sông Sài Gòn trở thành “sông gạo và máu” của cán bộ, chiến sĩ ta. Nơi ghi dấu biết bao chiến công cùng sự hy sinh anh dũng của bộ đội và nhân dân trong vận chuyển lương thực-vũ khí cho cho kháng chiến). Sông Thị Tính nằm ở phía Đông huyện Dầu Tiếng, bắt nguồn từ Căm Xe chảy qua Bến Cát rồi đổ vào sông Sài Gòn ở Cầu Ông Cộ. Hai dòng sông trên cung cấp nguồn nước, mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng ở một số xã và điều tiết khí hậu cho địa phương. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hàng chục con suối cùng với một số hồ nước khá lớn như: hồ Cần Nôm, hồ Dầu Tiếng. Đặc biệt hồ Dầu Tiếng là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất của Nước ta và Đông Nam Á, với diện tích mặt nước 2.560 ha, dung tích chứa trên 1,5 tỷ m³ nướchồ đã cung cấp nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, mang lợi nhiều lợi ích phát triển kinh tế không chỉ cho huyện Dầu Tiếng mà còn nhiều địa phương khác (tỉnh Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An).


Cảnh quan Hồ Dầu Tiếng

- Về giao thông: Trên địa bàn Dầu Tiếng từ xưa đã có đường thủy, đường bộ, thông thương với các vùng kinh tế, dân cư trong tỉnh: liên tỉnh lộ 14 (đường 744) nối từ quốc lộ 13 đoạn phía Bắc thành phố Thủ Dầu Một chạy xuyên dọc từ Đông Nam lên Tây Bắc hết địa phận Dầu Tiếng qua Núi Cậu gặp Quốc lộ 13 phía Bắc huyện (Đây là con đường mà mỗi tất đất, gốc cây còn in dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Dầu Tiếng). Ngoài ra Dầu Tiếng còn có các đường giao thông quan trọng khác tạo thành hệ thống giao thông thuận tiện từ huyện đến các xã, ấp, khu, phố.

Trung tâm Hành chính huyện

- Về dân tộc, tôn giáo: Đa số huyện Dầu Tiếng dân tộc kinh là chủ yếu (khoảng97,2%). Ngoài ra, có 18 dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã, thị trấn (tập trung nhiều nhất ở Minh Hòa, Minh Tân), gồm 955 hộ với 2.967 khẩu, chiếm khoảng 2,68% dân số huyện(Khơme, Chăm, Tày, Nùng, STiêng, Châu ro, Mường, Thái, Sán dìu, Êđê…). Có 05 tôn giáo được Nhà nước công nhận đang hoạt động, đó là: Phật giáo, Cao đài, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo. Nhìn chung hoạt động của các tôn giáo ổn định, trật tự an toàn xã hội trong vùng có đông đồng bào tôn giáo được đảm bảo. Các chức sắc tôn giáo, đồng bào theo đạo, đồng bào dân tộc thiểu số cùng với nhân dân sống hòa thuận, đa số có đời sống kinh tế phát triển khá, tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bao thế hệ người dân Dầu Tiếng đã lên đường tòng quân chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, họ đã chiến đấu quên mình và anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần giải phóng đất nước nói chung và Dầu Tiếng nói riêng. Với những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Đảng bộ, quân và dân huyện Dầu Tiếng, cùng với 6/12 xã-thị trấn và Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; phong tặng và truy tặng 303 Mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 1.200 gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và hàng ngàn gia đình có công cách mạng.

*Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 02/1976 huyện Dầu Tiếng sát nhập với huyện Bến Cát lấy tên là huyện Bến Cát theo Quyết định của Quốc hội Nước CHXHCNVN. Đến tháng 8/1999 căn cứ theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, huyện Dầu Tiếng được tách ra từ huyện Bến Cát theo Nghị định số 58/1999/NĐ-CP, ngày 20/8/1999 của Chính phủ.

Di tích máy bay rải thảm bom B-52 của Mỹ ném bom lần đầu tiên ở Việt Nam

Khu di tích lịch sử Rừng Kiến An

Khu Di tích cách mạng Vườn Trầu - Nơi thành lập Tiểu đoàn Phú Lợi

Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh

          Trải qua 03 nhiệm kỳ Đại hội (kể từ khi tái lập Huyện), Đảng bộ và nhân dân huyện Dầu Tiếng đã đoàn kết thống nhất một lòng, lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng của giai đoạn mới. Sau những ngày đầu tái lập huyện trước bộn bề công việc nhưng huyện đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của toàn huyện.

Mùa cao su thay lá

          Về kinh tế: Kinh tế toàn huyện luôn giữ nhịp độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực, đúng hướng, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân hàng năm 14,56% (bình quân 16 năm); thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 36 triệu đồng/năm. Đến nay có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới và Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Thế mạnh kinh tế của huyện Dầu Tiếng là nông nghiệp, Cao su vẫn là cây trồng chủ lực của huyện, diện tích cây cao su trên địa bàn huyện là 50.270ha. Diện tích cây ăn quả 580ha. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây lương thực và rau màu ước đạt 4.077ha, trong đó diện tích lúa xuống giống 681ha.

- Công tác đầu tư đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội luôn được quan tâm phục vụ cho nhu cầu phát triển. 100% các tuyến đường chính (do huyện quản ký) được nhựa hóa, trên 85% các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng các xã được cứng hóa bằng sỏi đỏ. Các cơ sở y tế, trung tâm văn hóa thông tin - thể thao của huyện và các xã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn, trụ sở làm việc các cơ quan từ huyện đến xã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu làm việc cho cán bộ và lực lượng vũ trang.

  Về văn hóa-xã hội: Hệ thống trường lớp, hiện nay có 25/51 trường được xây dựng lầu hóa và 32/51 trường đạt chuẩn quốc gia.

Công trình Giao thông nông thôn

Trường Tiểu học Dầu Tiếng

Các cơ sở khám, chữa bệnh từ huyện đến các xã, thị trấn được xây dựng mới; nâng cấp và tu sửa, trang thiết bị khám, chữa bệnh được đầu tư bổ sung, tổng số giường bệnh 322 giường, công suất sử dụng giường bệnh đạt 88,8%.Công tác phát triển văn hóa, thông tin, thể thao luôn được quan tâm đầu tư đúng mức, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Hàng năm tổ chức hơn 100 buổi biểu diễn văn nghệ, chiếu phim lưu động phục vụ các tầng lớp nhân dân trong huyện; tổ chức nhiều giải thể thao cấp huyện và tham dự các giải cấp tỉnh đạt nhiều thành tích. Toàn huyện có 10 di tích văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 01 di tích cấp quốc gia, 09 di tích văn hóa cấp tỉnh.

- Thực hiện tốt các chính sách đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng. Xây dựng và sửa chữa hơn 2.047 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; giải quyết việc làm cho trên 6.500 lao động; 100% người nghèo, người bị nhiễm chất độc hóa học, cán bộ kháng chiến, người cao tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế; tỷ lệ hộ nghèo hiện nay giảm.

Tình hình an ninh; trật tự an toàn xã hội: Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn giữ vững, ổn định, nhất là trong các dịp lễ, tết, các đợt cao điểm, các sự kiện chính trị lớn của đất nước và địa phương. Công tác ngăn ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội; tai nạn giao thông... luôn được chú trọng và thực hiện đạt hiệu quả. Thường xuyên phát động đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm...từ đó đã góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Về công tác xây dựng đảng, đoàn thể: Hiện nay Đảng bộ huyện Dầu Tiếng có 52 tổ chức cơ sở đảng. Hàng năm kết quả phân loại có trên 85% tổ chức cơ sở đảng đạt “Trong sạch vững mạnh”; trên 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đảng bộ Huyện hàng năm đều được công nhận Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động đoàn kết, tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương xã hội, tham gia xây dựng đảng, chính quyền đạt nhiều kết quả cao; thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên, hội viên, tính đến nay đã tập hợp được trên 60.000 đoàn viên, hội viên.

Với đặc thù của huyện năm xưa là vùng kháng chiến đã từng bị bom cày, đạn xới. Sau 15 năm tái lập với sự tập trung của lãnh đạo Huyện ủy-HĐND-UBND-UBMTTQVN Huyện và các đoàn thể, sự đồng thuận của nhân dân. Dầu Tiếng hôm nay mang một màu xanh bạt ngàn của rừng cao su trù phú, những trang trại chăn nuôi tập trung, những khu công nghiệp đang dần mọc lên. Tất cả đã tạo một sức bật tiềm năng cho Dầu Tiếng trong thời kỳ đổi mới. Cùng với đó là một trong những huyện của tỉnh Bình Dương hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mỗi lĩnh vực, mọi nhiệm vụ đạt được đã tạo nên một bức tranh kinh tế- xã hội sống động, hứa hẹn một tương lai ngập tràn tươi sáng. Vì thế, dù đến Dầu Tiếng chỉ một ngày hay một khoảng thời gian nào đó, chúng ta không chỉ ngỡ ngàng trước sự thay da, đổi thịt và cũng không khỏi bồi hồi quyến luyến khi phải rời xa bởi vùng đất và con người Dầu Tiếng luôn chất phát, thật thà và giàu lòng mến khách, bởi sức hút của một vùng quê anh hùng trong kháng chiến, năng động trong xây dựng đổi mới đang bắt nhịp với bước chuyển mình của đất nước trong thời kỳ hội nhập.