Ngày 08/3/2018, Thủ trướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện (Demand Side Management - DSM) giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình quốc gia về DSM).
Mục tiêu của Chương trình quốc gia về DSM là triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, kinh tế - xã hội để thực hiện các Chương trình quản lý nhu cầu điện, trong đó sự tham gia chủ động của khách hàng sử dụng điện đóng vai trò quan trọng góp phần đảm bảo cung ứng điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả kinh tế chung của hệ thống điện gắn với phát triển bền vững ngành điện, ngành năng lượng. Chương trình quốc gia về DSM được triển khai phù hợp với xu hướng phát triển của ngành năng lượng, ngành điện và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, đảm bảo tối ưu mọi nguồn lực xã hội, hiệu quả và lợi ích của khách hàng sử dụng điện và các đơn vị điện lực trong chuỗi quá trình từ sản xuất điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán điện và sử dụng điện. Giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia, hệ thống điện vùng, miền nhằm giảm nhu cầu về vốn đầu tư để xây dựng mới, mở rộng hệ thống điện, góp Phần giảm áp lực tăng giá điện, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng và phát triển bền vững. Nâng cao nhận thức của khách hàng sử dụng điện và toàn xã hội trong việc quản lý nhu cầu điện và sử dụng điện hiệu quả; từng bước chuyển từ khách hàng sử dụng điện truyền thống sang khách hàng sử dụng điện thông minh.
Phấn đấu giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia (so với dự báo nhu cầu phụ tải điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia) khoảng 300 MW vào năm 2020, 1.000 MW vào năm 2025 và 2.000 MW vào năm 2030 thông qua triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về DSM. Hệ số phụ tải hệ thống điện quốc gia tăng từ 1% đến 2% trong cả giai đoạn 2018 - 2020 và 3% đến 4% trong cả giai đoạn từ 2021 - 2030.
Thực hiện Chương trình của Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 175/QĐ-BCT ngày 28/01/2019 về phê duyệt lộ trình và kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR). Bộ Công Thương giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp chặt chẽ với Cục Điều tiết điện lực, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện đầy đủ khung pháp lý và cơ chế chính sách thực hiện Chương trình DR và Chương trình DSM; Chỉ đạo các Tổng công ty điện lực tập trung và đẩy mạnh thực hiện công tác nghiên cứu phụ tải điện, nâng cao năng lực dự báo nhu cầu phụ tải điện, khai thác toàn diện các kết quả của chương trình nghiên cứu phụ tải điện để đánh giá tiềm năng thực hiện Chương trình DR và Chương trình DSM; xây dựng kế hoạch và thực hiện Chương trình DR là một hoạt động, giải pháp trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh của mỗi đơn vị và của cả EVN.
Để đảm bảo thực hiện các mục tiêu của chương trình DSM như: thí điểm các chương trình Quản lý nhu cầu phụ tải; thực hiện đồng bộ nghiên cứu phụ tải, dự báo phụ tải và thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải; xây dựng và thực hiện chương trình truyền thông tổng thể về quản lý nhu cầu phụ tải, sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng và thực hiện cơ chế, hỗ trợ, truyên truyền nhằm khuyến khích khách hàng đầu tư lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái,… song song đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Quyết định đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho thị trường điện mặt trời áp mái tại Việt Nam.
Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020, khi cả nước không có nguồn khai thác mới thì việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời; trong đó, có điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện.
Hệ thống pin năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng tại Tòa án Nhân dân huyện Dầu Tiếng
Tính tới cuối năm 2018, các đơn vị trực thuộc EVN đã lắp đặt được 54 công trình điện mặt trời áp mái với tổng công suất 3,2 MWp. Các Tổng công ty Điện lực và Công ty điện lực đã ký kết thực hiện đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện năng giao nhận với 1.800 khách hàng đăng ký bán điện mặt trời áp mái với tổng công suất 30,12 MWp; sản lượng điện năng lũy kế phát lên lưới là 3,97 triệu KWh. Theo đánh giá, con số trên còn quá nhỏ bé so với tiềm năng phát triển điện mặt trời của Việt Nam.
Điện mặt trời áp mái đem lại rất nhiều lợi ích cho cả xã hội, doanh nghiệp. Đối với xã hội, người sử dụng sẽ có thể cắt giảm chi phí điện và có thêm thu nhập. Tại nhiều nước, đây là một ngành công nghiệp phát triển tạo ra việc làm và thu nhập cho nhiều người. Đối với ngành điện, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn điện và là nguồn điện phân tán để bổ sung cho tải tại chỗ, giải quyết tình trạng quá tải có thể xảy ra vào giờ cao điểm. Đặc biệt, điện mặt trời áp mái có thể giúp tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng hệ thống điện truyền tải, phân phối như đường dây, trạm biến áp,... và các hệ thống phụ trợ; giảm gánh nặng cho bộ máy vận hành hệ thống truyền tải, phân phối. Những lợi ích này là vô cùng lớn, khó có thể đong đếm bằng tiền cụ thể. Tuy nhiên, đầu tư một hệ thống điện mặt trời áp mái đòi hỏi chủ đầu tư phải có sẵn nguồn vốn ban đầu, thường thì tương đối cao. Đây là nguyên nhân chính cản trở sự phát triển rộng rãi của hệ thống điện mặt trời áp mái.
Để người dân hiểu và sử dụng về điện mặt trời áp mái, EVN cam kết hỗ trợ tối đa các yêu cầu lắp đặt của người dân, doanh nghiệp về các thủ tục đấu nối, mua bán điện sẽ được thực hiện nhanh chóng. EVN cũng sẽ triển khai nhanh việc đấu nối, các công tơ 2 chiều và chịu toàn bộ chi phí đo phần sản lượng, bán lên lưới điện. Hiện nay, điện lực Dầu Tiếng đang triển khai các hoạt động quảng bá khuyến kích lắp đặt điện mặt trời áp mái trong cộng đồng dân cư và các cơ sở sản xuất, dịch vụ; hoạt động hợp tác, thỏa thuận giữa điện lực với khách hành sử dụng điện ngoài sinh hoạt trên địa bàn tham gia thực hiện Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) khi sự cố có nguy cơ mất cân đối cung cầu trong hoạt động cung cấp điện trên địa bàn huyện.
Điện lực Dầu Tiếng thực hiện lắp đặt (miễn phí) công tơ đo đếm điện năng 2 chiều, ký hợp đồng mua lượng điện dư từ hệ thống điện mặt trời áp mái của hộ dân/ doanh nghiệp phát trên lưới điện; thanh toán tiền hàng tháng theo giá quy định, thực hiện (miễn phí) các hồ sơ liên quan đến việc đấu nối vào lưới điện, ghi chỉ số, thanh toán điện mặt trời áp mái đến khách hàng định kỳ hàng tháng. Tư vấn cho người dân/doanh nghiệp về nội dung liên quan đến điện mặt trời áp mái; Chương trình điều chỉnh phụ tải điện khi liên hệ với Điện lực Dầu Tiếng hoặc Trung tâm Chăm sóc khách hàng.
Hệ thống năng lượng mặt trời hoạt động bằng cách khai thác năng lượng từ ánh sáng mặt trời và biến chúng thành điện năng. Việc lựa chọn hệ thống điện mặt trời áp mái phù hợp không những tiết kiệm được chi phí, thời gian đầu tư mà còn giúp hệ thống hoạt động tối ưu, tiết giảm chi phí điện tối đa. Tỷ lệ tiết kiệm này phụ thuộc vào nhu cầu của từng hộ gia đình, khu vực sinh sống cũng như diện tích của mái nhà khi triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái ngoài tiết giảm chi phí điện tối đa cho gia đình, điểm nổi bật của hệ thống điện này là khi có lượng điện dư không sử dụng, khách hàng có thể bán lại cho ngành Điện, với mức giá trung bình là 2.068 đồng/kWp (theo quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Chính vì vậy, sử dụng điện mặt trời không chỉ tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường mà còn được xem là giải pháp tiết kiệm điện năng đáng đầu tư hiệu quả trong thời điểm hiện nay.
Hiện trên thị trường hệ thống điện mặt trời áp mái thường lắp ở khu vực dân cư, có 2 giải pháp cơ bản: Giải pháp điện mặt trời nối lưới (nối trực tiếp vào lưới điện và có thể bán điện dư lại cho ngành Điện) và giải pháp điện mặt trời tương tác lưới (dành cho khách hàng muốn sử dụng điện ngay cả khi bị mất điện lưới quốc gia do có thêm bộ sạc ắc quy dự trữ), tùy theo nhu cầu sử dụng cũng như khả năng tài chính các hộ gia đình sẽ lựa chọn giải pháp để lắp đặt.
Phan Vũ
Đánh giá bài viết:
-
UBND huyện Dầu Tiếng trao tặng nhà nhân ái trên địa bàn xã Minh Hòa
09:02 12-10-2024 -
Triển khai thực hiện thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID
08:58 12-10-2024 -
Bộ TTTT triển khai quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
08:55 12-10-2024 -
KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 - 19/8/2024) VÀ NGÀY QUỐC KHÁNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM (02/9/1945 - 02/9/2024)
01:45 13-09-2024 -
UBND huyện ban hành Kế hoạch truyền thông hoạt động cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn huyện năm 2024
03:55 24-05-2024