Sáng ngày 24 tháng 02 năm 2023, tại Phòng họp Huyện ủy, Huyện Ủy – UBND huyện dự tiếp và làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương về Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023, giai đoạn 2021-2025; Triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023, đặc biệt phát triển sản phẩm OCOP các xã chưa đạt nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; Quy hoạch nông nghiệp của huyện tích hợp quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Sản xuất nông nghiệp; Quảnn lý đất lâm nghiệp; Công tác phối hợp quản lý hồ, hoạt động quỹ phòng, chống thiên tai, nước sạch nông thôn; Tình hình hoạt động của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện; Tình hình hoạt động hợp tác xã, trang trại, tổ hợp tác nông nghiệp.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT có Ông Phạm Văn Bông Giám đốc Sở, Các Chi Cục Trưởng, Các trưởng phòng trực thuộc Sở cùng tham dự đầy đủ. Lãnh đạo huyện: Ông Mai Bá Trước – Bí thư Huyện ủy, Ông Huỳnh Văn Dân – Phó Bí thư Huyện ủy, Ông Nguyễn Phương Linh – Chủ tịch UBND huyện, Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó CT.UBND huyện. Đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính – KH, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên – môi trường, Phòng Lao động – TBXH, Trạm Chăn nuôi thú y, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Hạt Kiểm Lâm, Ban Quản lý rừng Phòng hộ Núi cậu, UBND các xã, thị trấn. Văn Phòng HĐND-UBND huyện.
Tại buổi làm việc, Huyện Dầu Tiếng báo cáo sơ bộ tình hình hoạt động và kết quả thực hiện một số chương trình như sau:
Đối với xã nông thôn mới nâng cao: Huyện Dầu Tiếng đến nay đã đạt 09/11 xã của huyện được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, gồm: Thanh An, Định Hiệp, Định Thành, Định Hiệp, Minh Tân, Định An, Minh Hòa, Thanh Tuyền và Long Tân, đạt 81,82%; 02 xã còn lại (Minh Thạnh và An Lập). Tuy nhiên, theo Quyết định số 2459/QĐ-UBND ngày 03/10/2022 của UBND tỉnh Bình Dương về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong Bộ tiêu chí mới của Tỉnh về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 vẫn bao gồm 19 tiêu chí, nhưng bổ sung thêm 33 chỉ tiêu (từ 43 chỉ tiêu lên 76 chỉ tiêu), trong đó có nhiều nội dung cần nâng chất, điều kiện khó và cao hơn; do đó đến thời điểm hiện tại các xã còn một số tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt hoặc đạt còn yếu và hạn chế. Trong đó có xã Minh Thạnh: Đạt 14/19 tiêu chí (67/76 chỉ tiêu).
+ Tiêu chí chưa đạt: (11) Hộ nghèo; (13) Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (chỉ tiêu 13.4, 13.5, 13.6); (14) Y tế (chỉ tiêu: 14.1, 14.3, 14.4); (17) Môi trường (chỉ tiêu: 17.5); (18) Chất lượng môi trường sống (chỉ tiêu: 18.1).
Xã An Lập: Đạt 13/19 tiêu chí (66/76 chỉ tiêu).
+ Tiêu chí chưa đạt: (6) Văn hóa (chỉ tiêu 6.1); (11) Hộ nghèo; (13) Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (chỉ tiêu 13.4, 13.5, 13.6); (14) Y tế (chỉ tiêu: 14.1, 14.3, 14.4); (17) Môi trường (chỉ tiêu: 17.5); (18) Chất lượng môi trường sống (chỉ tiêu: 18.1).
* Giải pháp thực hiện để 02 xã Minh Thạnh và An Lập đạt chuẩn NTM nâng cao:
- Về tiêu chí số 6 - Văn hóa:
+ Tiếp tục duy trì và nâng cao hoạt động của Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Tuyên truyền huyện và Trung tâm Văn hóa, thể thao – Học tập cộng đồng tại các xã. Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho thanh thiếu niên và người dân trên địa bàn xã tham gia.
+ Riêng đối với xã An Lập: Phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện khảo sát, chọn địa điểm phù hợp để bố trí, lắp đặt các dụng cụ thể thao ngoài trời ở điểm công cộng giúp người dân nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo đạt chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao của tỉnh.
- Về tiêu chí 11- Hộ nghèo:
+ Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG về Giảm nghèo bền vững năm 2023 và giai đoạn 2021 – 2025 nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của hộ nghèo, hộ cận nghèo hướng đến giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững;
+ Tiếp tục triển khai các dự án, mô hình giảm nghèo bền vững như: đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế,…
- Về tiêu chí 13- Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn:
+ Tiếp tục đẩy mạnh Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với triển khai Đề phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế; thực hiện tốt việc chuyển đổi đất kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây, con khác có hiệu quả cao hơn;
+ Phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường khâu bảo quản và chế biến hàng nông sản; hình thành hệ thống trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản.
+ Tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả để hỗ trợ cho nông dân. Chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả; mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.
+ Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng đa dạng hóa và nâng cao hơn nữa chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu.
- Về tiêu chí số 14- Y tế:
+ Tiếp tục tăng cường chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến xã, huyện, đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân “toàn diện, liên tục”; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ nhằm đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân;
+ Tích cực vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm phấn đấu mỗi xã có tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt từ 95% trở lên.
- Về tiêu chí 17- Môi trường:
+ Tăng cường quản lý, xây dựng và bảo vệ môi trường nông thôn. Xây dựng và triển khai tốt các hương ước về bảo vệ môi trường tại các ấp, khu dân cư tập trung; thu gom và xử lý chất thải rắn, nước thải theo quy định;
+ Xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn gắn với thực hiện đạt các chỉ tiêu trong Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 của tỉnh.
- Về tiêu chí 18- Chất lượng môi trường sống:
Tiếp tục phối hợp với Trung tâm Đầu tư khai thác nước sạch nông thôn Bình Dương đầu tư nâng công suất các nhà máy nước trên địa bàn xã, mở rộng thêm đường ống cấp nước sạch đến các khu dân cư, cụm dân cư trên địa bàn các xã nhằm cấp nước sạch phục vụ cho mọi người dân nông thôn;
ĐỐI VỚI CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP)
Kết quả, đến nay huyện Dầu Tiếng có 03 sản phẩm OCOP, gồm: Rượu gạo nếp năng lượng – xã Long Hòa; Dưa lưới – xã An Lập; Bưởi da xanh – xã Minh Thạnh đã được UBND tỉnh phê duyệt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP chứng nhận tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh (tại Quyết định số 2878/QĐ-UBND ngày 09/11/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP tỉnh Bình Dương, đợt 1 năm 2022).
VỀ QUY HOẠCH NÔNG NGHIỆP CỦA HUYỆN TÍCH HỢP QUY HOẠCH CHUNG CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2030
Để tiếp tục phát triển nông nghiệp một cách bền vững, UBND huyện đã xây dựng và ban hành Đề án phát triển nông nghiệp – nông dân - nông thôn giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 549/QĐ-UBND ngày 22/12/2022. Trong đó, định hướng quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp như sau:
Về Trồng trọt: Tiếp tục chọn cây trồng chủ lực để tập trung phát triển, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (như: cây cao su, cây ăn quả và sinh vật cảnh).
Về Chăn nuôi: Tiếp tục chọn 03 loại vật nuôi (heo, bò, gà) để tập trung phát triển; xây dựng, phát triển vùng chăn nuôi theo hướng công nghiệp gắn với giết mổ, chế biến, có kiểm soát an toàn dịch bệnh và xử lý môi trường để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, đảm bảo theo quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung ở các xã Minh Thạnh, Định An và Long Tân; không khuyến khích chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ, lẻ.
Về Lâm nghiệp: Tiếp tục quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng theo quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 185/QĐ-UBND ngày 22/01/2013 của UBND tỉnh, gắn với mục tiêu quản lý, bảo vệ cần khai thác rừng phòng hộ Núi Cậu và rừng lịch sử Kiến An vào mục tiêu du lịch sinh thái, gắn phát triển rừng với bảo vệ và nuôi dưỡng thú rừng.
Về Thủy sản: Tiếp tục tăng quy mô nuôi thủy sản nước ngọt, đến năm 2025, quy mô nuôi thủy sản nước ngọt 32,64 ha, sản lượng 193,72 tấn, đến năm 2030, ổn định 32,64 ha, sản lượng đạt 250,73 tấn. Thực hiện nuôi thủy sản ở Hồ Cần Nôm và đập Thị Tính (sau khi đập Thị tính được cải tạo, nâng cấp) với quy mô mặt nước 270 ha theo phương thức kết hợp với dịch vụ giải trí.
VỀ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang trồng cây lâu năm 2022 trên địa bàn huyện được phân bổ tại các xã: Thanh Tuyền, Thanh An và thị trấn Dầu Tiếng là 77,6 ha, trong đó:
- Thị trấn Dầu Tiếng: 31,6 ha (ngoài vùng quy hoạch đất lúa).
- Xã Thanh An: 10 ha (ngoài vùng quy hoạch đất lúa).
- Xã Thanh Tuyền: 36 ha (ngoài vùng quy hoạch đất lúa).
Hiện trạng đất trồng lúa của huyện là: 180 ha, trong đó nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là 37 ha.
Về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao trong nông nghiệp:
Kết quả, đến nay tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt đạt trên 800ha (tăng 8,57% so với cùng kỳ), được áp dụng theo công nghệ tưới tiết kiệm nước trong trồng cây ăn quả; kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp; kỹ thuật sử dụng thiên địch trong phòng chống dịch bệnh, trồng rau trong nhà lưới, nhà màng,...
Về Nước sạch nông thôn:
Hiện nay, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có 13 công trình cấp nước tập trung, trong đó có 12 công trình cấp nước tập trung nông thôn tại 11 xã của huyện, do Trung tâm Đầu tư Khai thác, Thủy lợi và Nước sạch nông thôn Bình Dương đang quản lý vận hành khai thác, với tổng công suất 9.175 m3/ngày đêm, đang cung cấp cho khoảng 14.400 hộ dân. Các công trình cấp nước hiện nay đang hoạt động ổn định, đảm bảo cung cấp nước sạch đạt chất lượng theo Quy chuẩn của Bộ Y tế cho người dân sử dụng sinh hoạt.
ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
* Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới:
UBND huyện Dầu Tiếng kiến nghị Sở Nông nghiệp & PTNT xem xét hỗ trợ Huyện thực hiện mô hình điểm, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cụ thể như sau:
- Đối với cây ăn quả: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chuyển giao chuyển đổi số và cấp mã vùng đối với các sản phẩm chủ lực trên một số loại cây trồng chủ lực và đặc trưng như cây chuối (cấy mô), măng cụt, bơ, cây ăn quả có múi.
- Đối với rừng phòng hộ Núi Cậu ven hồ Dầu Tiếng: nghiên cứu và xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp từng bước nhân rộng và phát triển kinh tế theo phương án quản lý rừng bền vững.
Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Đầu tư khai thác nước sạch nông thôn Bình Dương tiếp tục hỗ trợ Huyện đầu tư nâng công suất các nhà máy nước trên địa bàn xã, mở rộng thêm đường ống cấp nước sạch đến các khu dân cư, cụm dân cư trên địa bàn các xã nhằm cấp nước sạch phục vụ cho mọi người dân nông thôn; qua đó để năng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tâp trung đạt trên 65%, đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 của tỉnh (nhất là 02 xã Minh Thạnh và An Lập).
Đề nghị Sở Nông nghiệp di dời các trang trại chăn nuôi, xưởng chế biến ra ngoài rừng phòng hộ, làm rõ trách nhiệm với Công ty Công ty TNHH Bích Hương.
Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản hướng dẫn về nuôi động vật hoang dã vì việc cấp đổi lại mã số cơ sở chăn nuôi việc đăng ký mới của các hộ gia đình muốn đầu tư để phát triển kinh tế gia đình không đủ điều kiện để cấp mã số cơ sở do địa điểm nằm trong quy hoạch khu dân cư hoặc khu vực không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết11/2020/NQ-HĐND.
Tại buổi làm việc, Ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị đã mời các Chi cục Trưởng Các chi cục trả lời những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị của huyện Dầu Tiếng, qua đó tiếp tục phối hợp với huyện Dầu Tiếng tăng cường thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn để huyện đạt được các chỉ tiêu theo Nghị quyết đề ra trong nhiệm kỳ.
Ông Nguyễn Phương Linh – Chủ tịch UBND huyện, đáp từ hội nghị, đã có lời cảm ơn sâu sắc gửi đến Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp, các ông, bà là Chi cục Trưởng các Chi cục trực thuộc Sở, Các Trưởng Phòng đã tham dự đầy đủ, với sự quan tâm và sự chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã giúp huyện Dầu Tiếng tháo gỡ được phần nào khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023, giai đoạn 2021-2025, tiếp tục thực hiện nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Mong rằng Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ huyện Dầu Tiếng nhiều hơn nữa trong thời gian tới./.
Ái Vân
Đánh giá bài viết:
Thích bài viết: 0 lượt thích
-
Huyện Dầu Tiêng công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2024
02:27 24-05-2024 -
Huyện Dầu Tiếng chỉ đạo tăng cường tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và công tác kiểm tra giá điện nhà trọ trên địa bàn huyện năm 2023
03:30 07-07-2023 -
Huyện Dầu Tiếng tổ chức Hội thảo phát triển du lịch nông thôn
03:31 07-07-2023 -
Huyện Dầu Tiếng họp thẩm định phê duyêt quy hoạch cảng Phú Cường Thịnh
10:33 12-06-2023 -
Huyện Dầu Tiếng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến kiến Nhân dân đối với dự thảo luật đất đai (sửa đổi)
01:44 29-03-2023