Ngày 01/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi.
Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi. Các hành vi vi phạm hành chính khác về chăn nuôi không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan để xử phạt.
Nghị định có 4 chương, 48 điều. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi là 01 năm, trừ trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Nghị định quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả về:
- Giống vật nuôi, gồm 08 hành vi sau: Vi phạm quy định về thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi; Vi phạm quy định về giống vật nuôi cấm xuất khẩu; trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm; Vi phạm quy định về nhập khẩu giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi; Vi phạm quy định về điều kiện sản xuất, mua bán con giống vật nuôi; Vi phạm quy định về điều kiện sản xuất, mua bán tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng; Vi phạm quy định về chất lượng giống vật nuôi trong sản xuất, mua bán; Vi phạm quy định về khảo nghiệm, kiểm định dòng, giống vật nuôi; Vi phạm quy định về chứng chỉ, giấy phép trong quản lý giống vật nuôi)
- Về thức ăn chăn nuôi, gồm 10 hành vi sau: Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về công bố thông tin sản phẩm và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về chất lượng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về chất lượng trong mua bán thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về chất lượng trong nhập khẩu thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi hết hạn sử dụng, sử dụng nguyên liệu hết hạn sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về khảo nghiệm thức ăn chăn nuôi; Vi phạm quy định về sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh; Vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
- Về điều kiện chăn nuôi, gồm 12 hành vi sau:
+ Vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi nông hộ (tại Điều 24, khoản 2: phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi).
+ Vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ (Điều 25)
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không lưu giữ, cập nhật đầy đủ hồ sơ về quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc;
b) Không bảo đảm khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại theo quy định.
2. Hành vi vi phạm quy định về kê khai chăn nuôi bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện kê khai;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi gian đối trong kê khai nhằm mục đích trục lợi.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi theo quy định.
+ Vi phạm quy định về điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
+ Vi phạm quy định về hoạt động nuôi chim yến (Điều 27)
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng loa phóng phát âm thanh để dẫn dụ chim yến trong trường hợp nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300 m hoạt động trước ngày Nghị định số 13/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến vượt mức tiếng ồn tối đa cho phép theo quy định;
b) Phát âm thanh để dẫn dụ chim yến ngoài khoảng thời gian theo quy định.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi săn bắt, dẫn dụ chim yến để sử dụng vào mục đích khác ngoài mục đích nuôi chim yến để khai thác tổ yến hoặc nghiên cứu khoa học.
+ Vi phạm quy định về sử dụng chất cấm, thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh trong chăn nuôi.
+ Vi phạm quy định về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn (tại Điều 29, khoản 1: phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi; khoản 4: Hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với từng trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm.
+ Vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi trang trại
+ Vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ (tại Điều 31, khoản 1: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh).
+ Vi phạm quy định về mua bán, nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi.
+ Vi phạm quy định đối với Cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi.
+ Vi phạm quy định về khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi.
+ Vi phạm quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 20/4/2021 và bãi bỏ các quy định về thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi trong Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07/5/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; điểm b khoản 7 Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Đối với hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi xảy ra trước khi Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm; Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành hoặc đã được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; Đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động chăn nuôi được phát hiện sau khi Nghị định này có hiệu lực thuộc trường hợp được chuyển tiếp tại Luật Chăn nuôi và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Chăn nuôi thì tiếp tục áp dụng các quy định tại Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản để xử lý đến hết thời gian chuyển tiếp.
Nghị định giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn và tổ chức thi hành Nghị định này./.
Anh Xê Ka
Đánh giá bài viết:
-
Huyện Dầu Tiêng công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2024
02:27 24-05-2024 -
Huyện Dầu Tiếng chỉ đạo tăng cường tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và công tác kiểm tra giá điện nhà trọ trên địa bàn huyện năm 2023
03:30 07-07-2023 -
Huyện Dầu Tiếng tổ chức Hội thảo phát triển du lịch nông thôn
03:31 07-07-2023 -
Huyện Dầu Tiếng họp thẩm định phê duyêt quy hoạch cảng Phú Cường Thịnh
10:33 12-06-2023 -
Huyện Dầu Tiếng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến kiến Nhân dân đối với dự thảo luật đất đai (sửa đổi)
01:44 29-03-2023