Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Dầu Tiếng lần thứ III (nhiệm kỳ 2010 - 2015) và lần thứ IV (nhiệm kỳ 2015-2020) về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đều khẳng định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm trong cả nhiệm kỳ, khẳng định chủ trương tập trung, nhất quán và quyết tâm cao trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Để triển khai thực hiện, UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành chương trình xây dựng nông thôn mới, thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới và phân công nhiệm vụ cho các thành viên tham gia phụ trách từng tiêu chí và địa bàn từng xã. Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, ban chỉ đạo huyện họp nghe cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo (Phòng Kinh tế), Ban quản lý các xã báo cáo tiến độ xây dựng nông thôn mới; đồng thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Hàng quý, Huyện ủy và UBND huyện tổ chức kiểm tra thực tế các xã về tiến độ thực hiện, chỉ đạo cụ thể từng vấn đề, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. UBND huyện và Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng phối hợp xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó công ty đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: Công trình văn hóa - thể thao, trường học, trạm y tế tại các nông trường cao su, đào tạo nghề cho công nhân cao su, hỗ trợ vốn xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, hỗ trợ quỹ đất xây dựng trường học, công trình y tế, văn hóa,… Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các đoàn thể huyện đều xây dựng kế hoạch vận động, phối hợp trong công tác xây dựng nông thôn mới. Trong công tác chỉ đạo, điều hành Huyện ủy, UBND huyện luôn phát huy trí tuệ, đặc biệt đề cao vai trò của người đứng đầu và luôn phát huy tính dân chủ. Mỗi cán bộ từ huyện đến ấp, từ Mặt trận và các đoàn thể đến người dân đều là tuyên truyền viên cho phong trào xây dựng nông thôn mới. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng đã có những chuyển biến tích cực trong điều hành, quản lý thực hiện chương trình.
Cổng chào xã Định Hiệp, xã đạt chuẩn nông thôn mới
Xác định xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư là chính, nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí và các chính sách hướng dẫn”, UBND huyện đã chỉ đạo các xã vận động nhân dân đóng góp vốn xây dựng nông thôn mới trên tinh thần tự nguyện. Phương châm vận động là công khai minh bạch, có thể đóng góp nhiều đợt, tùy theo khả năng kinh tế của từng hộ gia đình, nguồn vốn vận động chính quyền địa phương không cất giữ, không làm thay mà giao cho cộng đồng dân cư các ấp quản lý, tổ chức thi công, tự giám sát, dó đó, có sự đoàn kết, thống nhất cao trong cộng đồng dân cư. Trong quá trình quản lý, UBND huyện đã kiểm tra, rà soát thực trạng của từng xã, bố trí vốn đầu tư các công trình xây dựng cơ bản cho các xã phù hợp với từng tiêu chí, chỉ tiêu. Đến nay, các xã hầu hết các tiêu chí điện, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, y tế cơ bản hoàn chỉnh.
Trong công tác tuyên truyền, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương, tỉnh Bình Dương về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phổ biến Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Nhà nước và tỉnh Bình Dương đến tận cơ sở để cán bộ và nhân dân biết và thực hiện; cấp phát trên 250 Sổ tay xây dựng nông thôn mới cho lãnh đạo huyện, các phòng ban, ngành, đoàn thể huyện và các xã, ấp trên dịa bàn huyện; lồng ghép tuyên truyền rộng khắp trong Phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” với Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Cuộc vận động “Gia đình 5 không, 3 sạch”, Cuộc vận động “Vì người nghèo”,… Tuyên truyền vai trò giám sát cộng đồng thông qua các buổi họp công khai, minh bạch các khoản đóng góp trong xây dựng nông thôn mới. Vận động thuyết phục nhân dân đóng góp các nguồn xã hội hóa, xây dựng các tiêu chí như: làm đường giao thông nông thôn, điện chiếu sáng,…Phổ biến gương người tốt việc tốt điển hình những tổ chức, tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong việc tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tuyên truyền về đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, chăm lo công tác an sinh xã hội, uống nước nhớ nguồn; tương thân tương ái, phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục trong nhân dân.
Song song đó, UBND huyện cũng đã phối hợp tổ chức 22 lớp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho các thành viên Ban Chỉ đạo, các phòng ban, ngành, đoàn thể huyện và Ban Quản lý xã, ấp của 11 xã với gần 1.200 lượt người tham dự. Qua công tác đào tạo, tập huấn, hầu hết cán bộ đã nắm bắt tốt chủ trương và vận dụng kiến thức vào quản lý, điều hành thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Từ sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt và xuyên suốt của các cấp, các ngành mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Dầu Tiếng được tiến hành thuận lợi, được nhân dân đồng thuận thành phong trào sôi nổi, đã rút ngắn thời gian và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch của Tỉnh. Qua gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010-2020, kinh tế của huyện Dầu Tiếng đều có mức tăng trưởng từ 13%-14%/năm, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng dần trong cơ cấu kinh tế của huyện. Đến nay, nông nghiệp chiếm 28,3%, thương mại - dịch vụ chiếm 32%, công nghiệp - xây dựng chiếm 39,7%. Mục tiêu của phát triển kinh tế nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết việc làm thường xuyên cho người lao động, tăng thu nhập dân cư, giảm nghèo bền vững, giữ vững trật tự an toàn xã hội để phát triển nông thôn mới bền vững.
Trong nông nghiệp, xác định nông nghiệp là thế mạnh, huyện đã tập trung phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Quyết định của UBND tỉnh, đã từng bước chuyển dịch theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với chế biến và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Đến nay, cây trồng chủ lực của huyện là cao su có diện tích trên 50 ngàn ha; diện tích cây ăn quả là 650 ha; tổng diện tích gieo trồng các loại cây lương thực và rau màu đạt 4.442 ha. Huyện đã và đang tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất phải nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp với phát triển du lịch sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ, các vùng chăn nuôi tập trung cho các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp. Toàn huyện có 205 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, ước tổng đàn gia súc 125.340 con; đàn gia cầm 2,7 triệu con; diện tích nuôi trồng thủy sản 11,6ha.
Trong 10 năm qua, huyện đã mời gọi được 42 doanh nghiệp và 27 cơ sở tiểu thủ công nghiệp đầu tư với số vốn gần 600 tỉ đồng, nâng tổng số xí nghiệp công nghiệp trên địa bàn huyện lên 339 doanh nghiệp. Đã giải quyết việc làm cho trên 13.200 lao động. Để phát triển công nghiệp với quy mô lớn, trong những năm tiếp theo, huyện đang hỗ trợ nhà đầu tư Cụm công nghiệp An Lập; phối hợp với các ngành chức năng triển khai thực hiện dự án quy hoạch mở rộng Khu công nghiệp Bàu Bàng về phía xã Long Tân với diện tích 969 ha; phối hợp với Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng quy hoạch chi tiết, lập các bước thủ tục hoàn chỉnh trình UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh bổ sung mới 07 Cụm công nghiệp: Thanh An 1,2,3; Định Hiệp 1,2,3 và An Lập 2 vào quy hoạch của tỉnh, huyện sau giai đoạn 2020.
Đường giao thông nông thôn ấp Núi Đất, xã Định Thành được nhựa hóa
Trong giai đoạn 2010 - 2019, huyện đã nâng cấp, dặm vá và sửa chữa 221 tuyến đường với tổng chiều dài trên 405 km; duy tu sửa chữa 14 cầu bê tông cốt thép, đến nay không còn cầu tạm và cầu sắt; đồng thời các xã thực hiện sửa chữa, dặm vá, bê tông hoá 261 tuyến đường giao thông nông thôn. Đến nay, đã có trên 95% tuyến đường do huyện quản lý và đường liên xã được nhựa hoá, 100% đường do xã quản lý được cứng hoá bằng sỏi đỏ, trong đó có 39,5% tuyến đường được nhựa hoá hoặc bê tông xi măng.
Hệ thống điện lưới Quốc gia được huyện quan tâm đầu tư, mở rộng đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện, đang vận hành an toàn cung cấp đủ sản lượng điện cho phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đến nay, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới Quốc gia đạt 99,7%. Các xã đã tổ chức vận động nhân dân đầu tư lắp đặt được 525 tuyến hệ thống chiếu sáng sử dụng đèn tiết kiệm điện ở các tuyến đường giao thông nông thôn với trên 2.300 bóng đèn.
Giai đoạn 2011-2019, huyện đã xây dựng mới và nâng cấp 16 trường học, nâng tổng số trường học trong toàn huyện lên 51 trường, có 35/51 trường đạt chuẩn Quốc gia theo tiêu chí nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 68,9%. Cơ sở vật chất y tế từng bước được quan tâm đầu tư hoàn thiện, 11/11 xã có trạm y tế đạt chuẩn; chế độ bảo hiểm y tế ngày càng được người dân quan tâm tham gia, đến nay toàn huyện có trên 85,6% tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (năm 2010, chỉ đạt 21%). Công tác bảo vệ môi trường nông thôn tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 99,88% (trong đó tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt trên 65%); số hộ dân sử dụng nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 95%; tỷ lệ chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải đạt trên 85%; nghĩa trang đã từng bước chỉnh trang theo quy hoạch và đạt tiêu chí nông thôn mới; các cơ sở sản xuất kinh doanh từng bước xây dựng đạt tiêu chuẩn xử lý về môi trường, bảo đảm vệ sinh cộng đồng dân cư; rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn các xã được thu gom và xử lý theo đúng quy định, đạt tỷ lệ trên 80%.
Đã đầu tư xây dựng được 09 Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Học tập cộng đồng cấp xã đạt chuẩn theo quy định, nâng tổng số trung tâm đạt chuẩn lên 10/11 xã, đạt tỷ lệ 90,9%. Các Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Học tập cộng đồng hoạt động ổn định, thực hiện tốt chức năng tuyên truyền cổ động, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao thu hút đông đảo người dân địa phương đến tham gia. Bên cạnh đó, các xã đang tiến hành xây dựng kế hoạch nâng cấp Nhà Văn hoá ấp và Khu thể thao theo quy định của Bộ tiêu chí. Hàng năm, đều tổ chức tổng kết Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phát động đăng ký các danh hiệu văn hóa, xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đô thị văn minh. Phong trào tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên phát triển rộng khắp, tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 32% số hộ và 33% số người.
Chạy hưởng ứng Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân 27/3 hàng năm:
Phong trào luyện tập thể dục thể thao phát triển rộng khắp
Hầu hết các xã đều có mạng lưới bưu điện, viễn thông phục vụ tốt 02 nhiệm vụ Bưu chính và Viễn thông cho các tổ chức và nhân dân trên địa bàn các xã. Mạng lưới viễn thông được phủ sóng đến các ấp, hiện có 100% doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội sử dụng đường truyền internet. Về nhà ở dân cư, đến nay huyện không còn nhà ở tạm, nhà dột nát, đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng, chiếm tỷ lệ 100%. Tổ chức 38 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với trên 960 học viên; giới thiệu việc làm cho 12.411 lao động, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên địa bàn huyện đạt 97,2%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78,5%; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,03%. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 55 triệu đồng/năm, 11/11 xã có mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm.
Huyện ủy, UBND huyện luôn quan tâm nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn, trên cơ sở giám sát và đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới dựa trên kết quả nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư Chương trình. Hàng năm, tổ chức sơ kết thực hiện “Chính quyền thân thiện của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” và “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”. Quan tâm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính; duy trì áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2008 vào hoạt động các cơ quan quản lý nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực, nhất là liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Thường xuyên duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu từ huyện đến cơ sở. Hàng năm, tổ chức giao quân đạt 100% chỉ tiêu giao; duy trì lực lượng, phương tiện thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch. Xây dựng lực lượng dự bị động viên đạt 97,4% so với chỉ tiêu trên giao; tổng số lực lượng dân quân tự vệ toàn huyện đạt 2,1% so với dân số. Tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các xã luôn ổn định, không có tổ chức, cá nhân hoạt động chống Đảng, chống chính quyền, phá hoại kinh tế, truyền đạo trái pháp luật, khiếu kiện đông người kéo dài. Không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, hàng năm có trên 90% số ấp được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự.
Qua gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến năm 2015 huyện Dầu Tiếng đã có 11/11 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới và đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua, công nhận “Huyện đạt chuẩn nông thôn mới” (theo Quyết định số 2108/QĐ-TTg, ngày 04/11/2016) và là huyện đầu tiên của tỉnh Bình Dương đạt chuẩn nông thôn mới. Không dừng lại ở đó, trong giai đoạn 2018-2020, các xã của huyện Dầu Tiếng tiếp tục thực hiện các tiêu chí nâng cao theo Quyết định số 1925/QĐ-UBND ngày 16/7/2018 của UBND tỉnh Bình Dương. Đến nay, xã Thanh An đã đạt 19/19 tiêu chí theo Quyết định 1925 và đang trình UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong năm 2019, rà soát phúc tra, đề nghị công nhận các xã Định Hiệp, Long Tân, Định Thành, Thanh Tuyền và Long Hòa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các xã còn lại đang tiếp tục nỗ lực xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Để có được kết quả tốt như trên, trong giai đoạn 2011-2019, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn vốn huyện huy động được trong giai đoạn này là trên 4.920 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 2.529,3 tỉ đồng; vốn tín dụng: trên 656,9 tỉ đồng; vốn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh: 1.084 tỉ đồng; vốn huy động cộng đồng dân cư đóng góp: gần 649,8 tỉ đồng. Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công, UBND huyện đã nghiêm túc chỉ đạo quyết liệt các phòng ban, UBND các xã không để nợ đọng trong xây dựng cơ bản, đến nay, huyện không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Có thể khẳng định, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Dầu Tiếng trong đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn ngày càng phát triển, nổi bật nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, các thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở,… Tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn của huyện. Việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, sự tập trung chỉ đạo của Huyện ủy, sự phối thực hiện của các ban, ngành, đoàn thể huyện và các xã đã phát huy tốt hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, cũng đã huy động được sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phát triển sản xuất tại địa phương. Cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.
Vòng xuyến Cây Keo (thị trấn Dầu Tiếng)
Để đạt được kết quả trên là nhờ Huyện đã phát huy được vai trò chủ thể của người dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân, làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng và có sự bàn bạc, hiến kế, đóng góp công vào phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Phải dựa trên nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phát huy tốt vai trò của cộng đồng, quán triệt sâu sắc nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, tránh tư tưởng nóng vội, chạy theo thành tích. Lồng ghép các nguồn lực đầu tư, khuyến khích nhân dân cùng tham gia với nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Vốn người dân đóng góp để cho người dân tự tổ chức xây dựng, tự giám sát; UBND xã, ban lãnh đạo các ấp làm nhiệm vụ theo dõi, báo cáo về trên. Song song đó, công tác tuyên truyền phải thật sự đi vào chiều sâu, rộng khắp, tạo niềm tin cao để phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, nhất là trong việc huy động nguồn lực từ dân.
Minh Tùng
Đánh giá bài viết:
Thích bài viết: 0 lượt thích
-
Huyện Dầu Tiêng công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2024
02:27 24-05-2024 -
Huyện Dầu Tiếng chỉ đạo tăng cường tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và công tác kiểm tra giá điện nhà trọ trên địa bàn huyện năm 2023
03:30 07-07-2023 -
Huyện Dầu Tiếng tổ chức Hội thảo phát triển du lịch nông thôn
03:31 07-07-2023 -
Huyện Dầu Tiếng họp thẩm định phê duyêt quy hoạch cảng Phú Cường Thịnh
10:33 12-06-2023 -
Huyện Dầu Tiếng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến kiến Nhân dân đối với dự thảo luật đất đai (sửa đổi)
01:44 29-03-2023