Từ ngày xa xưa ông, cha ta đã rất quan tâm đến việc đối phó với thiên tai bão, lũ để phát triển sản xuất, phát triển đất nước. Nhiều công trình trị thủy, đặc biệt là hệ thống đê điều đã được xây dựng và tu bổ để đối phó với lũ, lụt nhằm bảo vệ sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Để khẳng định tầm quan trọng của công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai ở nước ta; nhằm động viên cán bộ, chiến sỹ và toàn thể nhân dân trong cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu trong công tác phòng, chống lụt, bão, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; đồng thời để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 21/3/1990 nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Bác, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã quyết định lấy ngày 22/5 hàng năm là “Ngày truyền thống phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam”. Từ đó đến nay, hàng năm nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống 22/5, Chủ tịch nước đều có thư gửi đồng bào, chiến sỹ cả nước nhằm động viên, khuyến khích và nhắc nhở các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai ở địa phương và ngành mình; Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, các ngành đều tiến hành tổ chức kỷ niệm và mở đợt tuyên truyền sâu rộng nhân ngày truyền thống.
Ngày 22/5 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam. Ý nghĩa của ngày này không chỉ là dịp để tôn vinh những người làm công tác phòng, chống thiên tai mà còn để nhắc nhở mọi người hãy chủ động trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.
Những năm gần đây, công tác phòng, chống lụt bão của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, với phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Chính phủ đã xây dựng chiến lược và đề ra nhiều biện pháp phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, huy động nhiều nguồn lực để phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ, thiên tai gây ra như: củng cố hệ thống đê điều, xây dựng các hồ chứa nước để điều tiết lũ; tăng cường hệ thống dự báo, cảnh báo và thực hiện việc quy hoạch dân cư, quy hoạch phát triển có sở hạ tầng, chuyển đổi mùa vụ sản xuất để hạn chế thiệt hại; tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao ý thức cộng đồng. Mỗi năm, Chính phủ đã dành hàng nghìn tỉ đồng cho việc xây dựng, tu bổ đê điều, khắc phục hậu quả thiên tai. Hầu hết các công trình này đều đã và đang tham gia hiệu quả vào việc phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai cho đất nước.
Biến đổi khí hậu mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng là thách thức lớn nhất đối với cả nhân loại trong thế kỷ 21. Biến đổi khí hậu sẽ làm cho các thiên tai trở nên khốc liệt hơn và có thể trở thành thảm hoạ, gây rủi ro lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, có thể xoá đi những thành quả nhiều năm của sự phát triển của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại gần 1 trong 5 nơi tâm bão lớn của thế giới, nên diễn biến thời tiết, thủy văn rất phức tạp. Mùa bão trùng với mùa mưa, cộng thêm địa hình núi cao sườn dốc, đồng bằng hẹp, trũng là mối đe dọa thường trực đối với sinh hoạt và sản xuất của người dân. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, lụt, bão diễn biến hết sức phức tạp, bất thường với quy mô và hậu quả ngày càng nặng nề hơn, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, phá hủy, làm thiệt hại nhiều tài sản; đẩy cuộc sống của nhân dân vùng bão, lũ, thiên tai vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Trong 20 năm qua, các khu vực trên cả nước ta đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động đến môi trường sống, hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước (trung bình mỗi năm thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP). Tình hình thiên tai có những diễn biến bất thường, trái quy luật, ngày càng nghiêm trọng hơn cả về cường độ và tần suất. Thiên tai xảy ra nhiều hơn ở các vùng, miền trước đây ít xảy ra. Rủi ro thiên tai một số vùng tăng do phát triển kinh tế nhanh, quy mô lớn nhưng cơ sở hạ tầng thiếu bền vững.
Khi hồ Dầu Tiếng xả lũ, nguy cơ rất lớn ảnh hưởng ngập úng các địa phương vùng hạ du sông Sài Gòn
Theo thống kê, năm 2016 nước ta có 10 cơn bão và 07 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có 05 cơn bão và 02 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp và gây thiệt hại đến nước ta, làm 3.434 nhà bị sập, cuốn trôi, 87.000 ngôi nhà bị tốc mãi, hư hỏng, gần 3000 nhà bị ngập nước,…Tổng thiệt hại kinh tế là 11.628 tỉ đồng. Năm 2017 là năm có số lượng bão kỷ lục (16 cơn bão và 04 áp thấp nhiệt đới) xuất hiện và hoạt động trên biển Đông, trong đó bão số 10, số 12 đổ bộ vào khu vực Bắc và Nam Trung bộ và cơn bão số 16 đi qua quần đảo Trường Sa với với sức gió trên 11-12 giật cấp 13-15 (rủi ro thiên tai cấp độ 4). Thiệt hại bão số 10 làm 06 người chết, 3.200 nhà bị sập, đổ, gần 200.000 nhà bị hư hỏng, tốc mái, nước sông dâng lớn gây hư hỏng nặng các tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Thừa Thiên - Huế,…thiệt hại về kinh tế 18.402 tỉ đồng. Thiệt hại bão số 12 làm 123 người chết và mất tích, 3.350 nhà bị sập đổ, gần 300.000 nhà bị hư hỏng, 73.744 lồng, bè nuôi trồng thủy sản,…thiệt hại về kinh tế khoảng 22.679 tỉ đồng.
Sạt lở bờ sông, bờ biển đang có diễn biến ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại các khu vực ven sông, ven biển, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long và dải ven biển một số tỉnh miền Trung là những nơi tập trung dân cư đông, có nhiều hoạt động kinh tế - xã hội đang có tốc độ phát triển nhanh. Hạn hán và xâm nhập mặn những năm gần đây diễn ra ngày càng phức tạp cả về phạm vi và cường độ, đặc biệt là đợt hạn hán lịch sử diễn ra từ nửa cuối năm 2014 đến giữa năm 2016 trên diện rộng tại 18 tỉnh, thành phố Nam Trung bộ, Tây Nguyên và đặc biệt đồng bằng sông Cửu Long đã gây tác động rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái trong khu vực, nhất là về sản xuất nông nghiệp, đã có trên 2 triệu người bị ảnh hưởng, 500.000 hộ dân thiếu nước sạch, 280.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, thiệt hại kinh tế lên đến 15.700 tỉ đồng.
Biến đổi khí hậu đã và đang diễn biến ngày càng phức tạp, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2018, được dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường theo chiều hướng cực đoan hơn. Thực hiện công văn hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Huyện ủy về tuyên truyền công tác phòng, chống thiên tai tuyên truyền theo Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương. Theo đó, để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm đời sống, sản xuất của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tập trung tuyên truyền các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh.
Tuyên truyền quan điểm chỉ đạo trong công tác phòng chống thiên tai của Trung ương và Tỉnh là chủ động phòng, chống; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương, có hiệu quả trong mọi tình huống có thể xảy ra; tuyên truyền kế hoạch, phương án phòng, chống lụt, bão, úng ngập, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của thành phố, địa phương và cơ quan, đơn vị. Tuyên truyền, phổ biến về các loại thiên tai, bổ túc những kiến thức cơ bản, phổ biến kinh nghiệm về phòng, chống lụt, bão, úng ngập; về tính chất, diễn biến bất thường của mưa, lũ, bão; vận động, tổ chức hướng dẫn cho nhân dân những biện pháp chủ động chuẩn bị, tự tổ chức phòng, chống lụt, bão, úng ngập, giảm nhẹ thiên tai của địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức tập huấn, hiệp đồng, thực hành triển khai các phương án bảo đảm kịp thời xử lý các sự cố do lụt, bão gây ra ngay từ đầu. Biểu dương và giới thiệu kinh nghiệm của những địa phương, đơn vị, tập thể, cá nhân làm tốt công tác tuyên truyền và tổ chức tốt việc củng cố đê điều, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão, úng ngập...; đồng thời, phê phán những đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân làm chưa tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, lụt, bão, úng ngập. Tuyên truyền bằng nhiều thức đa dạng, phong phú của các tổ chức đảng, đoàn thể, khu dân cư, tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, trường học,... Lưu ý chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng. Đặc biệt là bàn các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, úng ngập ở cơ sở. Vận động nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống cho gia đình và tham gia công tác phòng, chống lụt, bão, úng ngập, giảm nhẹ thiên tai của địa phương,...
15 nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới là:
- Kiện toàn tổ chức, phân công cụ thể ban chỉ đạo, ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.
- Xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai các cấp xã.
- Kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Quy hoạch, Luật Khí tượng Thủy văn và các văn bản bổ sung.
- Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn công trình an toàn trước thiên tai, nghị định giám sát an toàn thiên tai; điều chỉnh, bổ sung các quy định về khắc phục tái thiết và tiếp nhận, phân bổ cứu trợ sau thiên tai.
- Xây dựng chính sách xã hội hóa công tác phòng, chống thiên tai, trong đó tập trung vào khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp tham gia công tác phòng chống thiên tai, cung cấp dịch vụ công, bảo hiểm rủi ro thiên tai, nghiên cứu khoa học, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai.
- Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai.
- Xây dựng Trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia đảm bảo đáp ứng nhu cầu theo dõi, giám sát hoạt động xã hội, cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, tình hình diễn biến thiên tai để tham mưu nhanh chóng, kịp thời, chính xác và hiệu quả.
- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho văn phòng thường trực các cấp; bảo đảm kết nối trực tuyến từ cơ quan phòng, chống thiên tai Trung ương đến các tỉnh và công trình phòng, chống thiên tai quốc gia để chỉ đạo điều hành hiệu quả.
- Hoàn thành xử lý cấp bách sự cố công trình đê điều, hồ đập, sơ tán dân khẩn cấp bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất năm 2017.
- Xây dựng chương trình tổng thể phòng chống thiên tai các khu vực.
- Huy động sự tham gia cả khu vực tư nhân trong phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh các hoạt động công trong phòng chống thiên tai.
- Đẩy mạnh thành lập và hoạt động quỹ phòng, chống thiên tai.
- Tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo truyền tin thiên tai.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao năng lực cộng đồng, hướng dẫn kỹ năng để tự ứng phó trong các tình huống, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra.
- Tăng cường hợp tác quốc tế và áp dụng khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai.
07 nhiệm vụ lâu dài:
- Nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân trong việc chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai.
- Giảm thiên tai về người, cơ sở hạ tầng khu vực miền núi do lũ, lũ quét, sạt lở đất.
- Nâng cao năng lực ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn vùng hạ du ở các lưu vực sông, nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng và ven biển miền Trung.
- Tăng cường năng lực ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện trên biển, ven biển và trên đất liền.
- Hạn chế sạt lở bờ sông, bờ biển, trọng tâm là ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.
- Giảm nhẹ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Nâng cao mức bảo đảm, khả năng chống chịu của hệ thống công trình phòng chống thiên tai (đê điều, hồ đập, khu tránh trú bão,…) tại các vùng miền, khu vực.
Ở huyện Dầu Tiếng, trong 6 tháng đầu năm 2018, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã chủ động trong công tác phòng chống thiên tai như: Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện và chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn ban chỉ đạo cấp mình; ban hành kế hoạch Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2018 theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng phương án phòng, chống hạn mặn trong mùa khô năm 2018; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra công trình thủy lợi, công trình tiêu thoát nước trước mùa mưa lũ năm 2018 (công trình hồ chứa Cần Nôm); rà soát và thực hiện truy thu Quỹ phòng, chống thiên tai năm 2017 trên địa bàn huyện; xây dựng kế hoạch thu Quỹ và dự toán chi hỗ trợ từ Quỹ phòng, chống thiên tai năm 2018; hỗ trợ kinh phí thiệt hại nhà cửa do thiên tai cho 03 hộ dân tại xã Thanh An với số tiền 6.500.000 đồng.
Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với truyền thông cơ sở kịp thời chuyển tải thông tin tới từng người dân để họ chủ động chuẩn bị, phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; đưa tin kịp thời về các hoạt động ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng; chú ý đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo ứng phó thiên tai và cứu hộ, cứu nạn, thể hiện ở việc kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng theo từng phương án hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân trong hợp tác với chính quyền trước yêu cầu ứng phó thiên tai. Phản ánh những vấn đề cần được nghiên cứu, bổ sung như quy chế phối hợp điều hành các lực lượng cùng tham gia ứng phó thiên tai; điều chỉnh quy trình hỗ trợ ứng cứu và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, đặc biệt ở một số nội dung cần xử lý ngay như hỗ trợ lương thực, thực phẩm, hóa chất tiêu độc khử trung, xử lý môi trường sau bão, lũ, hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất,…
Minh Tùng
Đánh giá bài viết:
Thích bài viết:
-
UBND huyện Dầu Tiếng họp thông qua Báo cáo chỉ đạo điều hành và tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng đầu năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023
02:27 12-10-2023 -
Huyện Dầu Tiếng triển khai một số nhiệm vụ cải cách hành chính trong thời gian tới
02:27 12-10-2023 -
Tổ chức diễn tập phương án Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) cho Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy trên địa bàn xã Thanh Tuyền
02:27 12-10-2023 -
Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ và diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân năm 2023
02:26 12-10-2023 -
Hội nghị Sơ kết công tác đảm bảo Trật tự An toàn giao thông (TT ATGT) Phòng chống tội phạm (PCTP) - Tệ nạn xã hội (TNXH) và Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBV ANTQ)
10:27 28-08-2023