Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Gia đình Việt Nam truyền thống được gắn kết một cách bền chặt là do tình nghĩa và trách nhiệm giữa các thành viên. Những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt, như: Sự hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái; sự tôn trọng, hiếu đễ với ông bà, cha mẹ, anh em,... Cha ông ta luôn răn dạy con cháu cách giao tiếp ứng xử nhân văn từ trong truyền thống gia đình người Việt, là con phải báo hiếu với cha mẹ, là niềm tự hào của cha mẹ.
Cách đây 60 năm, trong buổi hội thảo hôn nhân - gia đình ngày 10/10/1959, Bác Hồ dạy: “Quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Từ xưa tới nay, trong xã hội Việt Nam truyền thống, văn hóa gia đình chính là gia phong (nếp nhà). Văn hóa gia đình được thể hiện ở thuần phong, mỹ tục, nếp sống, tác phong của các thành viên trong gia đình; được thể hiện ở sự ứng dụng những tri thức khoa học, y học, giáo dục học, tâm lý học, thẩm mỹ,... để tổ chức gia đình, giáo dục con người, nhất là về mặt tinh thần. Văn hóa gia đình còn được biểu hiện ở sự hiếu thuận của con cháu đối với cha, mẹ, ông, bà, tổ tiên; biểu hiện ở sự nêu gương về nhân cách văn hóa trong gia đình và ở truyền thống gia phong của gia đình, dòng họ. Trên thực tế, gia đình không chỉ là một hiện tượng văn hóa mà còn là một giá trị văn hóa thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, lý tưởng sống của con người. “Gia đình được coi là giá trị tinh thần vô cùng quý báu của nhân loại, cần được giữ gìn và phát huy”. Gia đình là một hiện tượng văn hóa và là một giá trị văn hóa. Tất cả các quan hệ và họat động sống của các thành viên trong gia đình đều biểu hiện đặc trưng văn hóa của con người.
Nhiều thập kỷ qua, cơ cấu xã hội có sự biến đổi, nhưng tổ chức của gia đình không biến đổi nhiều. “Gia đình là tế bào của xã hội…”, “gia đình là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách con người, góp phần vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Do đó, văn hóa gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, đẩy lùi bạo lực gia đình, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, xây dựng gia đình Việt Nam với những giá trị truyền thống nhân văn tốt đẹp. Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XII tiếp tục khẳng định: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam,... Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”, “Tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc”. Nhiều văn bản đề cập chế định gia đình với vị trí, vai trò rất quan trọng như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Trẻ em; Luật Người cao tuổi. Ðặc biệt, Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và quyết định kể từ năm 2001, ngày 28/6 hằng năm đã trở thành Ngày Gia đình Việt Nam. Đây chính là sự kế thừa và phát triển đích thực tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập. Giữ gìn và phát huy bản lĩnh văn hóa dân tộc đó là việc thực hiện chiến lược con người. Và trong chiến lược lớn đó, xây dựng gia đình văn hóa là khâu then chốt bởi gia đình là biểu hiện tập trung của một xã hội, và ngược lại, xã hội đáp ứng nhu cầu, lợi ích của con người, góp phần vào sự tồn tại và phát triển hoàn thiện nhân cách con người. Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong việc xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam hiện đại là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa, góp phần vào mục tiêu chung là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng tới hình thành con người mới Việt Nam với những đặc tính cao đẹp và tiến bộ.
Hoạt động gia đình cùng thi trò chơi dân gian: Gắn kết tình yêu thương
của các thành viên trong gia đình
Thực hiện Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam huyện Dầu Tiếng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 16/11/2015 của UBND huyện về kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2016 - 2020, kế hoạch đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện hàng năm; đồng thời được đưa vào chỉ tiêu Nghị quyết của Huyện ủy hàng năm để chỉ đạo thực hiện. Vì thế hằng năm, công tác gia đình đã được sự quan tâm và tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền các địa phương.
Công tác gia đình đã được triển khai thực hiện hàng năm cùng với các mô hình, đề án thành phần của Chiến lược như: kế hoạch triển khai nhân rộng Mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình; kế hoạch triển khai, nhân rộng Mô hình Củng cố gia đình văn hoá; kế hoạch triển khai, nhân rộng Đề án Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam. Các hoạt động: tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm; hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm; Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6 hàng năm); Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11 hàng năm);… Đến nay, 12/12 xã, thị trấn có Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, gồm 89 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 89 Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 89 Tổ hoà giải cơ sở các ấp, khu phố; 07/12 xã, thị trấn được triển khai Đề án Tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam với 49 ấp, khu phố; 07/12 xã, thị trấn được triển khai Mô hình Củng cố gia đình văn hoá với 55 ấp, khu phố.
Công tác triển khai được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tổ chức triển khai tuyên truyền pháp luật, tập huấn, họp dân, đào tạo nghề nhằm hỗ trợ cho các hộ gia đình kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh với nội dung như: phổ biến, tuyên truyền và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình; chăm sóc, dạy bảo con, cháu; thực hiện chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ông, bà, chăm sóc cha, mẹ, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ; tuyên truyền thực hiện đúng chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, không phá thai vì giới tính của thai nhi; cung cấp các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục và dịch vụ hỗ trợ gia đình, hỗ trợ thành viên gia đình, hàng năm có trên 4.800 lượt người dự.
Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai kế hoạch thực hiện Tiểu đề án 4 về “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước thông qua các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể thao và du lịch; phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ công chức, viên chức lao động thuộc Liên đoàn Lao động huyện; phối hợp với Đoàn Thanh niên về đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho nam, nữ thanh niên về trách nhiệm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; phối hợp với Hội Người cao tuổi huyện triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ, chăm sóc đời sống văn hóa tinh thần đối với người cao tuổi trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, trong các cuộc họp giao ban, sinh hoạt ở ấp, khu phố với sự tham gia của các ban ngành đoàn thể, ban lãnh đạo các ấp, khu phố nhân dân và cán bộ công chức, viên chức đã triển khai công tác gia đình và các mô hình, đề án thành phần. Thực hiện tốt việc kiểm tra, thi hành pháp luật, chính sách, tiếp nhận các thông tin phản ánh của người dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác liên quan đến gia đình nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các gia đình và thành viên trong gia đình.
Qua đánh giá, việc triển khai thực hiện Chiến lược đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền các địa phương đối với công tác gia đình. Công tác gia đình đã được xem là một nội dung quan trọng trong các kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên của các cấp ủy Đảng, Chính quyền các địa phương. Các chỉ tiêu xây dựng, phát triển gia đình được đưa vào nội dung các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các địa phương.
Nhận thức về trách nhiệm quản lý, điều hành công tác gia đình, thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được nâng lên. Hiệu quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về gia đình đã cơ bản được xem là một tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình các cấp. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp từng bước được quan tâm kiện toàn, được hướng dẫn về chuyên môn để nâng cao năng lực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổ chức thực hiện công tác gia đình.
Công tác gia đình cũng luôn được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên và các địa phương trong huyện quan tâm, tăng cường tuyên truyền vận động, gắn liền với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, công tác Bình đẳng giới, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Việc tuyên truyền vận động được các ban, ngành, đoàn thể chú trọng nhằm nâng cao chất lượng mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, xây dựng gia đình là một môi trường an toàn cho trẻ em, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng mối quan hệ hàng xóm đoàn kết. Đồng thời, vận động nhân dân chủ động đấu tranh, phòng ngừa với những lối sống không lành mạnh, những quan điểm sai trái lệch lạc gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Thông qua nhiều hình thức vận động của các hội, đoàn thể như: Phong trào “ Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức Phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước của Hội Liên hiệp Phụ nữ; Phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” và thực hiện tốt đề án hỗ trợ, chăm sóc đời sống văn hóa tinh thần đối với người cao tuổi trên địa bàn huyện của Hội Người Cao tuổi; Liên đoàn Lao động huyện đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho cán bộ công chức, viên chức lao động; Đoàn Thanh niên đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho nam, nữ thanh niên về trách nhiệm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc;...
Tuy nhiên, công tác gia đình cũng đang tồn tại những hạn chế nhất định: Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng ích kỷ, đề cao tự do phát triển cá nhân làm phá vỡ những giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình; nhiều giá trị đạo đức của gia đình, của dân tộc đang có biểu hiện xuống cấp. Tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào các gia đình; tình trạng trẻ em bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật, tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng gia tăng. Đồng thời, qua quá trình hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới đang diễn ra đã một phần phá vỡ và làm biến đổi về cấu trúc của một số bộ phận gia đình Việt Nam. Thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam hiện nay là cùng với việc tiếp thu có chọn lọc những giá trị nhân văn trong quá trình hội nhập quốc tế nhưng phải giữ được bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc để góp phần vào sự ổn định chung và phát triển bền vững của đất nước.
Trong xu thế hội nhập và phát triển ngày càng mạnh mẽ, việc tăng cường giáo dục, phát huy giá trị gia đình truyền thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa gia đình văn minh tiến bộ trên thế giới là nhiệm vụ quan trọng, góp phần phát triển kinh tế- xã hội bền vững. Ngày 08/12/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khắc phục các vấn nạn trong hôn nhân gia đình đang có xu hướng gia tăng. Triển khai, thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí, năm 2019 huyện Dầu Tiếng đã chọn và triển khai tại xã Định Hiệp. Công tác triển khai đã được huyện xây dựng pa nô tuyên truyền nội dung Bộ tiêu chí và được các ấp của xã Định Hiệp đưa một số nội dung vào Qui ước ấp để thực hiện.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng với 4 tiêu chí ứng xử trong gia đình gồm: Ứng xử vợ chồng; ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; tiêu chí ứng xử của anh, chị, em.
Các tiêu chí này góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, các tiêu chí giúp củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, cộng đồng, xã hội và đất nước, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Bộ tiêu chí ứng xử này được áp dụng cho các thành viên trong gia đình với tiêu chí ứng xử chung là: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Trong đó, tôn trọng là đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của nhau. Bình đẳng là nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. Yêu thương là có tình cảm gắn bó tha thiết, quan tâm chăm sóc nhau. Chia sẻ là cùng nhau vun đắp tình cảm, san sẻ với nhau vui buồn, khó khăn, hoạn nạn.
Năm 2019, chúng ta đã kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 với chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Đây là thông điệp gửi đến tất cả mọi người, nhắn nhủ mỗi gia đình chúng ta không được xem nhẹ chức năng giáo dục truyền thống đạo đức, gia phong và văn hoá ứng xử trong gia đình, đồng thời cần hướng tới các giá trị mới một cách mềm dẻo, linh hoạt; cần phải giáo dục nhận thức đầy đủ về đạo đức, lối sống, nhân cách trong mỗi con người, mỗi gia đình. Đây là việc làm cần thiết của toàn xã hội trong việc xây dựng gia đình phát triển bền vững - Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong mỗi gia đình.
Minh Tùng
Đánh giá bài viết:
-
Thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị (BĐD HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách tại xã Thanh Tuyền.
04:13 12-11-2024 -
Hội nghị lấy ý kiến cộng đồng khu dân cư thị trấn Dầu Tiếng.
08:56 29-10-2024 -
Hội nghị tuyên truyền tư vấn pháp luật về hôn nhân gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Minh Hòa.
08:45 30-07-2024 -
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Dầu Tiếng họp giao ban định kỳ với các Tổ chức Chính trị - xã hội (CT-XH) nhận ủy thác cho vay cấp huyện
03:20 15-10-2024 -
Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Dầu Tiếng họp đánh giá kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024;
03:17 14-10-2024