Ngày 20/06/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hòa giải cơ sở số 35/2013/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.
Luật quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải (không bao gồm hoạt động hòa giải của tòa án, trọng tài, hòa giải lao động và hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn). Trong đó, hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố,... Và hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, có phẩm chất đạo đức tốt; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật và đặc biệt phải được bầu, công nhận là hòa giải viên.
Việc bầu hòa giải viên ở thôn, tổ dân phố được tiến hành theo hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp đại diện các hộ gia đình hoặc phát biểu lấy ý kiến các hộ gia đình. Người được công nhận hòa giải viên phải đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý.
Luật cũng quy định rõ, hòa giải viên có quyền thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở; được đề nghị các bên liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến vụ, việc hòa giải; được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải và hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải. Đồng thời, hòa giải viên cũng có nghĩa vụ tuân thủ nguyên tắc khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư các bên; thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã nếu thấy mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm trọng có thể dẫn đến bạo lực; và phải từ chối tiến hành hòa giải nếu bản thân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hoặc lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải,...
Để triển khai, thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 23/4/2014 về triển khai Luật Hòa giải cơ sở trên địa bàn huyện; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, phòng ban, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn tập trung triển khai, tuyên truyền sâu rộng vai trò, mục đích, ý nghĩa của công tác hòa giải cơ sở. Cùng với đó, Phòng Tư pháp cũng đã thực hiện tốt công tác tham mưu giúp UBND huyện theo dõi, quản lý về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở; tham mưu cho UBND, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện ban hành nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện để hòa giải viên hoạt động hiệu quả; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình hoạt động của các tổ hòa giải, kịp thời biểu dương khen thưởng những hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong hoạt động hòa giải. Hàng năm, Phòng Tư pháp huyện tham mưu UBND huyện hướng dẫn, kiện toàn các tổ hòa giải theo quy định; tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, kỹ năng và kiến thức pháp luật cho hòa giải viên cơ sở; hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở. Thường xuyên, rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên, tổ hòa giải, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện tốt hoạt động hòa giải ở cơ sở. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật và văn bản hướng dẫn thi hành cũng được chú trọng triển khai, trong 5 năm (2014-2018) đã tổ chức 17 hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên với trên 3.927 lượt hòa giải viên dự. Để nâng cao năng lực của đội ngũ hòa giải viên, các địa phương trong huyện còn có nhiều cách làm sáng tạo, lồng ghép trong các chương trình, đề án. Tổ chức tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở, các địa phương trong huyện đã tổ chức được 1.165 cuộc với 79.430 lượt người tham dự; tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh được 8.436 giờ. Một trong những hoạt động có hiệu ứng, lan tỏa rất lớn trong công tác hòa giải ở cơ sở nói chung, tuyên truyền phổ biến pháp luật nói riêng đó là tổ chức hội thi hòa giải viên giỏi, các phần thi được thể hiện dưới hình thức sân khấu hóa trực tiếp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật gắn liền với đời sống thực tiễn của người dân cơ sở. Hội thi không chỉ thu hút sự tham gia của các hòa giải viên mà còn thu hút cả người thân của hòa giải viên trong việc giúp đỡ hòa giải viên chuẩn bị, nghiên cứu, tìm hiểu các kiến thức pháp luật liên quan. Công tác tuyên truyền pháp luật được định hướng, chọn lọc về nội dung, chú trọng những văn bản mới ban hành, văn bản thiết thực với nhu cầu tìm hiểu pháp luật, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, hướng về cơ sở, xác định chủ đề tuyên truyển phù hợp với từng đối tượng và phục vụ nhu cầu của đối tượng.
Hội thi hòa giải viên giỏi: Hình thức tuyên truyền hiệu quả, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng của hòa giải viên
Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu giúp UBND huyện trong công tác quản lý nhà nước về hòa giải cơ sở; ở cấp xã, Công chức Tư pháp - Hộ tịch trực tiếp tham mưu giúp UBND cùng cấp trong công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở và phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong công tác bầu hòa giải viên, kiện toàn tổ hòa giải ở cơ sở. Công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện những năm qua đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hiện nay trên toàn huyện đã củng cố, kiện toàn 89/89 tổ hòa giải ở cơ sở với 782 hòa giải viên, đảm bảo 100% ấp, khu phố trên địa bàn huyện đều có tổ hòa giải ở cơ sở. Việc phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức thành viên được thực hiện theo quy định của Luật Hòa giải cơ sở. Hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện đều tiến hành tập huấn cho Ban Công tác Mặt trật và Ban Thanh tra nhân dân về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và hòa giải cơ sở; thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các xã, thị trấn lồng ghép hoạt động hòa giải trong các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thông mới, đô thị văn minh” nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thành một tiêu chí trong đánh giá thực hiện cuộc vận động, góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về hòa giải ở cơ sở. Tích cực phối hợp với chính quyền vận động nhân dân giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình, khu dân cư bằng biện pháp hòa giải, khuyến khích những thành viên của gia đình và những cá nhân có uy tính, có chuyên môn và kinh nghiệm hòa giải tham gia Tổ hòa giải. Hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở được duy trì một cách thường xuyên, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp phát sinh, gìn giữ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng dân cư, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong 5 năm qua (2014-2018) các tổ hòa giải ở cơ sở trong toàn huyện đã tiếp nhận 1.585 vụ việc và tổ chức hòa giải thành 1.371 vụ việc, đạt 86%, hòa giải không thành 214 vụ việc, chiếm 14%, tỉ lệ hòa giải không thành đối với các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, thưa kế, hôn nhân và gia đình cao so với các lĩnh vực khác. Để đảm bảo tính pháp lý của kết quả hòa giải, từ đó hạn chế các tranh chấp yêu cầu toà án giải quyết; bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, việc yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở là một trong các quyền mới quan trọng của các bên tham gia hòa giải và được hòa giải viên tuyên truyền, phổ biến trong quá trình hòa giải. Thông qua quá trình hòa giải vụ việc cụ thể, các bên tham gia hòa giải được truyên truyền, phổ biến để biết và thực hiện quyền của mình. Việc hỗ trợ cho tổ hòa giải ở cơ sở đã được thực hiện theo quy định về thu lao, tài liệu, nước uống để phục vụ quá trình hòa giải. Trong 5 năm qua, các tổ hòa giải cơ sở trong toàn huyện được chi trên 775 triệu đồng để hỗ trợ thực hiện công tác hòa giải theo quy định.
Qua 05 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, nhiều mô hình hay, hiệu quả trong cộng đồng dân cư đã phát huy hiệu quả, nhất là vai trò của các “nhóm nòng cốt” trong việc tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành pháp luật đã góp phần giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở cộng đồng dân cư, giúp ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở. Kết quả đạt được trong công tác hòa giải thời gian qua đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật và tạo chuyển biến tích cực trong ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến được với mọi tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào việc củng cố, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao dân trí, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội phát triển toàn diện trên các lĩnh vực, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hình thức phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng phong phú, sinh động; có sự chọn lọc về nội dung, chú trọng những văn bàn mới ban hành, văn bản thiết thực với nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các tầng lớp nhân dân; thực hiện tuyên truyền mang tính tập trung và phối hợp cao, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở huyện. Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật ngày càng được tổ chức, phối hợp sinh động, có trọng tâm thu hút nhiều người tham gia, qua hội thi, nội dung pháp luật được chuyển tải trực tiếp, dễ hiểu, đem lại hiệu quả tuyên truyền cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc như: Thực tiễn khi hòa giải với nhiều tình huống đa dạng, phúc tạp, có những trường hợp người dân không đồng tình với cách giải quyết của hòa giải viên; việc quy định có sự thay đổi hòa giải viên phải tổ chức bầu trong Luật Hòa giải ở cơ sở chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn,… Để hoạt động hòa giải ở cơ sở đạt được kết quả tốt, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, phối hợp triển khai của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác hòa giải ở cơ sở; tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để không ngừng nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân đối với vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở; phát huy vai trò của hương ước, quy ước đối với công tác hòa giải ở cơ sở phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo khả thi. Quan tâm tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, kỹ năng hòa giải; tạo điều kiện cho hòa giải viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải; trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho cơ quan quản lý Nhà nước và hòa giải viên; tạo điều kiện cho hòa các giải viên trong việc tiếp cận thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; giáo dục tính tự nguyện lựa chọn hình thức hòa giải ở cơ sở để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn,...
Hòa giải là truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, mang đậm tính nhân văn, hoạt động vì mọi người trên cơ sở đạo đức xã hội và nền tảng pháp luật. Mục đích của hòa giải ở cơ sở là nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, hàn gắn vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình, mang lại niềm vui cho mọi người, mọi nhà, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của công tác hòa giải, trong 05 năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện đã quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện, góp phần giải quyết trực tiếp những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong Nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn, thư khiếu nại vượt cấp trong người dân, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh, gia đình no ấm, hạnh phúc.
Phan Vũ
Đánh giá bài viết:
-
Huyện Dầu Tiếng đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số
09:06 12-10-2024 -
Huyện Dầu Tiếng triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ
09:01 12-10-2024 -
Huyện Dầu Tiếng tăng cường thực hiện ký số trên phần mềm Quản lý văn bản
08:21 12-10-2024 -
Triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần và dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định số 1214/QĐ-UBND ngày 26/4/2024
08:19 12-10-2024 -
Triển khai nghiêm túc thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn huyện Dầu Tiếng
08:17 12-10-2024