Trong những năm qua, chính sách xã hội hóa luôn được sự quan tâm và triển khai đồng bộ của cả hệ thống chính trị huyện Dầu Tiếng nhằm phát huy các nguồn lực của xã hội vào công tác Giáo dục - Đào tạo, công tác Chăm sóc và Bảo vệ sức khỏe nhân dân, công tác Văn hóa - Thông tin và Thể thao của huyện.
Toàn huyện đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các chương trình của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh; tổ chức tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội hóa chung tay cùng chính quyền thực hiện tốt các chính sách xã hội hóa. Cụ thể, đã triển khai Quyết định số 245/2006 ngày 10/11/2006 của UBND tỉnh về phê duyệt đề án xã hội hóa thể dục thể thao tỉnh Bình Dương đến năm 2010; Quyết định số 44/2016/QĐ-UBND ngày 01/11/2016 của UBND tỉnh về ban hành quy định về chế độ miễn, giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Dương;.... UBND huyện cũng đã ban hành Quyết định số 638/QĐ-UBND ngày 01/11/2019 về phê duyệt đề án thực hiện xã hội hóa giáo dục Mầm non huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2019-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Đến nay, tuy có nhiều nỗ lực trong tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội nhưng kết quả thực hiện công tác xã hội hóa trên địa bàn vãn chưa đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực cũng như số lượng công trình xã hội hóa trên từng lĩnh vực.
Công tác triển khai tuy đạt hiệu quả cao khi truyền tải những chủ trương, chính sách về lĩnh vực xã hội hóa nhằm nâng cao hiệu quả, giảm bớt gánh nặng ngân sách trong bối cảnh nguồn lực đầu tư ngân sách còn hạn chế, việc xã hội hóa lĩnh vực văn hóa- xã hội là mục tiêu quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của huyện.
Sự quan tâm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc tích cực tham gia đăng ký đầu tư vào các dự án theo danh mục lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa còn hạn chế. Do huyện không nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế của Tỉnh, là huyện vùng xa và nằm ở ngõ cụt của tỉnh nên các doanh nghiệp, cá nhân chưa mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực nằm trong danh mục xã hội hóa vì khả năng thu hồi vốn chậm.
Sân bóng đá huyện đang được xem xét chủ trương cho phép liên kết thực hiện xã hội hóa trong quản lý, khai thác
Đến nay, danh mục các chính sách phát triển xã hội gồm: chính sách cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất; chính sách ưu đãi về tín dụng; chính sách ưu đãi kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng; chính sách miễn giảm tiền thuê đất; các chính sách khác như: hỗ trợ kinh phí đào tạo bồi dưỡng người lao động trong các cơ sở thực hiện xã hội hóa, khen thưởng,... đều chưa thực hiện được xã hội hóa.
Huyện đã thực hiện rà soát quỹ đất dành cho xã hội hóa và quỹ đất dành cho các dự án theo hình thức Đối tác đầu tư công (PPP) với diện tích 128 ha. Trong lĩnh vực Giáo dục, chủ yếu là các khoản đóng góp ngoài ngân sách để trang bị, mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ dùng, đồ chơi từ nguồn thu hộ phụ huynh giai đoạn 2016 đến nay được trên 2,3 tỉ đồng. Tại trường Tiểu học Long Tân và trường Tiểu học Minh Thạnh đã kêu gọi được 02 cá nhân thực hiện xã hội hóa trong đầu tư bếp ăn tại trường để phục vụ trẻ học bán trú với tổng kinh phí trên 2 tỉ đồng. Lĩnh vực Y tế vẫn chưa có doanh nghiệp, cá nhân quan tâm đầu tư.
Sân bóng đá mini cỏ nhân tạo được xã hội hoá đầu tư tại khu
Trung tâm Văn hoá-Thể thao huyện phát huy hiệu quả tập luyện thể thao
Trong lĩnh vực Văn hóa, Thông tin và Thể thao, đã kêu gọi được 01 nhân đầu tư 02 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo với giá trị đầu tư trên 800 triệu đồng; 01 cá nhân đầu tư khu trò chơi thiếu nhi với giá trị trên 200 triệu đồng tại khu Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, các thiết chế này đã phát huy hiệu quả tập luyện thể thao, vui chơi đối với thanh thiếu nhi và cả cán bộ công chức trong thời gian qua.
UBND huyện đăng ký với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho chủ trương thực hiện xã hội hóa xây dựng hồ bơi trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện. Huyện cũng đang xem xét chủ trương cho phép liên kết thực hiện xã hội hóa trong quản lý, khai thác sân bóng đá, nhà thi đấu đa năng, sân quần vợt. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 2429/QĐ-UBND, ngày 22/8/2019 về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chủ trương đầu tư Dự án trồng mới, khoanh nuôi bảo vệ rừng kết hợp với phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú hoang dã tại khu vực Rừng phòng hộ núi Cậu và bán đảo Tha La cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xuân Cầu Bình Dương làm chủ đầu tư. Đến nay, Sở Xây dựng đang thực hiện hướng dẫn chủ đầu tư lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết theo quy định; Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Cậu- Dầu Tiếng theo dõi đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án. UBND huyện đã làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất phương án, kinh phí bồi thường, di dời các hộ dân trong Rừng phòng hộ núi Cậu để phục vụ dự án.
Công tác thông tin tuyên truyền về các chủ trương chính sách xã hội hóa được thực hiện thường xuyên và liên tục, lồng ghép trong các cuộc họp có liên quan để triển khai, nhắc nhở; giao cho các ngành chức năng tuyên truyền vận động các nguồn xã hội hóa với nhiều hình thức phong phú nhằm thông tin các chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về xã hội hóa lĩnh vực Giáo dục, Y tế, Văn hóa, Thể thao trên địa bàn.
Thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và điều kiện hưởng các chính sách phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tuy vậy, do thực trạng kết cấu hạ tầng của huyện còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa tạo được sự liên kết với các khu lân cận, do đó công tác huy động và phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế chưa cao. Các chính sách ưu đãi trong xã hội hóa, các thủ tục về đất đai, lựa chọn nhà đầu tư còn phức tạp nên chưa thu hút các nhà đầu tư nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Kinh phí thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực Giáo dục, Y tế, Văn hóa, Thể thao trên địa bàn trong giai đoạn 2015-2020 đạt trên 5,1 tỉ đồng; bên cạnh đó, mỗi cơ quan, đơn vị bố trí từ 1 đến 2 cán bộ, công chức thực hiện công tác này. Các công trình, dự án được xã hội hóa trên địa bàn huyện trong thời gian qua luôn phát huy hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng. Việc huy động nguồn lực của xã hội góp phần giảm áp lực chi ngân sách nhà nước, gắn với thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực Giáo dục, Y tế, Văn hóa, Thể thao trên địa bàn trong thời gian tới, huyện đề ra các giải pháp như: Đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến, thu hút đầu tư; phối hợp các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư vào huyện. Huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực, đầu tư hợp lý có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện phát triển đúng hướng, đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh. Phát triển đa dạng các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại, đảm bảo phát triển lành mạnh và bền vững, thúc đẩy phát triển theo hướng dịch vụ chất lượng cao, thương mại kết hợp du lịch. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư, tạo điều kiện thu hút đầu tư cho huyện.
Tiếp tục kêu gọi đầu tư xã hội hóa chợ Bến Súc với dự toán kinh phí 11 tỉ đồng; xây dựng Nghĩa trang An Lập với kinh phí 50 tỉ đồng; xây dựng chợ Minh Thạnh với kinh phí 10 tỉ đồng; xây dựng hồ bơi, khu vui chơi giải trí nằm trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện và các cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, huyện cũng rà soát hệ thống các văn bản xã hội hóa đã được ban hành, hệ thống các quy định về huy động các nguồn lực xã hội theo từng lĩnh vực và nhóm vấn đề cụ thể, phát hiện những quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn và còn thiếu, đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp; kịp thời cập nhật những chủ trương, định hướng mới về xã hội hóa,... Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo thông tin thông suốt, minh bạch; giải quyết kịp thời những thắc mắc của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện; tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch. Rà soát, kêu gọi đầu tư các công trình trường học theo đúng danh mục ưu tiên và phù hợp với khả năng cân đối các nguồn lực, chú trọng các danh mục trường Mầm non trên địa bàn.
Triển khai đồng bộ, lồng ghép các chương trình, kế hoạch phát triển Du lịch huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2020-2025; Đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền với Chương tình phát triển Đô thị, phát thiển Nông nghiệp, Nông thôn, Nông dân huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
UBND cũng sẽ chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện và lồng ghép tình hình thực hiện xã hội hóa từng lĩnh vực vào kế hoạch 5 năm, hàng năm của từng ngành thuộc phạm vi quản lý, xem đây là nhiệm vụ ưu tiên góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Minh Tùng
Đánh giá bài viết:
-
Thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị (BĐD HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách tại xã Thanh Tuyền.
04:13 12-11-2024 -
Hội nghị lấy ý kiến cộng đồng khu dân cư thị trấn Dầu Tiếng.
08:56 29-10-2024 -
Hội nghị tuyên truyền tư vấn pháp luật về hôn nhân gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Minh Hòa.
08:45 30-07-2024 -
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Dầu Tiếng họp giao ban định kỳ với các Tổ chức Chính trị - xã hội (CT-XH) nhận ủy thác cho vay cấp huyện
03:20 15-10-2024 -
Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Dầu Tiếng họp đánh giá kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024;
03:17 14-10-2024