Thông tin từ UBND huyện Dầu Tiếng cho biết tổng giá trị sản xuất trên địa bàn trong 9 tháng qua gần 15.150 tỷ đồng, đạt 78,36% kế hoạch năm và tăng 14,40% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt 7.910 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ; giá trị thương mại - dịch vụ đạt 4.916 tỷ đồng, tăng 12,60% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 2.962,93 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ.
Tình hình kinh doanh, thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã ổn định và tăng trưởng trở lại. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại một cửa hàng tạp hóa ở thị trấn Dầu Tiếng
Tam nông khởi sắc
Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, những năm qua, huyện Dầu Tiếng đã tích cực xúc tiến nhiều chương trình thúc đẩy phát triển tam nông trên địa bàn. Địa phương luôn tạo điều kiện, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển từ phương thức làm nông nghiệp truyền thống, kém hiệu quả sang ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất và thu nhập.
Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân đã giúp địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Nối tiếp những thành công trước đó, huyện Dầu Tiếng tiếp tục đặt mục tiêu đưa huyện trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, diện tích cây cao su trên địa bàn tiếp tục giảm tương ứng 70 ha trong 9 tháng qua. Thay vào đó là sự tăng trưởng của diện tích cây ăn trái đặc sản và số lượng các cơ sở, trang trại chăn nuôi. Đến nay, trên địa bàn huyện có 800 ha trồng cây ăn trái và 252 trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, bộ mặt tam nông trên địa bàn Dầu Tiếng trong thời gian qua tiếp tục có sự khởi sắc. Cụ thể, sau khi hoàn thành các tiêu chí, 4 xã Minh Tân, Định An, Minh Hòa, Long Tân đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên 9/11 xã.
Trong suốt tiến trình xây dựng nông thôn mới và triển khai các chính sách giúp giảm nghèo bền vững trên địa bàn, đại đa số người dân đều được tiếp cận những sinh kế đầy triển vọng. Trong đó, nhóm người lớn tuổi ở khu vực nông thôn sẽ được địa phương ưu tiên hỗ trợ tập huấn các mô hình canh tác nông nghiệp kiểu mới, giúp tăng năng suất, sản lượng và thu nhập. Trong khi đó, nhóm lao động trẻ lại có cơ hội tham gia chuỗi lao động, sản xuất an toàn, thông minh theo chuẩn công dân thế hệ 4.0 thông qua các khóa đào tạo nghề bài bản.
Tăng tốc về đích
Dư chấn của đại dịch Covid-19 vẫn còn, nhưng nhìn chung kinh tế - xã hội của Dầu Tiếng trong 9 tháng năm 2022 đã có sự tăng trưởng khá ấn tượng. Bên cạnh sự khởi sắc của tam nông, các lĩnh vực kinh tế khác như công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ… cũng phục hồi và tăng trưởng mạnh.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn Dầu Tiếng thời gian qua tương đối ổn định. Đến nay, toàn huyện có 487 doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả, tăng 13 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2021. Để thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, tạo tiền đề giúp địa phương thu hút nguồn lực dân cư mới, thời gian qua, huyện Dầu Tiếng tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng hoàn thiện quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để giúp địa phương sớm hình thành các khu, cụm dân cư mới trong tương lai.
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế - xã hội, tình hình hoạt động kinh doanh, thương mại - dịch vụ trên địa bàn Dầu Tiếng tiếp tục được duy trì ở mức ổn định. Số lượng, chủng loại hàng hóa tiêu dùng các loại cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân với giá thành được duy trì ở mức bình ổn. Để thúc đẩy hoạt động thương mại - dịch vụ, thời gian qua huyện cũng phối hợp các sở ngành, doanh nghiệp tổ chức 1 chương trình khuyến mại và 5 hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại.
Là địa phương có nền tảng cơ sở hạ tầng còn khá khiêm tốn, nên thời gian qua Dầu Tiếng luôn chủ trương đẩy mạnh các hoạt động quy hoạch, xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng; từng bước thiết lập, tạo ra một nền tảng vững chắc, giúp nền kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết địa phương đã triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình quy hoạch phát triển vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2030, tầm nhìn 2040 và các đề án phân khai theo lĩnh vực. Cụ thể, thời gian qua địa phương đã hoàn thành xây dựng Quy hoạch phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030; Quy hoạch xây dựng đến năm 2040; Quy hoạch di dời cơ sở, trang trại chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư; Quy hoạch phát triển du lịch địa bàn Dầu Tiếng; lập đồ án Quy hoạch chung thị trấn Dầu Tiếng, Quy hoạch chung đô thị mới Minh Hòa, Long Hòa đến năm 2040…
Đánh giá bài viết:
-
Thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị (BĐD HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách tại xã Thanh Tuyền.
04:13 12-11-2024 -
Hội nghị lấy ý kiến cộng đồng khu dân cư thị trấn Dầu Tiếng.
08:56 29-10-2024 -
Hội nghị tuyên truyền tư vấn pháp luật về hôn nhân gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Minh Hòa.
08:45 30-07-2024 -
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Dầu Tiếng họp giao ban định kỳ với các Tổ chức Chính trị - xã hội (CT-XH) nhận ủy thác cho vay cấp huyện
03:20 15-10-2024 -
Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Dầu Tiếng họp đánh giá kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024;
03:17 14-10-2024