Thời gian qua, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Dầu Tiếng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trong huyện có sự phối hợp thực hiện hiệu quả… nên cuộc vận động đã tạo được sự đồng thuận cao, hưởng ứng tích cực của người dân và đã mang lại kết quả tốt.
Người dân ưu tiên chọn mua hàng Việt
Minh Tân, Minh Hòa là 02 xã thuộc vùng xa của huyện Dầu Tiếng. Đây cũng là nơi có đông đồng bào Chăm, Khơ-me sinh sống. Trước đây, việc tiếp cận hàng hóa chất lượng có xuất xứ trong nước đối với người dân ở các xã này còn rất hạn chế. Từ khi những phiên chợ “hàng Việt về nông thôn”, các hội chợ thương mại… được tổ chức hàng năm tại địa phương đã giúp nhân dân có điều kiện thuận lợi mua sắm hàng hóa chất lượng có xuất xứ trong nước, phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Mỗi phiên chợ tổ chức ở các địa phương này diễn ra từ 3 - 4 ngày, còn hội chợ kéo dài 6 - 7 ngày, đã thu hút rất đông người dân đến mua sắm.
Bà Hồ Mỹ Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Dầu Tiếng, cho biết chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã tạo điều kiện cho người dân vùng nông thôn trong huyện được tiếp cận các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng, giá cả phù hợp, góp phần để địa phương bảo đảm an sinh xã hội. Đây còn là dịp để người dân nông thôn sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt. Đặc biệt, việc tổ chức phiên chợ theo hình thức siêu thị lưu động được người dân trong huyện nhiệt tình ủng hộ. Thực tế, doanh số bán hàng và số lượt khách đến mua sắm tại các phiên chợ tăng lên hàng năm cho thấy hiệu quả của chương trình này.
Trong năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân giám sát, phát hiện và tố giác các hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng đến các ngành chức năng. Nhờ đó đã giúp ngành chức năng kiểm tra, phát hiện 44 vụ vi phạm, kết quả đã xử phạt vi phạm hành chính 31 triệu đồng và tịch thu toàn bộ phương tiện, hàng hóa vi phạm. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện và Sở Công thương tổ chức phiên chợ vui “Hàng Việt về nông thôn” tại Nhà Văn hóa xã Long Hòa trong 3 ngày, thu hút hơn 3.000 lượt nhân dân đến tham quan, mua sắm…
Để hàng Việt lan tỏa mạnh
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện Dầu Tiếng, kết quả nổi bật của việc thực hiện cuộc vận động từ chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” đó là không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn, mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước.
Khảo sát thực tế tại một số chợ ở các vùng nông thôn của huyện Dầu Tiếng cho thấy, sản phẩm trong nước bày bán ở đây tăng lên khá nhiều so với trước, nhất là đối với hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng thực phẩm, may mặc. Chị Nguyễn Thị Hải Yến, công nhân Cụm công nghiệp Thanh An, chia sẻ: “Tôi là công nhân thu nhập không cao, do vậy khi có thời gian tôi cùng bạn bè thường đến những phiên chợ hàng Việt để mua sắm. Vì tại đây, hàng hóa phong phú, bảo đảm chất lượng mà giá cả cũng hợp lý, nhất là không sợ hàng quá hạn sử dụng”. Đến nay, 9/12 xã, thị trấn của huyện Dầu Tiếng đã có chợ, với trên 5.850 hộ kinh doanh cá thể. Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, thị trấn trong huyện thường xuyên vận động các chủ cửa hàng tạp hóa nhập hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để bán cho nhân dân, đồng thời thực hiện công tác giám sát phòng, chống hàng gian, hàng giả…
Có thể nói, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” ở huyện Dầu Tiếng đã mang lại kết quả tốt. Tuy vậy, theo đại diện Phòng Kinh tế huyện, vẫn còn một số phiên chợ hàng Việt tổ chức khá rời rạc, thiếu sự liên kết, chuyên nghiệp; một vài doanh nghiệp chưa có ý thức coi trọng khách hàng khi vẫn bán hàng lỗi mốt, hàng tồn, hàng kém chất lượng trong các phiên chợ. Cùng với đó, các chuyến hàng khi về đến các xã đều diễn ra trong một thời gian ngắn và không cố định; một số phiên chợ hàng hóa, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, đa dạng…, cho nên chưa thu hút được người mua.
Thiết nghĩ, cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới kênh phân phối hàng Việt tại các khu vực nông thôn, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp phát triển điểm bán cố định tại địa phương mình. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm soát hàng hóa, phòng, chống các hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng... góp phần nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Hồng Nga
Đánh giá bài viết:
-
Huyện Dầu Tiêng công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2024
02:27 24-05-2024 -
Huyện Dầu Tiếng chỉ đạo tăng cường tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và công tác kiểm tra giá điện nhà trọ trên địa bàn huyện năm 2023
03:30 07-07-2023 -
Huyện Dầu Tiếng tổ chức Hội thảo phát triển du lịch nông thôn
03:31 07-07-2023 -
Huyện Dầu Tiếng họp thẩm định phê duyêt quy hoạch cảng Phú Cường Thịnh
10:33 12-06-2023 -
Huyện Dầu Tiếng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến kiến Nhân dân đối với dự thảo luật đất đai (sửa đổi)
01:44 29-03-2023