Hương ước, qui ước xuất hiện ở nước ta từ thế kỷ XV, được quy định lần đầu tiên dưới triều vua Lê Thánh Tông, được các chế độ phong kiến Việt Nam sau đó và thực dân Pháp duy trì để quản lý làng xã, cộng đồng dân cư (hương ước được thừa nhận và tồn tại song song với pháp luật của Nhà nước).
Sau Cách mạng tháng Tám (năm 1945), do quan niệm hương ước, qui ước không còn thích hợp với xã hội mới nên Nhà nước ta không đề cập đến việc xây dựng, thực hiện hương ước. Bước vào thời kỳ đổi mới (năm 1986), trước yêu cầu bảo vệ, duy trì, phát triển các phong tục tập quán, giá trị văn hóa tốt đẹp đang được phục hồi, xóa bỏ các hủ tục, tệ nạn nảy sinh, nhất là trong việc cưới, việc tang nhằm xây dựng đời sống văn hóa mới, chủ trương xây dựng và việc thực hiện hương ước đã được khẳng định trong một số văn kiện của Đảng và thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, đến nay việc xây dựng, thực hiện hương ước, qui ước đã đi vào ổn định, được xây dựng, thực hiện rộng khắp các địa phương.
Hương ước, qui ước đã khẳng định được vị trí, vai trò trong xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, thực hiện chính sách dân số, gia đình và trẻ em; phát huy vai trò tự quản và xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, hương ước, qui ước còn là một trong những hình thức để thực hiện quyền dân chủ của nhân dân ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân thể hiện ý chí, tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.
Để quản lý xã hội, bên cạnh pháp luật còn có hệ thống các quy phạm xã hội bao gồm: quy phạm đạo đức, phong tục, tập quán, hương ước, qui ước của cộng đồng dân cư, tổ chức xã hội và tổ chức tôn giáo,… Tuy các quy phạm xã hội không mang tính cưỡng chế cao như quy phạm pháp luật, song nó vẫn có giá trị bởi có sự kết hợp giữa cưỡng chế với sự tự nguyện, xử phạt với giáo dục, răn đe với thuyết phục. Chính vì vậy, để việc quản lý xã hội đạt hiệu quả cao, đòi hỏi phải thực hiện tốt việc kết hợp giữa pháp luật với hệ thống các thiết chế xã hội khác, trong đó có hương ước, qui ước.
Thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về vây dựng hương ước, qui ước của làng, bản thôn ấp, cụm dân cư và Quyết định số 1646/QĐ-UBND ngày 20/6/2012 của UBND tỉnh Bình Dương về chọn các xã, phường điểm để thực hiện mô hình xây dựng, sửa đổi qui ước cộng đồng, huyện Dầu Tiếng đã chọn xã Định Thành để triển khai xây dựng, sửa đổi qui ước cộng đồng. Việc xây dựng và phê duyệt qui ước các ấp của xã Định Thành đã được triển khai thực hiện theo đúng quy trình soạn thảo, thông qua, thẩm định và được UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt vào cuối tháng 8/2013.
Qua đánh giá việc thực hiện qui ước ấp ở xã Định Thành những năm qua cho thấy, qui ước đã phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư các ấp, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp; hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư. Từng bước điều chỉnh các quan hệ xã hội tại cộng đồng dân cư, thực hiện mở rộng dân chủ ở cơ sở, giúp người dân địa phương tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Việc phát huy vai trò tự quản của nhân dân địa phương thông qua các qui ước có tác dụng hỗ trợ pháp luật khi chưa cần thiết sử dụng pháp luật để điều chỉnh, được ví như “cánh tay nối dài” của pháp luật và cùng với pháp luật điều chỉnh một cách toàn diện các mối quan hệ phát sinh trong đời sống xã hội, góp phần đưa chính sách và pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; gìn giữ, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư ở cơ sở; bài trừ các hủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương. Qua việc thực hiện qui ước đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới; phát huy quyền tự do, dân chủ ở cơ sở, động viên, tạo điều kiện để người dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của công dân.
Ngày 08/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, qui ước thay thế Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg, Quyết định có 5 chương, 20 điều. Để triển khai, xây dựng và thực hiện qui ước đến tất cả các ấp, khu phố trong huyện, huyện đã phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh triển khai hướng dẫn quy trình xây dựng, ban hành và thực hiện qui ước theo Quyết định 22 gắn với việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” của địa phương.
Quá trình xây dựng và phê duyệt qui ước của các ấp, khu phố ở huyện Dầu Tiếng đã cơ bản thực hiện theo đúng theo quy trình soạn thảo, thông qua, thẩm định và phê duyệt trước khi đưa vào triển khai thực hiện, đảm bảo các yêu cầu: phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư; không vi phạm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm bình đẳng giới. Bảo đảm tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư; phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân; dựa trên nhu cầu tự quản của cộng đồng dân cư trong xây dựng, thực hiện qui ước. Bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các giá trị văn hóa mới phù hợp với đặc điểm tình hình của cộng đồng dân cư. Không đặt ra các khoản phí, lệ phí, phạt tiền, phạt vật chất, đề cao tính tự giác, tự nguyện.
Các qui ước khi xây dựng đã đảm bảo phát huy dân chủ, có sự bàn bạc, thống nhất ý kiến của nhân dân tại cơ sở trước khi trình UBND huyện phê duyệt. Việc soạn thảo qui ước được Ban công tác Mặt trận phối hợp với Ban lãnh đạo các ấp, khu phố chủ trì thực hiện thông qua ban soạn thảo là những người có phẩm chất đạo đức tốt, uy tín và kinh nghiệm sống, có trình độ văn hoá, hiểu biết về pháp luật và phong tục, tập quán ở địa phương. Dự thảo qui ước sau khi xây dựng được nhân dân thảo luận và thống nhất thông qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện thẩm định, trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt qui ước. Đến nay, các xã, thị trấn của huyện Dầu Tiếng đã thực hiện xong các bước quy trình soạn thảo, thông qua, thẩm định và phê duyệt, trong đó có 8/12 xã, thị trấn đã được phê duyệt qui ước, 04 xã còn lại đang trong quá trình xem xét, phê duyệt. Các qui ước sau khi được phê duyệt đã được phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn bằng các hình thức khác nhau, như: phát đến từng hộ gia đình; phổ biến qua hệ thống truyền thanh của xã- thị trấn, ấp- khu phố; qua hội nghị của các ban, ngành, đoàn thể; niêm yết tại trụ sở UBND, Trung tâm Văn hoá, Thể thao - Học tập cộng đồng xã, thị trấn và Nhà văn hóa các ấp, khu phố; hoặc thông qua các cuộc họp ấp, khu phố để phổ biến tới từng hộ gia đình triển khai thực hiện. Đặc biệt tại xã Định Hiệp, qui ước ấp được UBND xã trích những nội dung chính vào tờ A4, nhân bản và lồng vào khung kính, phát đến từng hộ gia đình treo trước nhà để người dân dễ dàng đọc, hiểu và thực hiện.
Trích qui ước ấp và treo tại hộ dân tại xã Định Hiệp để triển khai, phổ biến
Công tác triển khai, thực hiện qui ước ở các ấp, khu phố trong huyện Dầu Tiếng được theo dõi, giám sát thông qua Ban lãnh đạo, Ban công tác Mặt trận các ấp, khu phố, khi phát hiện ra những vi phạm qui ước, đại diện cộng đồng sẽ trực tiếp nhắc nhở đối với những tranh chấp nhỏ tại cộng đồng và được giải quyết thông qua các tổ hòa giải. Công tác đánh giá, bình xét việc thực hiện qui ước được thực hiện hàng năm trong các cuộc họp ấp, khu phố; trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc; trong sơ, tổng kết Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và quy chế dân chủ ở cơ sở.
Với việc xây dựng, ban hành qui ước các ấp, khu phố trên địa bàn huyện và triển khai thực hiện một cách tích cực, hy vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích tốt góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình và dân tộc (truyền thống hiếu nghĩa, đạo làm con, truyền thống hiếu học…), bảo vệ thuần phong mỹ tục, tinh thần tương trợ, tương thân tương ái nhiều truyền thống, phong tục tập quán, luật tục tốt đẹp đã được các cộng đồng dân cư ghi nhận, văn bản hóa tại qui ước.
Để qui ước phát huy được vai trò, được “sống” đúng với giá trị của nó trong quản lý xã hội, việc xây dựng, thực hiện qui ước đòi hỏi phải tuân thủ các nguyên tắc xây dựng qui ước và triển khai đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp như: tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung thể chế, văn bản có liên quan đến qui ước; tổ chức tập huấn, quán triệt, phổ biến các quy định pháp luật về xây dựng qui ước, đặc biệt là các quy định tại Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08/5/2018 đến cán bộ, công chức tham mưu quản lý công tác xây dựng, thực hiện qui ước, các tổ dân phố, cộng đồng dân cư để nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của qui ước trong giai đoạn hiện nay; tăng cường phối hợp, tổ chức kiểm tra, theo dõi, phát hiện qui ước vi phạm và xử lý kịp thời, bảo đảm việc xây dựng, thực hiện qui ước theo đúng quy định, qua đó nâng cao hiệu quả của qui ước đáp ứng yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư.
Việc phát huy vai trò tự quản của nhân dân thông qua các qui ước đã và đang khẳng định vị trí, vai trò trong xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, dân chủ ở cơ sở, xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư; góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.
Phan Vũ
Đánh giá bài viết:
-
UBND huyện Dầu Tiếng trao tặng nhà nhân ái trên địa bàn xã Minh Hòa
09:02 12-10-2024 -
Triển khai thực hiện thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID
08:58 12-10-2024 -
Bộ TTTT triển khai quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
08:55 12-10-2024 -
KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 - 19/8/2024) VÀ NGÀY QUỐC KHÁNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM (02/9/1945 - 02/9/2024)
01:45 13-09-2024 -
UBND huyện ban hành Kế hoạch truyền thông hoạt động cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn huyện năm 2024
03:55 24-05-2024