Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 06/4/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.
Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 06/4/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018, Luật có 5 Chương, 37 Điều. Luật quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Quyền tiếp cận thông tin được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm: Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ; việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Công dân được tiếp cận thông tin bằng các cách tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.
Việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp với các đối tượng, điều kiện khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thông qua các hình thức như: Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; hệ thống phát thanh, truyền hình trung ương, địa phương và các hệ thống truyền phát tin khác của địa phương; các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc và các phương tiện thông tin đại chúng khác tại địa phương; xây dựng tài liệu chuyên đề, tờ rơi, ấn phẩm; trong trường hợp cần thiết và khả thi thì có thể được chuyển tải bằng ngôn ngữ dân tộc; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng để chia sẻ thông tin cho công dân; chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động cung cấp thông tin cho các khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; lồng ghép hoạt động cung cấp thông tin trong các sự kiện văn hóa - chính trị của cơ quan, địa phương, trong kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông các chính sách mới của các cơ quan nhà nước trên địa bàn. Tăng thời lượng truyền, phát bản tin đối với loại thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của người dân sinh sống tại khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thực hiện Luật Tiếp cận thông tin, Nghị định 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin và Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy chế hoạt động thông tin cơ sở, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch triển khai kế hoạch triển khai thực hiện Quy chế hoạt động thông tin cơ sở trên địa bàn huyện; ban hành Quy chế cung cấp thông tin cho công dân; các cơ quan, phòng, ban huyện và UBND các xã, thị trấn cũng ban hành Quy chế cung cấp thông tin cho công dân. Theo đó, công tác thông tin cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đảm bảo sự thống nhất trong quản lý và thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thông tin trong tình hình mới. Việc triển khai thực hiện công tác thông tin cơ sở được tiến hành thường xuyên, liên tục, thiết thực, góp phần tạo sự thống nhất và đồng thuận trong xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác đưa thông tin về cơ sở. Đa dạng hoá các hình thức đưa thông tin về cơ sở bằng việc tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở và thông qua các phương tiện như: hệ thống truyền thanh, đăng trên website, panô, khẩu hiệu, băngrôn và thông qua truyền miệng của lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên. Việc cung cấp thông tin ở các các cơ quan, phòng, ban huyện và UBND các xã, thị trấn thời gian qua được giao cho cán bộ văn phòng, cán bộ tiếp công dân thực hiện.
Để thực hiện cung cấp thông tin và hoạt động thông tin cơ sở, trong thời gian qua huyện Dầu Tiếng đã xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp thông tin như Trang thông tin điện tử (Website huyện) hệ thống truyền thanh, các hệ thống truyền phát thông tin khác của địa phương,... nhận, cấp phát tài liệu chuyên đề, tờ rơi, ấn phẩm.
Cung cấp thông tin thông qua Trang thông tin điện tử
Những năm qua, Trang thông tin điện tử huyện đã phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền là kênh cung cấp cung cấp thông tin, tiếp nhận và cung cấp thông tin, dịch vụ các cơ quan, phòng, ban huyện và UBND các xã, thị trấn góp phần nâng cao hiệu lực quản lý hành chính Nhà nước của hệ thống cơ quan chính quyền cấp huyện, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính của UBND huyện. Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Ban Biên tập Website huyện đã duy trì đăng tải nội dung thông tin trên Website huyện phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo từ huyện đến cơ sở; đẩy mạnh việc công khai thông tin, nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác, tìm hiểu thông tin của nhân dân. Website huyện luôn cập nhật các mục thông tin theo quy định tại điều 10, Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, như: Thông tin giới thiệu về bộ máy hành chính điều kiện tự nhiên, lịch sử, truyền thống văn hóa, di tích, danh thắng địa điểm tham quan du lịch trên địa bàn huyện; cơ cấu tổ chức của UBND huyện; Thông tin chỉ đạo, điều hành, ý kiến xử lý, phản hồi đối với các kiến nghị, yêu cầu tổ chức, cá nhân; cập nhật tin tức, sự kiện; thông tin về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, chính sách ưu đãi, quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất,... Thông tin về văn bản chỉ đạo điều hành của lãnh đạo UBND huyện dưới hình thức văn bản, số ký hiệu, ngày ban hành, hiệu lực, trích yếu, tệp văn bản cho phép tải về; liên kết với các Website: Cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính; Tạp chí Xây dựng Đảng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,... và cung cấp dịch vụ hành chính công, hiện nay đã đạt mức độ 3, đang tiến đến mức độ 4. Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến là một nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính triển khai Chính phủ điện tử, tạo điều kiện cho nhân dân và doanh nghiệp giảm áp lực giấy tờ công việc lên các cơ quan quản lý nhà nước; công dân khi đăng ký dịch vụ công trực tuyến sẽ giảm thời gian gửi/nhận hồ sơ, giảm thời gian đi lại cho người sử dụng; tăng tính minh bạch của các cơ quan cung cấp dịch vụ. Hiệu quả kinh tế cho cả người sử dụng dịch vụ và cơ quan cung cấp dịch vụ, do đó có thể tiết kiệm thời gian, công sức, cắt giảm các chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm, chi phí nhân công.
Huyện đã từng bước đầu tư hoàn chỉnh hệ thống truyền thanh cơ sở đảm bảo 100% xã, thị trấn; ấp, khu phố đều có hệ thống loa truyền thanh theo hướng hiện đại (sử dụng công nghệ không dây). Bên cạnh đó, hệ thống truyền thanh của Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng đã góp phần tăng cường công tác thông tin cơ sở đến người dân trong huyện. Hàng năm, Đài Truyền thanh huyện thực hiện trên 2.000 Chương trình và chuyên mục, gồm: chương trình thời sự; các chuyên mục: xây dựng nông thôn mới, hiểu pháp luật, xây dựng Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, trật tự an toàn giao thông, toàn dân tham gia PCCC, giảm nghèo bền vững, tiếng nói công nhân cao su Dầu Tiếng, trực tiếp truyền thanh các kỳ họp của HĐND huyện,...; câu chuyện truyền thanh và tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Bình Dương. Nội dung phản ảnh đầy đủ các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh trong huyện và tiếp âm chương trình thời sự của Tỉnh và Trung ương phục vụ nhu cầu thông tin của nhân dân. Tổng thời lượng phát thanh hàng năm là trên 2.340 giờ.
Song song đó, thông tin còn được cung cấp thông qua hệ thống pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền được xây dựng rộng khắp trong huyện. Hàng năm ngành Văn hoá và Thông tin huyện thực hiện in ấn, treo trên 5.800m băng rol khẩu hiệu; gần 5.000m2 panô tuyên truyền; xe phát thanh lưu động tuyên truyền tại các xã, thị trấn được trên 15 đợt với 252 giờ; xây dựng biểu diễn 02 kịch bản tuyên truyền lưu động tại các xã, thị trấn; trên 80 buổi chiếu phim lưu động; bổ sung trên 3.500 bản sách mới các loại, phục vụ trên 5.000 lượt bạn đọc,... Các ngành, đoàn thể hàng năm cung cấp hàng trăm ngàn tài liệu chuyên đề, tờ rơi, ấn phẩm tuyên tuyền các chương trình, đề án.
Thông tin về thủ tục hành chính được thực hiện theo Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính, Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 08/9/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính và Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 32/10/2017 của Văn phòng Chính phủ về hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính. Bên cạnh hình thức công khai thủ tục tại trụ sở nơi trực tiếp tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính là Văn phòng Tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả của UBND huyện và các xã, thị trấn; thông tin còn được công khai bằng hình thức điện tử. Việc mở rộng hình thức công khai bắt buộc đã đáp ứng nhu cầu tiếp cận, tìm hiểu thông tin, phục vụ cho việc thực hiện thủ tục hành chính; đồng thời, đáp ứng yêu cầu của việc đánh giá công tác cải cách hành chính, trong đó việc công khai thủ tục trên Cổng thông tin điện tử là một chỉ số thành phần đánh giá chỉ số cải cách hành chính.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc cung cấp thông tin còn những hạn chế như: việc rà soát, lập danh mục thông tin được công khai, thông tin không được công khai, thông tin được tiếp cận có điều kiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai còn chậm; cán bộ được giao làm đầu mối cung cấp thông tin của các cấp, các ngành chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về hoạt động cung cấp thông tin do đó khó đáp ứng yêu cầu hoạt động cung cấp thông tin của cơ quan, đơn vị. Khó khăn nữa là hiện tại luật và nghị định đều xác định trách nhiệm thực hiện cung cấp thông tin thuộc về cơ quan Nhà nước các cấp, trong đó có cán bộ đầu mối giúp thủ trưởng cơ quan thực hiện. Tuy nhiên, chưa xác định rõ mô hình về cán bộ đầu mối; tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ đầu mối thực hiện nhiệm vụ này. Do đó dẫn đến tình trạng áp dụng không thống nhất, có nơi giao cho cán bộ văn phòng thực hiện, có nơi giao cho cán bộ tiếp công dân thực hiện, có nơi giao cho công chức tư pháp cấp xã thực hiện.
Việc cung cấp thông tin trên Website huyện ở một số chuyên mục vẫn còn chưa đầy đủ các danh mục thông tin bắt buộc phải công khai và chưa được cập nhật thường xuyên, cập nhật văn bản pháp luật mới,.... Vì thế, người dân còn phải tiếp cận công chức chuyên môn để được cung cấp thông tin hoặc tìm kiếm thông tin thông qua các sách, báo và mạng internet.
Minh Tùng
Đánh giá bài viết:
-
Huyện Dầu Tiếng đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số
09:06 12-10-2024 -
Huyện Dầu Tiếng triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ
09:01 12-10-2024 -
Huyện Dầu Tiếng tăng cường thực hiện ký số trên phần mềm Quản lý văn bản
08:21 12-10-2024 -
Triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần và dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định số 1214/QĐ-UBND ngày 26/4/2024
08:19 12-10-2024 -
Triển khai nghiêm túc thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn huyện Dầu Tiếng
08:17 12-10-2024