Huyện Dầu Tiếng là huyện nằm phía Bắc của tỉnh Bình Dương có diện tích rộng gần 72.139ha, với dân số toàn huyện hiện nay là trên 114 ngàn người, người dân chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, khai thác mủ cao su.
Tổng diện tích diện tích các loại cây trồng trên 54.750 ha, trong đó diện tích cây cao su là 49.800 ha, cây ăn quả là 650 ha. Huyện có cơ cấu hành chính gồm 11 xã và 01 thị trấn, với 89 ấp, khu phố, thị trấn Dầu Tiếng là Trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của huyện.
Những năm qua, cùng với những thành tựu về kinh tế, xã hội; quốc phòng, an ninh được duy trì, ổn định và giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, tăng cường trong điều kiện mới, trong xã hội có nhiều thành phần, tầng lớp chung sức, chung lòng xây dựng quê hương Dầu Tiếng giàu đẹp, văn minh. Cùng với sự khuyến khích và tạo điều kiện của các chính sách của Nhà nước, Nhân dân Dầu Tiếng phấn khởi thực hiện các phong trào thi đua, trong đó có Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã tạo động lực rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng, qua đó góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện và tiêu chí nông thôn mới nâng cao mà toàn huyện đang hướng đến.
Qua 20 năm (2000 - 2020) triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, sau đó đến năm 2010 được gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Dầu Tiếng đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
Trung tâm huyện Dầu Tiếng trên đường phát triển
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là phong trào thi đua yêu nước mang tính rộng khắp trên địa bàn huyện. Hàng năm, Huyện ủy, UBND huyện đều đưa các chỉ tiêu thực hiện của phong trào vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và được các địa phương trong huyện triển khai thực hiện. Huyện luôn chú trọng đến hiệu quả của phong trào nhằm làm cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng phong phú hơn. Song song đó, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ Bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, đến năm 2015 huyện đã hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nâng thôn mới, và hiện hay đang thực hiện nhiệm vụ tiếp theo là thực hiện nông thôn mới nâng cao. Do đó, việc gắn thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với phong trào xây dựng nông thôn mới càng trở nên thiết thực, góp phần củng cố khối đại đoàn kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Điều này cũng nâng cao nhận thức của người dân địa phương về vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ảnh: Kim Phượng
Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và nỗ lực phấn đấu không ngừng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, bộ mặt nông thôn của huyện đã thay đổi rõ rệt, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 giảm còn 0,96%; các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đối tượng chính sách được quan tâm thực hiện tốt. Tất cả đã tạo sự tin tưởng của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính quyền đối với những kết quả đem lại từ việc thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tập trung làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; quán triệt và thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, bảo đảm công khai, minh bạch mọi vấn đề; cán bộ, đảng viên luôn nêu gương, tiền phong đi đầu trong việc thực hiện các phong trào, các cuộc vận động. Đặc biệt, đã tạo mọi điều kiện để nhân dân tham gia vào các công đoạn; chú trọng việc phát động các phong trào thi đua sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm,… Nhờ triển khai thực hiện nhiều giải pháp tích cực, công khai, lấy dân làm trung tâm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu, qua triển khai thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, người dân đã tham gia thực hiện nhiều công trình giao thông, thiết chế văn hóa, xã hội; hiến đất, cây trái, hoa màu, vật kiến trúc,… với trị giá hàng trăm tỉ đồng.
Ngoài ra, Nhân dân còn sửa sang nhà cửa, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, khang trang; tích cực tham gia và thực hiện tốt việc hội họp khu, ấp, treo cờ đúng quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường, góp ý bài trừ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang; tham gia đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống tội phạm; hưởng ứng các hoạt động nhân đạo từ thiện, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa… Hàng năm, 100% hộ gia đình đăng ký và có trên 96% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; góp phần giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới,…
Có được những thành quả trên là nhờ công tác vận động nhân dân tham gia thực hiện các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ huyện đến cơ sở đã tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Bảy “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; “Về công tác dân tộc”; “Về công tác tôn giáo”; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các Nghị quyết của các Hội nghị khoá XII đến các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nhân dân tham gia các phong trào, các cuộc vận động thi đua yêu nước, điển hình là thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đạt hiệu quả cao. Tham mưu cấp uỷ Đảng và Chính quyền chăm lo cuộc sống của nhân dân, với phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, qua đó đã kịp thời nắm bắt thông tin để chăm lo cho đời sống nhân dân, nhất là hộ nghèo, người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đồng thời thực hiện tốt vai trò đại diện của mình trước Nhân dân.
Ông Nguyễn Chí Trung, Bí thư Huyện ủy đến dự và tặng quà cho
các hộ khó khăn nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2020
của khu phố I, thị trấn Dầu Tiếng (Ảnh: Công Danh)
Mặt trận Tổ quốc các cấp luôn đổi mới đổi mới phương thức vận động và phát huy vai trò của các vị tiêu biểu, uy tín trong cộng đồng dân cư, các dân tộc, các tôn giáo, đã vận động nhân dân đoàn kết giữa các tôn giáo, giữa những người theo tôn giáo và những người không theo tôn giáo; tôn trọng truyền thống văn hóa tốt đẹp, chủ động tiếp xúc, đối thoại và chia sẻ hiểu biết; chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc. Lắng nghe và kịp thời phản ảnh với cấp ủy, chính quyền quan tâm giải quyết những đề xuất, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc, tôn giáo. Việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư nhân kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11) hàng năm đã trở thành nền nếp, là ngày sinh hoạt, gặp gỡ truyền thống của Nhân dân ở khu dân cư với điều kiện phù hợp. Ngày hội đã ôn lại truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và biểu dương hộ gia đình văn hóa, tặng quà hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, qua đó khơi dậy truyền thống đoàn kết, thương yêu ở cộng đồng dân cư, thắt chặt mối quan hệ giữa lãnh đạo các cấp, cán bộ, đảng viên ở khu dân cư với nhân dân ngày càng hiểu biết, thân thiết và gắn bó hơn, hàng năm 89/89 khu dân cư trong huyện đều tổ chức được Ngày hội.
Năm 2020, huyện Dầu Tiếng có 10/11 xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới, đạt tỷ lệ 90,91%; xã Thanh An đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 04/11 xã, gồm: xã Long Hòa, Thanh Tuyền, Định Thành và Định Hiệp đã thực hiện hoàn thành 19/19 Tiêu chí nông thôn mới nâng cao với 43/43 Chỉ tiêu theo quy định tại Quyết định số 1925/QĐ-UBND ngày 16/7/2018 của UBND tỉnh Bình Dương về việc ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020, hiện đang trình UBND tỉnh xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 06/11 xã nông thôn mới còn lại, gồm: Xã Long Tân, An Lập, Minh Hòa, Minh Thạnh, Minh Tân và Định An, đến nay mỗi xã cũng đã đạt từ 16 tiêu chí trở lên theo Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao của UBND tỉnh.
Trong những năm qua, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã phát triển rất mạnh, rộng lớn, có tác động thiết thực đối với xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hoá; phong trào xây dựng cơ quan văn hoá, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; phong trào học tập, lao động sáng tạo; xây dựng các gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến phong trào toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại,... đã được các địa phương ở cơ sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm thực hiện, qua đó có tác dụng to lớn đối với việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh tạo nền tảng tư tưởng vững chắc. Đây là những nội dung quan trọng tạo sự đồng thuận của xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện các cuộc vận động, với điểm nhấn là thực hiện thành công xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Minh Tùng
Đánh giá bài viết:
-
Thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị (BĐD HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách tại xã Thanh Tuyền.
04:13 12-11-2024 -
Hội nghị lấy ý kiến cộng đồng khu dân cư thị trấn Dầu Tiếng.
08:56 29-10-2024 -
Hội nghị tuyên truyền tư vấn pháp luật về hôn nhân gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Minh Hòa.
08:45 30-07-2024 -
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Dầu Tiếng họp giao ban định kỳ với các Tổ chức Chính trị - xã hội (CT-XH) nhận ủy thác cho vay cấp huyện
03:20 15-10-2024 -
Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Dầu Tiếng họp đánh giá kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024;
03:17 14-10-2024