Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định phát triển công nghệ thông tin là một trong những giải pháp để hiện đại hóa nền hành chính và là công cụ quan trọng trong việc thực hiện cải cách hành chính.
Với mong muốn tạo nên sự công bằng, minh bạch và hiệu quả, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính còn được xác định là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước là một khâu quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính nhằm thiết lập một nền hành chính năng động, trách nhiệm, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay. Trên cơ sở đó, hình thành hệ thống thông tin điện tử, góp phần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Một Hội nghị của UBND huyện được tổ chức trực tuyến với các xã, thị trấn
Thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn 2016- 2020, huyện Dầu Tiếng đề ra các mục tiêu: 100% cơ quan huyện, xã - thị trấn thực hiện phần mềm quản lý văn bản 4 cấp; 100% UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai phần mềm một cửa điện tử tập trung; xây dựng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến các xã, thị trấn và thay thế các cuộc họp, hội nghị theo phương thức truyền thống bằng các cuộc họp, hội nghị trực tuyến để tiết kiệm chi phí tổ chức, thời gian và nhân lực,… Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước đã và đang được huyện triển khai thực hiện nghiêm túc và bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.
Đến nay, hạ tầng mạng nội bộ của UBND huyện được xây dựng đã kết nối đến tất cả các cơ quan, phòng ban. Hạ tầng mạng nội bộ của UBND các xã, thị trấn từng bước được chuẩn hóa, 12/12 xã, thị trấn đều có mạng nội bộ, 100% máy tính được kết nối vào mạng nội bộ. Song song đó, công tác bảo đảm an toàn thông tin được các cơ quan đơn vị duy trì ổn định. Hầu hết các cơ quan cấp huyện đã được trang bị các giải pháp an toàn thông tin và cử cán bộ theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn mã độc, cập nhật hệ điều hành windows, sao lưu dữ liệu dự phòng, phục hồi dữ liệu,... Tỷ lệ các cơ quan thực hiện kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản cấp huyện đến các xã, thị trấn đạt 100%. Có 32 cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện được triển khai phần mềm. Huyện đã có 200 dịch vụ công mức độ 3 và 156 dịch vụ công mức độ 4 được đăng ký. Phần mềm một cửa điện tử tập trung đã được triển khai cấp huyện và đang tiếp tục triển khai, đưa vào sử dụng cấp xã.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính, từ đầu năm đến nay huyện đã thường xuyên tổ chức các cuộc họp trực tuyến và triển khai thực hiện giải pháp Phòng họp không giấy tờ (E-Cabinet) và Ứng dụng giao việc tức thời - nhắc việc thông minh do VNPT Bình Dương cung cấp. Huyện đã tổ chức giải pháp Phòng họp không giấy tờ trên tất cả các cuộc họp của HĐND, UBND huyện; đồng thời tăng cường sử dụng văn bản điện tử qua phần mềm quản lý văn bản liên thông và sử dụng hộp thư điện tử công vụ trao đổi công việc giữa các cơ quan hành chính và cán bộ, công chức từ huyện đến các xã, thị trấn.
Việc ứng dụng chữ ký số cũng đã được tăng cường áp dụng tại các cơ quan, phòng ban huyện và UBND các xã, thị trấn. Đến nay, toàn huyện đã được cấp 85 chứng thư số cá nhân cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và chứng thư số cơ quan cho các ngành trực thuộc UBND huyện và UBND các xã, thị trấn. Đồng thời huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện ứng dụng chữ ký số khi ban hành văn bản điện tử trên môi trường mạng Internet.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần mang lại hiệu quả là ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính nhà nước, là sự tập trung quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các phòng, ban huyện làm gương trong việc triển khai thực hiện. Những kết quả đạt được về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện trong giai đoạn 2016- 2020 là nền tảng để huyện tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin những năm tiếp theo, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, tác dụng của việc ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông vào công việc và trong điều hành quản lý; trình độ, năng lực của một số lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và nhân dân chưa bắt kịp với tốc độ phát triển cao của công nghệ thông tin.
Vẫn còn một bộ phận cán bộ công chức chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin nên chưa tích cực thay đổi thói quen làm việc thủ công, chưa chủ động học tập và trau dồi nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác của mình; nguồn nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin chủ yếu là kiêm nhiệm nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện quản lý nhà nước tại địa phương.
Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đầu tư, bổ sung trang thiết bị công nghệ thông tin bị hỏng hoặc không phù hợp kỹ thuật; nâng cấp hệ thống mạng nội bộ tại các phòng, ban của huyện và UBND các xã, thị trấn phục vụ xây dựng chính quyền điện tử.
Bên cạnh đó, huyện sẽ hỗ trợ các cơ quan, phòng ban, UBND xã, thị trấn phần mềm quản lý văn bản, hệ thống mạng nội bộ toàn huyện, phần mềm một cửa điện tử tập trung, hộp thư công vụ; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh triển khai các điểm cầu hội nghị trực tuyến đến cấp xã; tăng cường thực hiện giải pháp họp không giấy tờ và ứng dụng giao việc tức thời - nhắc việc thông minh trong các cuộc họp HĐND, UBND huyện. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kịp thời việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm. Người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm về hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan, đơn vị mình.
Phan Vũ
Đánh giá bài viết:
-
UBND huyện Dầu Tiếng trao tặng nhà nhân ái trên địa bàn xã Minh Hòa
09:02 12-10-2024 -
Triển khai thực hiện thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID
08:58 12-10-2024 -
Bộ TTTT triển khai quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
08:55 12-10-2024 -
KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 - 19/8/2024) VÀ NGÀY QUỐC KHÁNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM (02/9/1945 - 02/9/2024)
01:45 13-09-2024 -
UBND huyện ban hành Kế hoạch truyền thông hoạt động cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn huyện năm 2024
03:55 24-05-2024