Hội nghị triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019; Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019; Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019.
Sáng ngày 02/3/2020, HĐND huyện tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019; Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019; Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019. Ông Nguyễn Công Danh, Phó Chủ tịch HĐND huyện dự và chủ trì hội nghị; dự hội nghị có ông Nguyễn Tầm Dương, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; ông Trịnh Đức Tài, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh; cùng dự có các đại biểu HĐND huyện; bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể huyện; lãnh đạo Đảng uỷ, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND các xã, thị trấn; lãnh đạo Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và đại diện Ban Giám hiệu các trường học trên địa bàn huyện.
Ông Nguyễn Công Danh, PCT.HĐND huyện: Phát biểu khai mạc hội nghị
Hội nghị đã nghe ông Nguyễn Tầm Dương, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh triển khai Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019; ông Trịnh Đức Tài, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019 và Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019:
Luật Đầu tư công năm 2019 (Luật) được Quốc hội khoá thông qua ngày 13/6/2019 gồm 6 chương, 101 điều. Luật quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật được áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Một số điểm mới nổi bật của Luật đầu tư công 2019:
Thứ nhất, thống nhất được định nghĩa về “vốn đầu tư công”. Theo đó, vốn đầu tư công quy định tại Luật này gồm: vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, Luật quy định việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, vừa đảm bảo thẩm quyền của các cơ quan Quốc hội, Hội đồng nhân dân, vừa tăng tính chủ động, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, xử lý được những tình huống phức tạp như dự án sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp ngân sách khác nhau. Đồng thời, thực hiện phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, trở thành một nội dung của thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Thứ ba, Luật dành riêng một Điều (Điều 5) quy định về đối tượng đầu tư công - vấn đề không được quy định tại Luật Đầu tư công 2014 trước đây. Cụ thể, có 06 đối tượng đầu tư công, gồm: Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội; đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy định; cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác.
Thứ tư, thay đổi thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công: Theo khoản 1 Điều 68 Luật Đầu tư công 2019, thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước đến hết ngày 31 tháng 01 năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau (trước đây là đến hết ngày 31 tháng 12). Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31 tháng 01 năm sau (trước đây chỉ quy định chung chung là đến năm sau). Trong trường hợp bất khả kháng, thời gian này có thể sẽ được kéo dài đến ngày 31 tháng 12 năm sau.
Thứ năm, tại Khoản 2 Điều 89 của Luật Đầu tư công 2019 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đứng đầu tổ chức quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 02 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp phải bảo đảm tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương đó. Đây là quy định mới được bổ sung vào Luật năm 2019 mà Luật năm 2014 không đề cập đến.
Thứ sáu, chỉ thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát trước sinh năm 2015: Vốn kế hoạch đầu tư công sẽ chỉ được bố trí để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 01/01/2015 - quy định này được nêu tại khoản 4 Điều 101 của Luật. Đồng thời, khoản 5 cũng chỉ rõ, đối với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 và năm 2020, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương được phép thực hiện và giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014, đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật năm 2018.
Thứ bảy, Luật quy định rõ về Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công. Hệ thống được xây dựng, triển khai thống nhất trên phạm vi cả nước phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư công, bao gồm việc tổng hợp, báo cáo, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; theo dõi, đánh giá chương trình, dự án đầu tư công; quản lý, lưu trữ, công khai dữ liệu theo quy định.
Luật quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức xây dựng, quản lý, triển khai Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai ứng dụng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công trong phạm vi quản lý. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội thông qua ngày 22/11/2019 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, trong đó có một số điểm mới như sau:
- Giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp, trong đó:
+ Hội đồng nhân dân tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 500.000 dân trở lên có tối đa 75 đại biểu (trước là 85 đại biểu). Tỉnh còn lại có từ 01 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; từ 01 triệu dân trở lên được bầu không quá 85 đại biểu (trước là 95 đại biểu).
+ Hội đồng nhân dân huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40.000 dân trở xuống được bầu 35 đại biểu; trên 40.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước là 40 đại biểu). Huyện còn lại có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; trên 80.000 dân được bầu tối đa 35 đại biểu (trước là 40 đại biểu).
- Hội đồng nhân dân xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 2.000 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu. Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 2.000 dân đến dưới 3.000 dân được bầu 19 đại biểu (trước là 20 đại biểu). Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có 3.000 dân được bầu 21 đại biểu; có trên 3.000 thì được bầu tối đa 30 đại biểu (trước là 35 đại biểu). Xã còn lại có từ 5.000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 5.000 dân được bầu tối đa 30 đại biểu (trước là 35 đại biểu).
- Tăng số lượng Phó Chủ tịch của xã loại II: Luật Sửa đổi cũng thay đổi cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong đó, cho phép xã loại II được có tối đa 02 Phó Chủ tịch xã (trước đây chỉ có 01 Phó Chủ tịch); Xã loại I vẫn có tối đa 02 Phó Chủ tịch xã và xã loại III vẫn chỉ có 01 Phó Chủ tịch xã như trước đây.
- Không còn khái niệm “họp bất thường”, ở cả Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, khái niệm “họp bất thường” đã được sửa đổi thành “họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất hoặc họp chuyên đề”.
Luật Giáo dục 2019 được Quốc hội đã thông qua ngày 14/6/2019, Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, có những điểm mới sau:
1. Học sinh THCS được miễn học phí theo lộ trình
Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Hiện nay, chỉ học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí.
Tại Điều 99 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, học phí được quy định như sau:
- Miễn học phí đối với học sinh tiểu học trường công lập; trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.
Ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trường tư thục được hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do HĐND cấp tỉnh quyết định.
- Trẻ em mầm non 5 tuổi không thuộc đối tượng nêu trên và học sinh THCS được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.
2. Trượt tốt nghiệp THPT được xác nhận hoàn thành chương trình
Đây là quy định hoàn toàn mới của Luật Giáo dục 2019, học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp nhưng không dự thi hoặc không đỗ tốt nghiệp thì được Hiệu trưởng nhà trường cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp khác.
Còn bằng tốt nghiệp THPT được cấp cho học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện được dự thi tốt nghiệp và đạt yêu cầu, được Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo cấp bằng. Như vậy, đã có sự phân biệt giữa công nhận hoàn thành chương trình THPT và bằng tốt nghiệp THPT.
3. Tốt nghiệp sư phạm không làm đúng ngành phải hoàn trả học phí
Theo khoản 4 Điều 99 Luật Giáo dục 2019, học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học thay vì không phải đóng học phí như hiện nay.
Đồng thời, nếu người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm tốt nghiệp không làm đúng ngành hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời gian hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo. Sinh viên sư phạm được tuyển sinh trước ngày 01/7/2020 - ngày Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực sẽ tiếp tục được áp dụng chính sách miễn học phí trước đây.
4. Giáo viên được đào tạo nâng trình độ chuẩn
5. Mỗi môn học được biên soạn nhiều loại sách giáo khoa
Sách giáo khoa thể hiện dưới dạng sách in, sách chữ nổi và sách điện tử. Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa. Đặc biệt điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Giáo dục năm 2019 khuyến khích xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.
Theo đó, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định sách giáo khoa. Hội đồng gồm: Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Trong đó, ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
6. Sinh viên cử tuyển được bố trí việc làm sau tốt nghiệp
Chế độ cử tuyển vào trung cấp, cao đẳng, đại học được áp dụng đối với học sinh:
Người dân tộc thiểu số rất ít người; Người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
Nhà nước sẽ có chính sách tạo nguồn cử tuyển bên cạnh đó tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học. Luật quy định, người học theo chế độ cử tuyển có trách nhiệm trở về làm việc tại địa phương nơi cử đi học, được xét tuyển và bố trí việc làm.
7. Ấn định 3 trường hợp công nhận văn bằng nước ngoài
Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận để sử dụng tại Việt Nam trong trường hợp sau đây:
- Văn bằng do cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài cấp cho người học sau khi hoàn thành chương trình giáo dục;
- Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cấp cho người học, được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của 02 nước cho phép mở phân hiệu, hợp tác, liên kết đào tạo;
- Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài hợp tác tại Việt Nam cấp, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định về hợp tác, đầu tư về giáo dục.
Việc công nhận văn bằng giáo dục nước ngoài do nước ngoài cấp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp,...
Minh Tùng
Đánh giá bài viết:
-
UBND huyện Dầu Tiếng họp thông qua Báo cáo chỉ đạo điều hành và tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng đầu năm 2023; phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023
02:27 12-10-2023 -
Huyện Dầu Tiếng triển khai một số nhiệm vụ cải cách hành chính trong thời gian tới
02:27 12-10-2023 -
Tổ chức diễn tập phương án Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) cho Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy trên địa bàn xã Thanh Tuyền
02:27 12-10-2023 -
Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ và diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân năm 2023
02:26 12-10-2023 -
Hội nghị Sơ kết công tác đảm bảo Trật tự An toàn giao thông (TT ATGT) Phòng chống tội phạm (PCTP) - Tệ nạn xã hội (TNXH) và Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBV ANTQ)
10:27 28-08-2023