Ngày 26/8/2021, UBND huyện Dầu Tiếng đã ban hành Công văn số 1739/UBND-VX về triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND của UBND tỉnh Bình Dương về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện, xã căn cứ tình hình thực tế của địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa quản lý. Kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo và phân cấp thực hiện, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Lấy xã, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sỹ", là trung tâm phục vụ, chủ thể phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch; đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng; Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.
Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg. Đối với địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội. Đối với địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội (15 phường thuộc các thành phố Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên), ngoài thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị 16/CT-TTg, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, "ai ở đâu ở đó", cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường... và phải bảo đảm các yêu cầu y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho nhân dân.
Bên cạnh đó, Người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân đứng đầu, phân công ứng trực 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận, xử lý, báo cáo theo thẩm quyền mọi vấn đề liên quan phòng, chống dịch trên địa bàn. Phải ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, tùy tình hình, cần quan tâm chỉ đạo phát triển các mặt kinh tế - xã hội và các công việc quan trọng khác trên nguyên tắc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch; Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể xã hội, tổ chức tôn giáo, các tổ chức khác và cộng đồng doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch, nhất là vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Song song đó, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cần nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất; phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, bám sát thực tiễn, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe; khi thực hiện cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình, đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, yêu cầu các ban ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn khẩn trương khắc phục các hạn chế, yếu kém, tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm hơn, hiệu quả hơn các giải pháp; Giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh; phải thực hiện nghiêm, thực chất, kịp thời việc cách ly nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, không để “chặt ngoài lỏng trong”. Phải tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể. Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế; đặc biệt hoàn thành việc lấy mẫu, xét nghiệm đối với các phường “vùng đỏ đậm đặc” để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan. Xây dựng kế hoạch và tổ chức xét nghiệm hiệu quả để “xanh hóa” các địa bàn và bảo vệ “vùng xanh”; Công tác điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu, cần chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị người bệnh và người nhiễm Covid-19, bảo đảm đủ oxy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế; thực hiện theo dõi y tế tại các khu cách ly tập trung tạm thời, điều trị theo đúng phác đồ của ngành Y tế ngay từ cơ sở điều trị tầng 1, hạn chế tối đa bệnh nhân diễn biến nặng, phải chuyển lên tầng điều trị cao hơn.
Cùng với đó, tổ chức huy động, tập huấn và phân bổ nhân lực cần thiết cho các địa phương có số ca nhiễm lớn, nhiều bệnh nhân nặng; Huy động nguồn lực, nhân lực, cơ sở vật chất y tế của nhà nước, doanh nghiệp, tư nhân cho công tác điều trị; bảo đảm việc phân loại, điều phối, chuyển tuyến kịp thời để điều trị tất cả bệnh nhân, đặc biệt đối với bệnh nhân có diễn biến nặng; khẩn trương thiết lập các trạm y tế lưu động (xe cấp cứu có trang bị ô xy, được trang bị các túi thuốc, bình oxy, máy đo SpO2, dụng cụ xét nghiệm nhanh,…) tại các địa phương, trước mắt bố trí ngay tại các phường tăng cường giãn cách xã hội…
Ngoài ra, tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, phải bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, người già, phụ nữ và trẻ em, nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, hoạt động thiện nguyện, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ các đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt là lao động không có giao kết hợp đồng lao động; hoàn thành các gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ (300.000 đồng), hỗ trợ lương thực, thực phẩm (500.000 đồng) đến tay người dân trước ngày 28/08/2021; tập trung thực hiện gói hỗ trợ gạo, lương thực thực phẩm cho người dân các phường tăng cường giãn cách xã hội kịp thời, đúng tiến độ.
Đồng thời, tổ chức tiêm chủng miễn phí, an toàn, kịp thời, hiệu quả, không phân biệt các loại vắc xin; không tổ chức tiêm dịch vụ có thu tiền. Tổ chức các hình thức tiêm vắc xin phù hợp với các khu cách ly, phong tỏa với thời gian linh hoạt, đảm bảo kịp thời, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và bảo đảm các quy định về an toàn phòng, chống dịch; Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tại khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất khác ... Tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giam, giữ, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội. Bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng; xử lý nghiêm các hành vi đưa tin, chia sẻ thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng không tốt đến công tác phòng, chống dịch.
Tăng cường công tác truyền thông, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác, chủ động cung cấp thông tin thường xuyên cho người dân về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch. Chú ý lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người dân, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài 1022, các đường dây nóng và đội phản ứng nhanh các cấp; kịp thời hướng dẫn, cổ vũ, động viên để Nhân dân biết, hiểu, đồng cảm, tin tưởng và tự giác thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch; kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc.
Bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch; bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp; xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất.
Duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân và căn cứ tình hình thực tế, hướng dẫn, tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn theo các hướng dẫn; thường xuyên gặp gỡ, tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp tại địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp./.
Anh Xê Ka
Đánh giá bài viết:
-
UBND huyện Dầu Tiếng triển khai lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại bán đảo Tha La, hồ Dầu Tiếng
02:03 22-11-2024 -
UBND huyện Dầu Tiếng triển khai lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí Cánh đồng Cây Siu
01:23 22-11-2024 -
Thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị (BĐD HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách tại xã Thanh Tuyền.
04:13 12-11-2024 -
Hội nghị lấy ý kiến cộng đồng khu dân cư thị trấn Dầu Tiếng.
08:56 29-10-2024 -
Hội nghị tuyên truyền tư vấn pháp luật về hôn nhân gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Minh Hòa.
08:45 30-07-2024