Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể phát triển thành dịch do virus dengue gây ra với 4 tuýp được ký hiệu là D1, D2, D3, D4.
Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp nên người dân mắc bệnh sốt xuất huyết rồi vẫn có thể mắc tiếp các tuýp khác. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng dịch thường xảy ra vào các tháng 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 (vào mùa mưa).Bệnh lây lan chủ yếu do muỗi vằn Aedes aegypti đốt người bệnh sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Do đó, cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt và giữ vệ sinh nhà ở cũng như môi trường xung quanh.
1. Tình hình dịch bệnh
Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát trên phạm vi cả nước và được cho là đến sớm hơn thường kỳ ở rất nhiều địa phương. Nguyên nhân bùng phát dịch bệnh là do điều kiện thời tiết chuyển mùa, mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình cao hơn năm trước, mưa nhiều chính là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của muỗi vằn- trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh. Bệnh sốt xuất huyết tại Bình Dương đang diễn biến phức tạp và gia tăng nhanh. Trong thời gian qua, số ca mắc sốt xuất huyết đến trong 7 tháng đầu năm 2019 là 3.452 ca (so với cùng kỳ năm 2018 tăng 6.8%), trong đó có 01 ca tử vong. Địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh là thị xã Thuận An (768 ca), thị xã Dĩ An (637 ca), thành phố Thủ Dầu Một (514 ca), thị xã Tân Uyên (492 ca), thị xã Bến Cát (465 ca, trong đó có 01 ca tử vong).
Ở huyện Dầu Tiếng số người mắc sốt xuất huyết trong 7 tháng đầu năm là 242 ca, công tác giám sát các ca bệnh sốt xuất huyết được thực hiện thường xuyên. Đã phát hiện và xử lý được 72 ổ dịch sốt xuất huyết tại các xã thị trấn, tất cả các ca bệnh đều được quản lý chặt chẽ từ tuyến ấp, xã, thị trấn, huyện.
2. Trung gian truyền bệnh
Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là muỗi Aedes aegypti. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối. Nơi sinh sống chủ yếu của muỗi vằn là trong nhà, gần người, trú đậu ở nơi có ánh sáng yếu, thường là các góc, xó tối, trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Chúng đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, giếng nước, hốc cây...; các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát kê chân cạn, lốp xe, vỏ dừa,…. Đặc biệt, không đẻ trứng ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối.
Muỗi vằn Aedes aegypti là có màu nâu, đen; chân, thân, bụng có khoang đen trắng rõ rệt. Đặc biệt, vùng ngực có các vảy trắng xếp thành hàng, trên lưng có hình chiếc đàn hai dây màu trắng.
Đặc điểm nhận biết muỗi vằn
3. Cách phòng bệnh
Hàng năm, các đơn vị y tế đều tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường để phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết, tuy nhiên nhiều người dân chưa hiểu được mục đích và ý nghĩa của chiến dịch này. Để phòng tránh bệnh Sốt xuất huyết, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất loại bỏ vật trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes, chiến dịch vệ sinh môi trường để người dân tham gia diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy quanh khu vực mình sinh sống.
Để thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết mỗi người dân cần chung tay thực hiện các công việc sau:
* Loại bỏ nơi sinh sản, trú đậu của muỗi, diệt lăng quăng
- Xử lý dụng cụ chứa nước:
+ Tất cả các dụng cụ chứa nước sinh hoạt (chum vại, bể nước mưa, cây cảnh,..): dùng các biện pháp ngăn ngừa muỗi sinh đẻ như súc rửa, đập nắp thật kín, thả cá, phá hủy,..
+ Lật úp các dụng cụ gia đình như xô, chậu, bát, máng nước gia cầm.
- Loại trừ ổ lăng quăng/ bọ gậy khi phát hiện: đối với bẫy kiến (chén kê chân chạn bảo quản thức ăn), lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh hoặc điều hòa nhiệt độ}: dùng dầu hoặc cho muối vào, thay nước 01 lần/ tuần, cọ rửa thành dụng cụ chứa nước để diệt trứng muỗi vằn.
- Thu dọn, phá hủy các ổ chứa nước tự nhiên hoặc nhân tạo (chai, lu, lọ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa,..) cho vào túi rồi chuyển tới nơi thu gom phế thải của địa phương hoặc hủy bỏ bằng chôn đốt.
- Các hốc chứa nước tự nhiên (hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa...): loại bỏ, lấp kín, chọc thủng hoặc làm biến đổi.
- Huy động cộng đồng tham gia vệ sinh môi trường công cộng, kể cả tại các vườn nhà dân vắng chủ, bãi đất trống bỏ hoang, các nơi vứt bỏ sản phẩm bị hư hỏng ở xung quanh khu vực các cơ sở sản xuất thủ công, hay lò gốm...
- Sử dụng hóa chất diệt ấu trùng muỗi tại cá ổ đọng nước như các hố ga ngăn mùi, bể cảnh, lọ hoa....
Biện pháp loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng
* Phòng chống muỗi đốt:
- Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, không treo quần áo trên tường để giảm bớt chỗ cư ngụ của muỗi.
- Mặc quần dài, áo dài tay đặc biệt khi làm vườn vào sáng sớm và chiều tối. Ngủ màn kể cả ban ngày.
- Làm rèm che cửa để hạn chế muỗi xâm nhập vào nhà.
- Sử dụng các loại thuốc bôi chống muỗi hoặc dùng hương trừ muỗi trong những giờ muỗi thường đốt người nhất (sáng sớm và chiều tối). Dùng bình xịt muỗi loại nhỏ, phun hóa chất diệt muỗi tại nhà.
Ngủ màn kể cả ban ngày
* Phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch
Để đảm bảo công tác phun thuốc diệt muỗi có hiệu quả, cộng đồng dân cư nên tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch, đồng thời thực hiện công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bộ gậy cùng một lúc để tiêu diệt triệt để ổ muỗi tại khu dân cư. Nếu hộ gia đình chỉ phun thuốc diệt muỗi một diện tích trong nhà mà không phun hết, hoặc trong cùng một khu vực mà có hộ phun thuốc, có hộ không phun thuốc thì vẫn có thể xảy ra trường hợp đàn muỗi bay từ nhà này sang nhà khác, khiến việc phun thuốc diệt muỗi kém hiệu quả.
* Một số lưu ý khi phun hóa chất diệt muỗi
- Người dân trong khu vực phun hóa chất khi được thông báo về ngày phun, giờ phun phải che đậy thức ăn, nước uống; di chuyển vật nuôi đến nơi an toàn; tắt lửa; che đậy hoặc di chuyển bể cá; di chuyển, che đậy các vật dễ cháy... đảm bảo không có người và vật nuôi (chó mèo, chim cảnh...) trong nhà trước và trong khi phun hóa chất. Không phun nhà có nuôi ong mật.
- Trước khi phun phải đóng tất cả các cửa sổ và lỗ thông hơi, sau khi phun xong đóng cửa chính và để trong vòng 45 phút). Sau 45 phút, mở tất cả các cửa, bật quạt để thông khí, sau đó mới vào trong nhà. Với một số người có cơ địa nhạy cảm, nếu bị dính thuốc trên người thì cần phải rửa sạch, nặng hơn thì phải đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị.
Phun hóa chất diệt muỗi là biện pháp tức thời diệt muỗi trưởng thành tại thời điểm phun mà không diệt được các ổ loăng quăng, bọ gậy ở xung quanh nhà. Chính vì thế nếu như chỉ phun hóa chất diệt muỗi mà không đi kèm với việc vệ sinh môi trường, loại bỏ các ổ bọ gậy thì chỉ sau khi phun vài ngày, muỗi sinh ra từ các ổ bọ gậy đó sẽ lại xuất hiện và bay vào nhà. Vì vậy, biện pháp phòng chống bệnh Sốt xuất huyết hiệu quả và bền vững nhất đó là loại bỏ nơi đẻ trứng của muỗi truyền bệnh bằng cách thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường.
Cẩm Tú
Đánh giá bài viết:
-
UBND huyện Dầu Tiếng trao tặng nhà nhân ái trên địa bàn xã Minh Hòa
09:02 12-10-2024 -
Triển khai thực hiện thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID
08:58 12-10-2024 -
Bộ TTTT triển khai quy định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
08:55 12-10-2024 -
KỶ NIỆM 79 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 - 19/8/2024) VÀ NGÀY QUỐC KHÁNH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM (02/9/1945 - 02/9/2024)
01:45 13-09-2024 -
UBND huyện ban hành Kế hoạch truyền thông hoạt động cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn huyện năm 2024
03:55 24-05-2024