Huyện Dầu Tiếng: Tiếp đoàn khảo sát phối hợp tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ

19/06/2020    Lượt xem: 1141    In bài viết   Độ tương phản  

Ngày 11/6/2020, đoàn khảo sát phối hợp tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ gồm lãnh đạo Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương và đại diện các doanh nghiệp du lịch hàng đầu của thành phố Hồ Chí Minh, gồm: Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, Công ty Du lịch Bến Thành, Công ty Du lịch Hoà Bình, Công ty Viettravel, Lữ hành Fiditour, Công ty Du lịch Lửa Việt, Công ty Du lịch Đất Việt, Công ty Du lịch TST đã đến khảo sát các điểm tham qua du lịch trên địa bàn huyện Dầu Tiếng là làm việc với huyện Dầu Tiếng về hoạt động xúc tiến du lịch, xây dựng điểm đến du lịch.

Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại Khu Di tích lịch sử rừng Kiến An, Khu Di tích Vườn cao su thời Pháp thuộc, Khu du lịch Đọt-Champa, các điểm tham quan tại quần thể Di tích - danh thắng núi Cậu - hồ Dầu Tiếng. Tại mỗi điểm đến, đoàn được giới thiệu về lịch sử, văn hoá, các sản phẩm du lịch, các dịch vụ phục vụ khách tham quan.

Đoàn khảo sát hội thảo tại huyện

Tại buổi hội thảo với lãnh đạo huyện, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện đã giới thiệu với đoàn khái quát về  lịch sử, văn hoá của địa phương, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của huyện. Xác định phát huy tiềm năng, lợi thế về Du lịch của Dầu Tiếng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế của huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Đoàn khảo sát tại Khu di tích lịch sử rừng Kiến An

Từ năm 2016, huyện Dầu Tiếng đã ban hành Chương trình và Kế hoạch phát triển Du lịch giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trong những năm qua, nhờ lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử đã thu hút người dân và du khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch, các lễ hội như: Khu Du lịch sinh thái núi Cậu (tham quan viếng chùa Thái Sơn, dã ngoại tại suối Trúc, lòng hồ Dầu Tiếng), Khu Du lịch sinh thái Đọt-Champa (xã Định An); tham quan Lễ hội Miếu Bà Thiên Hậu (thị trấn Dầu Tiếng); tham quan Lễ hội kỳ Yên và kỳ Bông tại các Đình thần; tham quan các Di tích cấp Tỉnh: Di tích lịch sử Rừng Kiến An (xã An Lập); Di tích vườn cây cao su thời Pháp thuộc (xã Định Hiệp); Di tích máy bay B52 của Mỹ ném bom lần đầu tiên ở Việt Nam (xã Long Tân) và Di tích cấp Quốc gia Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh (xã Minh Tân),....

Đoàn khảo sát tại Khu di tích Vườn cao su thời Pháp thuộc

Các hoạt động thể thao truyền thống được tổ chức hàng năm (Giải đua Thuyền mừng Tết Nguyên Đán, Giải việt dã leo núi Cậu chào mừng ngày giải phóng Dầu Tiếng 13/3...). Ngoài ra, Dầu Tiếng còn có nhiều trang trại chăn nuôi thú hoang dã, chim Yến, trồng nấm, hoa Lan, vườn cây ăn trái là những điểm đến hấp dẫn thu hút du khách tham quan. Đặc biệt là tham quan vườn cây trái tại xã Thanh An, Thanh Tuyền (sản phẩm Măng cụt Dầu Tiếng được chứng nhận nhãn hiệu tập thể - sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP) và thu hút khách tham quan dã ngoại tại suối Trúc, hồ Dầu Tiếng. Lượng du khách đến với Dầu Tiếng đều tăng lên hàng năm, số liệu thống kê năm 2015 là trên 300.000 lượt, đến năm 2019 đạt trên 550.000 lượt.

Đoàn khảo sát tại Khu du lịch Đọt - Champa

Bên cạnh những tiềm năng và lợi thế nêu trên, du lịch Dầu Tiếng vẫn còn một số tồn tại, bất cập: Phát triển du lịch chưa được khai thác hiệu quả, chủ yếu theo hướng tự phát nên chưa có sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách.Việc khai thác lợi thế về phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch chưa mang tính chuyên nghiệp. Các dự án đầu tư vào du lịch chậm triển khai; chưa liên kết hình thành được các tuyến, tour du lịch với các điểm du lịch khác. Hệ thống các cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn chưa đạt chuẩn và đáp ứng yêu cầu lưu trú dài ngày và phục vụ lượng khách lớn. Vì vậy, trong thời gian tới, cần kêu gọi sự đầu tư của các thành phần kinh tế để thu hút khách du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đoàn khảo sát tại chùa Thái Sơn, núi Cậu

Tại buổi hội thảo, các công ty lữ hành, du lịch đã góp ý cho huyện và các điểm tham quan cần xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù, nhằm vào phục vụ cho từng đối tượng du khách; chú ý đến liên kết các điểm đến theo tour; có phương pháp quảng bá phù hợp; các điểm đến cần chú ý thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nơi vệ sinh cho khách,...Kiến nghị cần có cơ chế ưu đãi để các công ty lữ hành, du lịch giới thiệu, liên kết tour.

Sau đợt khảo sát, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hốp hợp tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh vào ngày 26/6/2020. Đây hứa hẹn sẽ tạo điều kiện cho các điểm đến tham quan trong huyện Dầu Tiếng được các công ty lữ hành, du lịch quan tâm đưa vào các điểm đến trong các tour du lịch của các công ty.                                                                  

Minh Tùng

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 1729
Tuần này: 19480
Tháng này: 53184
Tổng truy cập: 3511221