Huyện Dầu Tiếng chú trọng phát triển các mô hình kinh tế tập thể nông nghiệp

01/06/2020    Lượt xem: 1272    In bài viết   Độ tương phản  

Kết quả bước đầu cho thấy, các mô hình này đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong định hướng phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn huyện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  

Hiện nay, trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có 21 hợp tác xã và 10 tổ hợp tác chăn nuôi, dịch vụ và trồng trọt. Các tổ hợp tác đều hoạt động theo quy định của pháp luật, trong đó có nhiều tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm và thu nhập cao cho người lao động.

Trong số các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có thể kể đến Quỹ tín dụng nhân dân Thanh Tuyền, thời gian qua, quỹ này là nơi để các tổ chức, hộ cá thể ở các xã Thanh Tuyền, Thanh An, An lập, Long Tân của huyện Dầu Tiếng và xã An Tây của thị xã Bến Cát vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đồng thời đã thành lập được Phòng Giao dịch An Lập (ấp Phú Bình, xã An Lập). Đến nay, Quỹ tín dụng nhân dân Thanh Tuyền thu hút trên dưới 3.700 thành viên, số dư tiền gửi hàng năm đạt trên 200 tỉ đồng, dư nợ cho vay trên 140 tỉ đồng. Trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán chuyển tiền nhanh trong nước, quỹ đã và đang được người dân trên địa bàn đánh giá cao vì hỗ trợ người dân nhanh chóng, thuận lợi. Hiện quỹ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, nhất là các đối tượng chính sách, hộ nghèo,…

Hợp tác xã bò sữa Long Tân (xã Long Tân) cũng là một điển hình, hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới. Năm 2010, Tổ hợp tác bò sữa Long Tân được thành lập gồm 9 thành viên; đến tháng 8/2013 tổ hợp tác làm hồ sơ nâng lên thành hợp tác xã. Đến nay, hợp tác xã có gần 100 xã viên, chăn nuôi hơn 1.400 con bò sữa. Nhờ bảo đảm tốt quy trình sản xuất chăn nuôi, bảo đảm đầu ra sản phẩm với giá cả ổn định, hầu hết xã viên rất yên tâm và phấn khởi.

Với đặc thù là một huyện mà kinh tế nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo thì việc phát triển kinh tế tập thể cũng dựa trên thế mạnh này. Trên địa bàn huyện đã phát triển các loại hình hợp tác xã sản xuất nông nông nghiệp, mỗi hợp tác xã có trên 70 xã viên  như: Hợp tác xã Lộc Phát, hợp tác xã nông nghiệp Dịch vụ - Thương mại Minh Hòa Phát, hợp tác xã thu mua mủ cao su Định Hiệp,...  Đây là những hợp tác xã được thành lập trong năm 2017 nhưng với quy mô và tính khả thi thì trong tương lai gần sẽ là những hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Trong thời gian qua, các hợp tác xã trên địa bàn huyện luôn được các cấp, các ngành trong huyện quan tâm, hỗ trợ giống, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, các hợp tác xã phát triển ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương, thu nhập bình quân người lao động từ 3 - 6 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, các tổ hợp tác trên địa bàn huyện cũng hoạt động khá hiệu quả, như tổ hợp tác chăn nuôi Bò sinh sản (ấp Núi Đất, xã Định Thành), tổ hợp tác chăn nuôi Bồ câu (xã Định An),… Đây là những tổ hợp tác mà sản phẩm làm ra đều được tiêu thụ tốt ngoài thị trường, đồng thời còn tạo thu nhập ổn định cho người lao động.

Trại chăn nuôi bồ câu của tổ Hợp tác xã chăn nuôi Bồ câu Như Thảo (xã Định An)

Các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện được thành lập đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và là nguyện vọng chính đáng của bà con nông dân và người lao động. Những người tham gia góp vốn đều tự nguyện, tự chủ trong nguồn vốn và hoạt động kinh doanh, có xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh cụ thể, rõ ràng, đáp ứng được yêu cầu thực tế của người dân địa phương. Trong đó, có nhiều mô hình đem lại lợi ích cho người lao động, giúp giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho các thành viên, giảm chi phí sản xuất. Những mô hình hoạt động hiệu quả, là bước đệm để tổ hợp tác dần chuyển sang hợp tác xã, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn hợp tác xã hoạt động không hiệu quả, trình độ năng lực của các thành viên quản lý hợp tác xã còn thấp, nhiều nơi thành viên tham gia chỉ mang tính hình thức,... Những mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động không còn hiệu quả, Ban Chỉ đạo kinh tế tập thể huyện sẽ vận động tự nguyện giải thể.

Trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới có 19 tiêu chí được đặt ra để các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, trong đó có 1 tiêu chí là phải xây dựng tổ hợp tác, hoặc hợp tác xã sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở huyện Dầu Tiếng thời gian qua cho thấy, các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác tại địa bàn các xã đã có những đóng góp tích cực, không chỉ nâng cao thu nhập cho nông dân và còn là một yếu tố và động lực cơ bản góp phần tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển hợp tác xã trên địa bàn huyện đến năm 2020, trong đó xác định đưa kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, chiếm vị trí quan trọng trong các thành phần kinh tế của huyện nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và nhu cầu thị trường, có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; hướng tới đưa sản xuất nông nghiệp, dịch vụ theo quy mô lớn, phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Dầu Tiếng cũng gặp những khó khăn nhất định. Do đó, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, Ban chỉ đạo kinh tế tập thể huyện tiếp tục quan tâm hơn nữa về phát triển kinh tế tập thể; tập trung tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, Luật thuế Doanh nghiệp, các văn bản pháp luật liên quan; tuyên truyền những lợi ích của kinh tế tập thể để người dân hiểu và nắm bắt lợi ích cụ thể khi tham gia kinh tế hợp tác, tạo điều kiện phát triển thêm hợp tác xã, tổ hợp tác phù hợp với môi trường, gắn với nông nghiệp đô thị; phối hợp hỗ trợ tín dụng giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác duy trì, phát triển sản xuất ngày càng hiệu quả.

Bên cạnh đó, tiếp tục vận động, huy động những nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế khác đầu tư vào hợp tác xã; đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh trên thị trường,… Tiếp tục quan tâm đến định hướng phát triển kinh tế tập thể ở địa phương; sâu sát đồng hành cùng các hợp tác xã, tổ hợp tác bằng những chính sách thiết thực, cụ thể.

Các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn huyện đã và đang phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Có đóng góp khá quan trọng đối với sản xuất, đời sống của người dân, giúp nhau vay vốn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và nâng cao đời sống, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện tốt việc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở.

Minh Tùng

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 1046
Tuần này: 19480
Tháng này: 52501
Tổng truy cập: 3510538