Hội nghị sơ kết thực hiện Kế hoạch phát triển Du lịch huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2016-2020 và phương hướng, giải pháp thực hiện đến năm 2025

28/02/2020    Lượt xem: 1112    In bài viết   Độ tương phản  

Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phát triển Du lịch huyện giai đoạn 2016 - 2020; lãnh đạo UBND các xã, thị trấn.

Hội nghị đã nghe báo cáo sơ kết thực hiện Kế hoạch phát triển Du lịch huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2016-2020 và phương hướng, giải pháp thực hiện đến năm 2025.

Thực hiện chương trình của Huyện ủy và Kế hoạch của UBND về phát triển Du lịch huyện Dầu Tiếng giai đoạn 2016-2020, hàng năm, Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch huyện ban hành kế hoạch phát triển du lịch năm và triển khai đến các ban ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn trong huyện. Các ban ngành, đoàn thể huyện và các xã, thị trấn căn cứ nội dung kế hoạch, đều triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch hàng năm. Đến nay, huyện đã xây dựng, hình thành 02 tour du lịch với các điểm tham quan trên địa bàn huyện và phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bình Dương giới thiệu với các công ty lữ hành để đưa khách đến tham quan. Khảo sát, chọn các chủ nhà vườn tại xã Thanh Tuyền, Thanh An hình thành các điểm tham quan vườn cây ăn trái gồm những hộ trồng Măng cụt được công nhận tiêu chuẩn VietGAP; tổ chức lớp tập huấn đào tạo kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng cho 50 hộ nông dân vùng du lịch sinh thái xã Thanh Tuyền; phối hợp mở 02 lớp đào tạo, bồi dưỡng thuyết minh viên cho các điểm tham quan Di tích, điểm du lịch trên địa bàn huyện, có 22 lượt công chức, viên chức tham gia. Duy trì tổ chức giải đua thuyền truyền thống huyện tại chân cầu Bến Súc vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm nhằm xây dựng sản phẩm du lịch thu hút du khách đến xem, tham quan; duy trì, phát triển các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử - Cải lương trên địa bàn huyện, gắn sinh hoạt, hoạt động của các câu lạc bộ với các điểm tham quan, các tour du lịch để giao lưu và phục vụ du khách.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND phát biểu tại hội nghị

Các đơn vị Viễn thông thực hiện tốt các phương án phủ sóng điện thoại đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông tại khu vực chùa Thái Sơn- núi Cậu và Khu du lịch Đọt – Champa, nhất là trong các dịp lễ hội; mời gọi các chủ nhà nghỉ xây dựng, nâng cấp các nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 2 sao (kèm với các dịch vụ vui chơi, giải trí) phục vụ khách du lịch.

Tuyên truyền, giới thiệu các danh lam, thắng cảnh, các Di tích lịch sử - văn hóa và các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch của huyện trên Đài Truyền hình VTV, VTC, Báo Bình Dương và Website huyện để thu hút du khách đến với Dầu Tiếng; xây dựng 02 pano quảng bá các vườn cây ăn trái tại xã Thanh Tuyền. Biên soạn nội dung, in phát hành 1.600 “Ấn phẩm Du lịch Dầu Tiếng” giới thiệu các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn huyện; xây dựng đoạn video giới thiệu, quảng bá du lịch Dầu Tiếng tuyên truyền trên Website huyện và Website Du lịch Bình Dương.Tham gia 02 lần Liên hoan “Ẩm thực đường phố” do Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tổ chức, giới thiệu các món ăn, sản phẩm đặc sản của địa phương.

Khách đến tham quan chùa Thái Sơn, núi Cậu

Qua đánh giá, các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển du lịch hàng năm đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra, hàng năm lượng du khách đến với Dầu Tiếng đều tăng (năm 2017: 405.000 lượt khách; năm 2019: 615.000 lượt khách); doanh thu từ hoạt động du lịch cũng tăng hàng năm (năm 2017: 6,4 tỉ đồng; năm 2019: 10,6 tỉ đồng). Hoạt động du lịch của Dầu Tiếng chủ yếu thu hút du khách đến tham quan các Lễ hội tại chùa Thái Sơn (xã Định Thành) trong tháng Giêng, Lễ vía Cậu (07/5 Âm lịch) và các hoạt động tín ngưỡng tại chùa Thái Sơn vào ngày 15 và 16 Âm lịch hàng tháng; khách đến tham quan dã ngoại thường xuyên tại Khu Du lịch sinh thái núi Cậu- chùa Thái Sơn- suối Trúc; khách đến Lễ hội Hoa đăng và rước Kiệu Bà của Miếu bà Thiên Hậu (thị trấn Dầu Tiếng); Lễ hội kỳ Yên, kỳ Bông tại các Đình thần; hoạt động tại Khu du lịch Đọt - Champa; các đoàn khách đến tham quan các vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện và các đoàn khách là đoàn viên, hội viên các đoàn thể, học sinh đến tham quan, tìm hiểu, học tập và sinh hoạt tại các khu di tích trên địa bàn huyện.

Trong giai đoạn 2020-2025, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực từ ngân sách và nguồn lực xã hội xã hội hóa để đầu tư xây dựng các khu du lịch trên địa bàn huyện. Xác định các tour, tuyến du lịch, kết nối với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Tập trung đầu tư phát triển du lịch tại Khu Du lịch sinh thái núi Cậu - hồ Dầu Tiếng; các điểm vườn cây ăn trái xã Thanh Tuyền, Thanh An; các trang trại chăn nuôi tạo ra sản phẩm phục vụ khách du lịch; các Di tích lịch sử văn hóa, cách mạng trên địa bàn huyện. Phấn đấu đến năm 2025 phục vụ trên 1 triệu lượt khách/năm; tổng doanh thu từ du lịch đạt 10-15 tỉ đồng, tạo việc làm cho trên 700 người.

Kết nối các khu, điểm du lịch giữa các địa phương trong khu vực như: Địa đạo Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh), núi Bà Đen (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh), Khu Địa đạo Tam giác sắt (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) với các điểm tham quan du lịch trong huyện; xây dựng các định sản phẩm du lịch với những nét riêng, không trùng lặp với các địa phương khác. Xây dựng các tour, tuyến du lịch bao gồm cả đường bộ và đường thủy, kết nối tuyến du lịch liên tỉnh, nhằm thu hút du khách lưu lại lâu hơn. Tuyên truyền, tạo sự chuyển biến nhận thức về vai trò của du lịch, để phát huy nội lực, khai thác ngoại lực; vận động nhân dân và các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng làm du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa phát triển các loại hình du lịch,…

Phan Vũ

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 294
Tuần này: 17740
Tháng này: 49715
Tổng truy cập: 3507752