Huyện Dầu Tiếng: Tăng cường triển khai các chương trình tín dụng chính sách, nguồn vốn địa phương

13/11/2019    Lượt xem: 785    In bài viết   Độ tương phản  

Cùng với sự phát triển kinh tế của địa phương, đời sống của đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác đã được cải thiện rõ rệt, nhưng nhiều hộ vẫn còn khó khăn. Để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thật sự vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế một cách bền vững thì vẫn cần có kế hoạch hỗ trợ về vốn tín dụng chính sách, về phương án, kỹ thuật sản xuất cũng như định hướng phát triển ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của địa phương.

Qua đánh giá, việc triển khai, thực hiện vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Dầu Tiếng trong những năm qua đã giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước, góp phần ngăn chặn tệ nạn tín dụng cho vay nặng lãi ở nông thôn, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương; thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội; đồng thời giúp phát triển hội viên các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần tích cực trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Hiện nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Dầu Tiếng thực hiện cho vay 09 Chương trình tín dụng chính sách, dư nợ cho vay đến đầu tháng 8/2019 đạt trên 322,1 tỉ đồng với 13.015 khách hàng vay, tương đương 39% tổng số hộ dân trong toàn huyện. Thực hiện uỷ thác thông qua 04 tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên với 296 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động với các chương trình cho vay: Cho vay hộ nghèo, dư nợ trên 2,5 tỉ đồng, bình quân 19,9 triệu đồng/khách hàng; Cho vay hộ cận nghèo, dư nợ trên 36,4 tỉ đồng, bình quân 26,5 triệu đồng/khách hàng; Cho vay hộ mới thoát nghèo (thực hiện trong năm 2016), dư nợ trên 1,55 tỉ đồng, với mục đích giúp các hộ mới thoát nghèo có vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh, bảo đảm thoát nghèo bền vững và chống tái nghèo; Cho vay giải quyết việc làm dư nợ trên 128,5 tỉ đồng, vốn giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng giúp cho 5.156 lao động có việc làm, tăng thu nhập, phát triển các ngành nghề, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều người lao động, làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, cải thiện đời sống cho lao động, góp phần vào việc phát triển các mô hình kinh tế, các dự án sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao; Cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, dư nợ trên 19,5 tỉ đồng, bình quân 24,09 triệu đồng/khách hàng. Nguồn vốn đã giúp con em các gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và học nghề, chương trình cho vay này đã góp phần giảm bớt những khó khăn cho các gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện; Cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, dư nợ trên 128,7 tỉ đồng, bình quân 14,44 triệu đồng/khách hàng với 8.923 lượt hộ vay để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước sạch, các công trình vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường đã góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn; Cho vay phát triển đàn bò, trâu, dư nợ trên 4,1 tỉ đồng, bình quân 27,55 triệu đồng/khách hàng. Thực hiện theo các hợp đồng uỷ thác, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện phối hợp với các hội, đoàn thể địa phương thực hiện cho các hội viên vay với mục đích phát triển đàn bò, trâu, giải quyết việc làm; Cho vay hộ nghèo về nhà ở, dư nợ 580 triệu đồng; Cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, dư nợ 379 triệu đồng.

Giải ngân vốn tại xã Định An (ảnh: Hồng Nga)

Qua đánh giá, nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo những năm qua cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn của đối tượng, tạo điều kiện kịp thời hỗ trợ kịp thời cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư sản xuất, phát triên kinh tế vươn lên thoát nghèo; qua đó đã hỗ trợ cho trên 1.895 lượt hộ được vay vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Cơ bản thực hiện hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 của huyện đề ra. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã có nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách. Vốn vay đã góp phần giảm hộ nghèo hàng năm: Năm 2016 có 36 hộ hoát nghèo; năm 2017 có 158 hộ thoát nghèo; năm 2018 có 52 hộ thoát nghèo; năm 2019 có 204 hộ thoát nghèo; đồng thời tạo việc làm mới trên địa bàn góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chất lượng tín dụng được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ xấu luôn duy trì ở mức dưới 0,4%/ tổng dư nợ. Thực hiện tốt công tác thu hồi nợ đến hạn, cho vay tăng trưởng vốn, cho vay vốn quay vòng nhanh chóng đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả trong việc cho vay tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh của các đối tượng vay. Bảo toàn nguồn vốn để tiếp tục cho tái đầu tư.

Mặc dù nguồn vốn có sự tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, tuy nhiên dư nợ vẫn còn thấp, khả năng cung ứng vốn còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn, đặc biệt là đối tượng bộ đội xuất ngũ, hộ có nhu cầu vay vốn chuyển đổi ngành nghề từ chăn nuôi heo sang phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo định hướng của UBND huyện, chưa cung ứng vốn đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ để mở rộng sản xuất, kinh doanh tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, tăng trưởng dư nợ thấp 10%/năm, các chương trình cho vay còn chưa phong phú, hiện nay huyện mới chỉ triển khai được 09/22 Chương trình tín dụng trong hệ thống ngân hàng chính sách - xã hội; một số chương trình có tính đặc thù, phù hợp với điều kiện kinh tế tại địa phương thì chưa được triển khai hoặc có triển khai nhưng nguồn vốn cho vay còn nhiều hạn chế nên chưa phát huy hết hiệu quả, cụ thể như: Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2019 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn cho vay còn hạn chế, vì vậy chưa giải quyết cho vay đối tượng bộ đội xuất ngũ, hộ có nhu cầu vay chuyển đổi ngành nghề từ chăn nuôi heo sang ngành nghề khác, chưa thực hiện cho vay hỗ trợ các hợp tác xã trên địa bàn. Chương trình cho vay cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế, dư nợ cho vay mới chỉ đạt 905 triệu đồng hỗ trợ cho 04 cơ sở, trong khi đó nhu cầu vay còn rất cao; Chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn chỉ thực hiện cho vay với địa bàn các xã, còn lại thị trấn Dầu Tiếng chưa được hỗ trợ vay vốn. Theo quy định, mức vay 20 triệu đồng/02 công trình nước sạch và nhà vệ sinh là chưa phù hợp với chi phí thực tế của hộ dân; Chương trình cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ dư nợ mới chỉ đạt 379 triệu đồng, hỗ trợ vốn cho 02 doanh nghiệp, khả năng vốn còn rất hạn chế, chưa hỗ trợ được nhiều cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi tại địa phương; cho vay phát triển đàn bò, trâu hiện nay có nhiều hộ nhu cầu vay vốn để phát triển đàn bò, trâu và nâng mức cho vay trên địa bàn huyện là rất lớn nhưng nguồn vốn chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân.

Để giải quyết tốt những vấn đề còn hạn chế trong thực hiện các chương trình tín dụng, huyện Dầu Tiếng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, nguồn vốn địa phương trên địa bàn huyện năm 2020. Kế hoạch đề ra mục tiêu triển khai các chương trình tín dụng chính sách nguồn vốn địa phương trên địa bàn huyện Dầu Tiếng theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực, thực sự là công cụ thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách, hỗ trợ giảm nghèo bền vững, tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, ưu tiên nguồn vốn cho nông dân vay với lãi suất ưu đãi để phát triển nông nghiệp, nông thôn và các ngành nghề tại địa phương, đảm bảo mức dư nợ tăng hàng năm từ 15% đến 20% theo Nghị quyết của HĐND huyện đề ra; đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng chính sách xã hội, được cung cấp các sản phẩm dịch vụ của Ngân hành chính sách - xã hội phục vụ nhân dân; dư nợ cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác bình quân hàng năm tăng (hiện nay là 23 triệu đồng/hộ), đáp ứng đủ vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay. Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách với mức tăng trưởng bình quân 21 tỉ đồng/năm, dự kiến đến năm 2020 dự nợ đạt trên 369,3 tỉ đồng.

Trọng tâm của Chương trình tín dụng chính sách sẽ tập trung vào các chương trình: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, nâng mức cho vay bình quân/hộ đạt 50 đến 100 triệu đồng/hộ, tạo điều kiện cho các hộ mở rộng sản xuất, phát huy hiệu quả nguồn vốn, tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo. Phấn đấu đến cuối năm 2020 cơ bản hoàn thành mục tiêu thoát nghèo giai đoạn 2016-2020 theo tiêu chí của Tỉnh; Cho vay hộ mới thoát nghèo, giúp các hộ mới thoát nghèo có nhu cầy vay vốn vươn lên thoát nghèo một cách bền vững, không tái nghèo; Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm: Cho vay tạo việc làm cho các đối tượng hoàn thành nghĩa vụ quân sự và xuất ngũ trở về địa phương có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình; Cho vay tạo việc làm cho lao động nông thôn theo kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 3 đến 5 tỉ đồng/ năm; Cho vay các hợp tác xã; Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường tại thị trấn Dầu Tiếng, phấn đấu tăng trưởng dư nợ đạt trên 10 tỉ đồng; Cho vay phát triển đàn bò, trâu, nâng mức cho vay bình quân/hộ đạt 50 đến 100 triệu đồng, tạo điều kiện cho các hộ mở rộng chăn nuôi, tăng trưởng đàn, phát huy hiệu quả nguồn vốn, phấn đấu đạt dư nợ 7 tỉ đồng.

Bên cạnh việc thực hiện cho vay hỗ trợ vốn cho các hộ dân thực hiện xây dựng, sửa chữa nâng cấp công trình nước sạch và công trình nhà vệ sinh tại địa bàn các xã bằng nguồn vốn Trung ương. Trong thời gian tới, mục tiêu sẽ phát triển đối tượng cho vay tại thị trấn Dầu Tiếng bằng nguồn vốn ngân sách UBND tỉnh và một phần vốn uỷ thác của UBND huyện, thực hiện hoàn thành tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 80%/tổng số hộ dân trên địa bàn thị trấn. Đây là một trong những tiêu chí nhằm công nhận thị trấn Dầu Tiếng trở thành đô thị loại IV, đô thị Thanh Tuyền, Long Hoà và Minh Hoà trở thành đô thị loại V theo hướng văn minh.

Để triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, nguồn vốn địa phương trên địa bàn huyện năm 2020, huyện đề ra giải pháp chủ động thực hiện việc huy động, quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả. Chú trọng chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các điểm giao dịch tại các xã, thị trấn; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời cho các hộ gia đình trong quá trình tìm hiểu thông tin cũng như thực hiện các quy trình, thủ tục vay vốn và trả nợ, trả lãi tiền vay. Đồng thời, thường xuyên quan tâm thực hiện công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất để phát hiện tồn tại, có kiến nghị, chấn chỉnh và xử lý kịp thời; hướng dẫn các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn về quy trình, nghiệp vụ tín dụng chính sách để phối hợp triển khai tại cơ sở.

Minh Tùng

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 518
Tuần này: 19480
Tháng này: 51973
Tổng truy cập: 3510010