Dầu Tiếng, nhiều Nông dân thành công vơi mô hình trồng cây có múi

18/01/2019    Lượt xem: 2937    In bài viết   Độ tương phản  

Những năm 2000 trở về trước, kinh tế vườn, đồi còn chưa được coi là thế mạnh của huyện Dầu Tiếng, người dân chỉ tập trung cây điều, trồng mì, nhưng những cây trồng này không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để giúp người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác hiệu quả diện tích đất từ năm 2015 đến năm nay, Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân huyện đã xây dựng và triển khai các mô  hình trồng cây có múi tập trung tại xã Minh Hòa, Minh Thạnh, Thanh An, Thanh Tuyền.

Là một trong những hộ đầu tiên ở huyện Dầu Tiếng tham gia mô hình này, năm 2017, gia đình anh Phan Hùng Cường ngụ tại Khu phố 1 Thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng  đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo vườn và đất trên khu vực sườn đồi, dưới chân suối trúc tại ấp Tha La xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng để trồng thử nghiệm 2000 gốc Quýt đường và 620 gốc bưởi da xanh. Lúc vừa triển khai ý tưởng ai cũng lắc đầu ngán ngẩm, bởi đất tại cây toàn sỏi đá, khô cằn. vợ chồng anh chị vẫn quyết khai hoang để xây dựng vườn trái cây. Để cây quýt, bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, cùng với chăm sóc bón phân cho cây, gia đình anh đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp nước cho cây, nhất là vào những ngày nắng nóng.

Anh Cường cho biết, nhờ linh hoạt trong lựa chọn giống và cách chăm sóc tốt, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, cuối năm 2018, 2000 gốc quýt đường của gia đình anh bắt đầu cho quả, chất lượng tốt với khoảng 80 tấn quýt xuất ra thị trường Tết năm nay. Hiện đã có thương lái đến tận vườn thu mua với giá 22.000đ/kg, đây là lứa quýt đầu tiên ra thị trường, trừ chi phí trồng trọt, phân bón mỗi kg quýt gia đình anh lãi trên 12 ngàn đồng. Trước khi cây quýt, cây bưởi bắt đầu cho trái, Anh Cường đã trồng xen kẽ cây ổi ruột đỏ và cũng khá thành công với mô hình này, bình quân mỗi năm gia đình anh thu hoạch 4 đợt, mỗi đợt trừ hết các chi phí gia đình chị thu lãi 13 triệu đồng/ đợt. Với 4,5 ha hiện nay anh đang mở rộng thêm các diện tích trồng, anh Phan Hùng Cường cũng chia sẻ: Tết năm nay anh cũng sẽ mở cửa phục vụ khách tham quan vườn trái cây miễn phí, qua đây anh cũng sẽ thăm dò ý kiến người dân để hướng đến phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.

Theo Anh Cường, để thành công với mô hình có múi này gia đình anh đã tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong thâm canh cây ăn quả có múi như sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học, tưới nước vào mùa khô, thoát nước vào mùa mưa, tiến hành tỉa cành tạo tán, thụ phấn bổ sung nhằm nâng cao tỷ lệ đậu quả, cải thiện kích thước quả. Từ thành công ban đầu, anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và áp dụng các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp và vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bước đầu khá thành công với mô hình này, anh cũng sẳng sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các hội nông dân trong huyện để cùng học hỏi, áp dụng vào sản xuất phát triển kinh tế gia đình.  Không riêng gì gia đình Anh Cường, mà hộ ông Tống Văn Hướng ngụ tại Xã Minh Hòa cũng đang rất thành công với mô hình trồng cây có múi. Để tạo đầu ra cho sản phẩm, các hộ trồng cây có múi này đã xây dựng và thành lập hợp tác xã mang tên hợp tác xã Minh Hòa Phát. Hiện nay hợp tác xã có 11 hội viên tham gia với diện tích 61 ha chủ yếu là trồng cam, bưởi, quýt, chanh. Sản phẩm đầu ra luôn hút khách từ các tỉnh, thành phố đến tiêu thụ tận vườn. Các hội viên, hợp tác xã còn được Quỹ hổ trợ nông dân cho vay 100 triệu đồng/ hộ với lãi suất thấp.

Trong thời điểm thị trường có nhiều biến động, cây ăn quả có múi, đặc biệt là cây bưởi, cây quýt đã khẳng định được vai trò, vị thế, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của huyện. Để phát triển cây ăn quả có múi hiệu quả, bền vững, thiết nghĩ bên cạnh cây bưởi, cây quýt cần tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các loại cây ăn quả có múi có triển vọng, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nhằm đa dạng giống cây trồng. Tỉnh, huyện cũng cần nghiên cứu, có các chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các loại cây có múi có triển vọng cũng như các cơ chế hỗ trợ đất đai nhằm khuyến khích sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận và hưởng thụ chính sách hỗ trợ. Bên cạnh các giải pháp mở rộng diện tích, quy mô sản xuất, cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ nhằm tạo thuận lợi cho chuyên chở, vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, cần chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, đẩy mạnh tiêu thụ, mở rộng thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.

Kết quả bước đầu của mô hình trồng cây có múi tại huyện Dầu Tiếng, sẽ mở ra hướng phát triển mới, hướng làm giàu mới cho người nông dân khu vực nông thôn từ việc cải tạo vườn đồi trồng những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao tiêu chí thu nhập, góp phần giúp các địa phương duy trì đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, đây cũng là bước đi đúng hướng theo Quy hoạch phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 huyện Dầu Tiếng; đồng thời, thực hiện Đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp với phát triển du lịch sinh thái và kế hoạch Số 18/KH-UBND của Ủy ban Nhân dân huyện Dầu Tiếng về phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020.

Hồng Nga

 

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 1924
Tuần này: 14986
Tháng này: 68371
Tổng truy cập: 3526408