Huyện Dầu Tiếng đã và đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ

22/12/2018    Lượt xem: 3518    In bài viết   Độ tương phản  

Chỉ tính trong năm 2018, huyện đã nỗ lực thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh. Nhờ đó, bức tranh kinh tế của Dầu Tiếng tiếp tục khởi sắc, tốc độ tăng trưởng đạt 14% so năm trước; trong đó giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng dự kiến đạt gần 5.445 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2017.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Nội thất gỗ Phú Đỉnh. 

Trong năm 2018, UBND huyện tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5- 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy nhà đầu tư triển khai dự án Cụm công nghiệp An Lập, dự án mở rộng Khu công nghiệp Bàu Bàng về phía xã Long Tân với diện tích 108,3 ha và dự án mở rộng Khu công nghiệp An Điền giai đoạn 3 với diện tích 381,21 ha tại 2 xã An Lập và Thanh Tuyền.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Ván Sàn An Dương mới đưa vào hoạt động giữa năm 2018 có 100 công nhân, hiện công ty đang tiếp tục tuyển công nhân vào làm việc

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Mai Thảo

Phát triển theo hướng bền vững

Toàn huyện hiện có 354 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với năm 2017. Theo đánh giá, phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đang hoạt động hiệu quả. Điển hình như Công ty TNHH Nội thất gỗ Phú Đỉnh (100% vốn đầu tư nước ngoài), chuyên sản xuất hàng trang trí nội thất gỗ như giường, tủ, bàn, ghế… đã xây dựng được một vùng nguyên liệu bền vững, chất lượng cao, bảo đảm cho việc vận hành ổn định dây chuyền sản xuất. Hiện bình quân mỗi tháng công ty sản xuất gần 30 container sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Công ty giải quyết việc làm cho trên 1.230 lao động tại địa phương và các tỉnh, thành trong cả nước... Có thể thấy, việc thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh trong toàn huyện. Hiện trên địa bàn huyện còn 630 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,98%. Trong đó: số hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo chiếm tỷ lệ 1,06%; số hộ nghèo bảo trợ xã hội chiếm tỷ lệ 0,92% và cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,88%.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết xác định thu hút đầu tư là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế bền vững, những năm qua huyện đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động; đồng thời tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối với các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận. Huyện cũng chú trọng thu hút dự án thuộc lĩnh vực sản xuất, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh và người dân, từ đó tạo nền tảng cho phát triển bền vững…

Một góc Dầu Tiếng

Để phát triển bền vững, tới đây huyện Dầu Tiếng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2015-2020. Cùng với đó, huyện tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; thu hút các dự án có công nghệ cao, các lĩnh vực sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; phát triển các ngành, sản phẩm phù hợp với nguồn lực và lợi thế của huyện trong từng giai đoạn. Huyện đang phấn đấu đưa tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế đến năm 2020 lên 36%.

Hồng Nga

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 756
Tuần này: 11089
Tháng này: 64474
Tổng truy cập: 3522511