Hiệu quả sau 10 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện

17/02/2021    Lượt xem: 1847    In bài viết   Độ tương phản  

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", Quyết định số 2417/QĐ-UBND ngày 26/8/2011 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Dương đến năm 2020”, trong từng giai đoạn, huyện chỉ đạo triển khai các hoạt động thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn huyện Dầu Tiếng trên địa bàn 12  xã, thị trấn. Ban Chỉ đạo triển khai đề án dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2015 được thành lập tại Quyết định số 657/QĐ-UBND ngày 27 tháng 07 năm 2010 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Dầu Tiếng gồm: đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện làm Trưởng ban, đồng chí Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện làm Phó Trưởng Ban thường trực các đồng chí đại diện các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn là thành viên và được kiện toàn hàng năm. Ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đã được nêu trong kế hoạch. Chỉ đạo các xã, thị trấn (11 xã, 01 thị trấn) trên địa bàn huyện thành lập Ban Chỉ đạo triển khai đề án dạy nghề cho lao động nông thôn 2010-2020, Ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo triển khai đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ. Ban Chỉ đạo triển khai đề án thường xuyên được củng cố, kiện toàn, bổ sung thành viên nhằm củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động. Ban Chỉ đạo họp định kỳ 02 lần/năm nhằm đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn hàng năm và triển khai kế hoạch năm sau.

Công tác tham mưu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn bảo đảm yêu cầu. Trên cơ sở đó các cấp, các ngành, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương. Hiện trên địa bàn huyện có 01 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên. Hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn được chú trọng, với hơn 300 chuyên mục, trên 1000 tin, bài, 100 mục hỏi đáp, công tác báo, đài Bình Dương, webside huyện được trên 60 tin, bài. Thời lượng phát sóng đài huyện trên 70 giờ, đài xã trên 840 giờ, phát hành ngày 3 buổi, tổ chức 05 lớp tập huấn về: kỹ năng tổ chức, quản lý, triển khai thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn dạy nghề cho lao động nông thôn cho cán bộ phụ trách cô tác dạy nghề, cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và lãnh đạo 12  xã, thị trấn có 668 cán bộ tham dự. Các hội đoàn thể, Trung tâm khuyến nông đã kết hợp tổ chức tập huấn ngắn ngày 145 lớp đào tạo cho 5.250 lao động nông thôn với các nghề nông nghiệp, chủ yếu. Đã thực hiện lồng ghép hoạt động điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề với hoạt động điều tra cung - cầu lao động; huy động sự tham gia của các cấp chính quyền và cơ quan thống kê của địa phương. Qua số liệu tổng hợp của các xã, thị trấn đã xác định được hàng năm có trên 400 lao động có nhu cầu đào tạo; nhu cầu về các nghề trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 66,8%; tiểu thủ công nghiệp chiếm 17,8% và dịch vụ chiếm 15,4%.

Bế giảng lớp đào tạo nghề trang điểm cho lao động nông thôn

Trong 10 năm qua, đã có 3.307 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, gồm 1.598 lao động học nghề phi nông nghiệp và 1.709 lao động học nghề nông nghiệp. Trong đó, đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác (nhóm đối tượng 1) có 231 người, chiếm 6,9%; lao động thuộc diện hộ cận nghèo (đối tượng 2) có 116 người, chiếm 3,5%; lao động nông thôn khác (đối tượng 3) có 2.960 người, chiếm 89,6%, với tổng kinh phí hơn 06 tỷ đồng. Các ngành nghề đào tạo được triển khai gồm: Nấu ăn đãi tiệc; tin học; trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su; tạo dáng và chăm sóc cây cảnh; may gia dụng; chăn nuôi thú y; trồng bưởi theo công nghệ VietGAP… Thông qua các lớp đào tạo, hầu hết các học viên đều có tay nghề khá, được giới thiệu hoặc tự tìm việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Minh chứng là hiện nay, trên địa bàn huyện đã có hàng trăm lao động làm việc ổn định. Đối với LĐNT, các lớp đào tạo đã giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào mô hình sản xuất của gia đình, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng đơn vị canh tác. Bên cạnh đó, một số lao động tự tạo việc làm, mở cơ sở hành nghề tại địa phương như các nghề: May gia dụng, cắt uốn tóc, chăm sóc hoặc trồng hoa lan, cây cảnh, trồng nấm… Đặc biệt, có một số lao động khác đã đăng ký học thêm để nâng cao tay nghề, góp phần tích cực có chiều sâu vào chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và việc làm. Chị Nguyễn Đinh Tường Vy, sinh năm 2000 ở ấp Hòa Thành, xã Minh Hòa là một ví dụ điển hình. Năm 2020 chị tham gia học nghề trang điểm được mở tại xã. Sau khóa học, chị đã mạnh dạn đầu tư 90 triệu đồng để mở tiệm cắt, uốn tóc và trang điểm. Nhờ áp dụng những kiến thức đã học nên chị có nguồn thu nhập kinh tế gia đình ổn định. “Đào tạo nghề cho LĐNT đã đem lại những hiệu quả thiết thực, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương, tạo việc làm ổn định cho lao động”, chị Vy cho biết. Cùng với việc lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, sau đào tạo đã có hàng ngàn lượt hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, ổn định đời sống vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,24 đầu năm 2011 xuống còn 0,89% vào cuối năm 2020. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi được hỗ trợ đào tạo nghề trung bình đạt 77% so với số LĐNT được hỗ trợ đào tạo nghề.

Huyện chú trọng tạo việc làm sau khi dạy nghề cho phụ nữ nông thôn

Từ thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", đã hình thành một số mô hình có hiệu quả về kinh tế - xã hội, phù hợp với nhiều địa phương và đang được triển khai nhân rộng, đã có sự gắn kết hơn giữa đào tạo nghề với việc làm sau đào tạo. Các lớp đào tạo nghề theo mô hình đã tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức của lao động nông thôn đối với hoạt động đào tạo nghề, các lớp học được các giáo viên đầu ngành về chăn nuôi, trồng trọt, có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu và giải đáp được những vướng mắc của học viên. Đồng thời việc đào tạo nghề theo mô hình đã kết hợp tốt giữa việc học lý thuyết và thực hành tay nghề tại chỗ, đặc biệt vật tư thực hành được đầu tư, trang bị đầy đủ, đảm bảo việc thực hành thành thạo các kỹ năng cho từng học viên của lớp học, qua đó tạo sự hấp dẫn thu hút các học viên tham gia lớp học. Từ đó các học viên nắm chắc và vững những kiến thức, kỹ năng nghề vận dụng ngay trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của hộ gia đình và đã thu được những kết quả nhất định, nhiều hộ gia đình có nguyện vọng đang thực hiện việc mở rộng quy mô, diện tích nuôi trồng tại hộ. 

Từ việc chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, phổ cập nghề cho người lao động góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Gắn đào tạo nghề cho lao động với các chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình kinh tế- xã hội khác góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Cần khẳng định, thời gian qua, công tác đào tạo nghề đã và đang triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu tạo nguồn lao động cho nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Qua đó, đã thu hút được nhiều cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có sự gắn kết giữa địa phương với cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc tuyển sinh đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động sau học nghề.

Mặc dù vẫn còn gặp không ít khó khăn nhưng có thể thấy, Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” không chỉ tạo nền tảng để huyện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, có cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động bảo đảm sự hài hòa giữa nhu cầu của người lao động với yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động./.

                                                                                                 Tạ Phú

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 639
Tuần này: 16757
Tháng này: 70142
Tổng truy cập: 3528179