Những kết quả tích cực qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 49 trên địa bàn huyện Dầu Tiếng

21/12/2020    Lượt xem: 500    In bài viết   Độ tương phản  

Cấp ủy và chính quyền các địa phương đưa nội dung công tác xây dựng văn hóa gia đình và gia đình văn hóa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình công tác hằng năm của các địa phương.

Trên cơ sở nội dung Chỉ thị 49- CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) và Thông báo kết luận số 26-TB/TW, ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư về sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tích cực tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên; chủ động rà soát, đánh giá tình hình gia đình tại địa phương, xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án cụ thể giải quyết những khó khăn, thách thức về gia đình và công tác gia đình. Bên cạnh đó, đã kịp thời tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương V, khoá Tám “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Liên hoan gia đình Văn hoá - Thể thao tiêu biểu

hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam năm 2018 (hoạt động tổ chức hàng năm)

Chú trọng tuyên truyền các quan điểm của Đảng và Nhà nước trong chiến lược xây dựng gia đình, bảo đảm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, mỗi cặp vợ chồng chỉ có một đến hai con, lấy hạnh phúc gia đình làm động lực của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đặc biệt là quan tâm xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời, có kế hoạch và biện pháp cụ thể phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo hành trong gia đình.

Phối hợp các ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo phong Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác Gia đình đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và Gia đình,… Qua đó từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình; gắn với biểu dương khen thưởng người tốt, việc tốt trong xây dựng và thực hiện các danh hiệu văn hóa. Xây dựng các chuyên mục phát thanh như: Trẻ em và gia đình, Dân số và phát triển, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, Nông thôn mới,... nhận và cấp phát hàng trăm ngàn tờ gấp, tài liệu tuyên truyền.

Công tác tuyên truyền thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa thông qua các buổi họp khu phố, ấp, các đợt sinh hoạt của các đoàn thể hội viên, đoàn viên. Nhiều phong trào, mô hình hoạt động của các đoàn thể có tác dụng thúc đẩy việc xây dựng đời sống văn hóa như: Phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Mô hình “Gia đình nông dân văn hóa”,…Câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3”; Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”,… Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở các địa phương ngày càng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Qua bình xét, hàng năm toàn huyện có trên 90% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, cụ thể: Năm 2000 đạt 80,2%, năm 2010 đạt 89,09%; 2015 đạt 93,33%, đến năm 2020 đạt 96,03%.

Trong những năm qua, kinh tế của huyện tiếp tục phát triển ổn định, cùng với đó là  lao động từ các vùng miền trên cả nước đến địa bàn làm ăn, sinh sống nên cũng phát sinh nhiều vấn đề xã hội cần phải quan tâm như: giải quyết việc làm, an ninh trật tự,... Do đó, Huyện thường xuyên chỉ đạo, lãnh đạo các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội; tập trung giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội phát sinh, góp phần ổn định cuộc sống của nhân dân; quan tâm giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; ưu tiên triển khai các chương trình, dự án nâng cao chất lượng cuộc sống đối với những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, các gia đình thuộc diện chính sách, gia đình của người dân tộc ít người, hộ nghèo, người lao động nhập cư và các nhóm đối tượng yếu thế,… Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, mức sống gia đình trên cơ sở phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Các địa phương cũng đã quan tâm, tạo điều kiện cho cơ sở phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua các mô hình. Chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm luôn được thực hiện tốt, chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, đồng bào nghèo luôn được quan tâm. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã chủ động phối hợp chính quyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây, con giống có năng suất cao vào sản xuất. Nhân dân đã có các hình thức giúp vốn, trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế, cải thiện đời sống, tương thân, tương ái giúp nhau thoát nghèo. Nhìn chung, các mô hình đã góp phần đem lại hạnh phúc, ấm no cho mỗi gia đình, giúp cho đời sống người dân được cải thiện hơn. Huyện đã chú trọng thực hiện các chương trình phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động. Tổ chức được 42 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, có 1.161 học viên tham gia. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhanh, đến năm 2020 đạt 88,2%; đến cuối năm 2020, tổng số hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh là 304 hộ, chiếm tỷ lệ 0,96%, tổng số hộ cận nghèo là 417 hộ, chiếm 1,31%. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng, đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 66 triệu đồng/người/năm; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân, các thiết văn hóa, thể thao từng bước được đầu tư ngang tầm; số vụ bạo lực gia đình hàng năm đều giảm.

Ngành Văn hóa và Thông tin huyện đã tích cực tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện và ngành cấp trên triển khai, ban hành các văn bản quản lý nhà nước trên lĩnh vực gia đình như: Xây dựng, kiện toàn Ban Chỉ đạo phong Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác Gia đình; Ban Tổ chức Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm;… Tham mưu xây dựng và ban hành thực hiện các văn bản: Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020; Kế hoạch thực hiện công tác Gia đình và các mô hình, đề án thành phần hàng năm; Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình hàng năm; Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm; Kế hoạch thực hiện Đề án “Tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020”; Thông báo và tổng hợp báo cáo thu thập thông tin cơ bản về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình hàng năm; Hướng dẫn và tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11);…

Nói chuyện chuyên đề về “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”

Huyện đã tập trung tuyên tuyền, giáo dục nâng cao nhận thức, năng lực trình độ và những kiến thức cơ bản về công tác xây dựng gia đình, như: hôn nhân gia đình; chăm sóc bảo vệ con cái, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống bạo lực gia đình, không vi phạm an toàn giao thông và xây dựng gia đình văn hóa cho cán bộ, hội viên cơ sở,... Từ năm 2005 đến nay, toàn huyện đã tổ chức được 3.890 buổi tuyên truyền với 479.934 lượt người nghe. Công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền được tăng cường cả về chất lượng, số lượng và hình thức đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng; của các gia đình và toàn xã hội đối với công tác gia đình.

Phối hợp hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, hàng năm đều triển khai đến hội viên phụ nữ thực hiện các tiêu chí của cuộc vận động trong đó có tiêu chí không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội được các cấp hội quan tâm thực hiện, qua đó đã giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trong các gia đình hội viên phụ nữ. Hàng năm có trên 90% các hộ gia đình đạt 8 tiêu chí “5 không 3 sạch”. Phối hợp cùng Công an xây dựng kế hoạch thực hiện “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” với phương châm tuyên truyền vận động là nhiệm vụ hàng đầu, đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong toàn thể nhân dân, hội viên, phụ nữ, đặc biệt là truyền thống giáo dục từ gia đình, lấy gia đình là hạt nhân quan trọng và có tổ chức sơ kết thực hiện Nghị quyết

Duy trì hoạt động thường xuyên của 89 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững ở 89 khu phố, ấp trên địa bàn huyện, các câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt được hàng tháng hoặc hàng quý/lần. Từ năm 2005 đến nay đã duy trì sinh hoạt được trên 3.509 buổi, có hơn 73.232 lượt người tham dự. Duy trì sinh hoạt các mô hình, câu lạc bộ góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, ngăn chặn bạo lực gia đình, như: triển khai cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” ở các xã, thị trấn; duy trì, củng cố hoạt động của 32 câu lạc bộ với các loại hình câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3”, câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, câu lạc bộ “Mẹ và bé”, câu lạc bộ “Nuôi con khỏe dạy con ngoan”, câu lạc bộ “Gia đình vì tương lai”, câu lạc bộ “Ông bố bà mẹ nuôi dạy con tốt”,… nhằm xây dựng gia đình tiến bộ, bình đẳng.

Qua các hoạt động tuyên truyền giáo dục, đã nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng, tích cực thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình được nâng lên; công tác chủ động phòng, chống các tệ nạn xã hội vào gia đình, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội hiện đại, xây dựng gia đình hạnh phúc đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân thực hiện tốt, có nhiều chuyển biến tích cực.

Xây dựng pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về giáo dục đạo đức lối sống truyền thống của gia đình Việt Nam và phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyển các ngày kỷ niệm như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày thế giới xoá bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái 25/11, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới với chủ đề “Chung tay xoá bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” với 48 pa nô tuyên truyền, 1.190 câu băng rôn. Hàng năm, đều tổ chức Liên hoan gia đình Văn hoá - Thể thao tiêu biểu nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, đã tôn vinh trên 480 hộ gia đình tiêu biểu. Các xã, thị trấn cũng tổ chức tuyên truyền gắn với các động của Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3,... phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng và gia đình tham gia tích cực xây dựng gia đình văn hoá, khu ấp văn hoá; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình điển hình, tiêu biểu, tạo ra phong trào xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Biểu dương kịp thời và nhân rộng các mô hình gia đình vượt khó vươn lên, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương về gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Coi đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Xây dựng gia đình phải luôn gắn với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm gương mẫu chăm lo xây dựng chính gia đình mình và vận động nhân dân cùng thực hiện.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh, huyện đã xây dựng Chương trình, Kế hoạch phối hợp, hướng dẫn thực hiện công tác gia đình và triển khai có hiệu quả các mô hình, đề án về công tác gia đình trên địa bàn huyện như: Mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình với Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; Tổ hòa giải cơ sở, hòa giải, Nhóm phòng chống bạo lực gia đình đình được triển khai, duy trì tại 100% xã, thị trấn và 89 khu phố, ấp; Mô hình “Củng cố gia đình văn hóa giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” được triển khai, duy trì tại 07 xã, thi trấn với 55 khu phố, ấp; Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam” được triển khai, duy trì tại 6 xã, thị trấn với 41 khu phố, ấp. Việc triển khai mô hình, đề án đã góp phần nâng cao tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, góp phần thực hiện hiệu quả Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Đã tổ chức triển khai thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” tại xã Định Hiệp nhằm mục đích nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của mỗi người, mỗi gia đình theo chiều hướng tích cực, từng bước giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội và góp phần thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thứ 6 của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đó là: Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Trong tình hình mới, vai trò của gia đình đối với xã hội là vô cùng quan trọng, đặc biệt là tạo nguồn nhân lực đảm bảo cả về số lượng và chất lượng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, công tác gia đình là một trong những mối quan tâm của các cấp uỷ Đảng và chính quyền trên địa bàn toàn huyện. Tuỳ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, ban ngành, đoàn thể để tổ chức các đợt truyền thông về công tác giáo dục đời sống gia đình đối với sự phát triển bền vững.

Một gia đình hạnh phúc, hoà thuận sẽ tác động tới cộng đồng, thúc đẩy xã hội vận động tạo ra sự biến đổi và phát triển. Gia đình hạnh phúc bền vững không chỉ có sự “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” mà còn là nơi hội tụ tổng thể những nét đẹp văn hoá của mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội. Nó được thể hiện qua thái độ, hành vi, cách cư xử trong gia đình, trong đó phải đảm bảo các nguyên tắc: Đối với người trên phải tôn kính, lễ độ, khiêm tốn và quan tâm, chăm sóc; đối với người dưới phải biểu lộ thái độ thông cảm, nhường nhịn, giúp đỡ, vị tha; đối với người cùng thế hệ phải hết sức tôn trọng, chân thành, bác ái; trong quan hệ vợ chồng phải hoà thuận trên cơ sở tình yêu thương chung thuỷ và sự hiểu biết lẫn nhau.

Thực tiễn đã chứng minh, gia đình yên ấm hạnh phúc là điều kiện, tiền đề quan trọng cho sự hình thành, phát triển nhân cách và bảo đảm cho lao động sáng tạo đạt hiệu quả cao nhất. Mỗi thành viên đều có trách nhiệm vun đắp, tham gia xây dựng tổ ấm gia đình, trong đó người vợ, người mẹ có vai trò rất quan trọng. Trong giáo dục con cái phải kết hợp chặt chẽ giữa môi trường “Gia đình - nhà trường - xã hội” thì hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn. Tuy nhiên, cũng không xem nhẹ giáo dục ở nhà trường và xã hội, hoặc phó mặc sự giáo dục con cái cho nhà trường và xã hội.

Xây dựng gia đình mới trên cơ sở kế thừa những giá trị tốt đẹp nhất của gia đình truyền thống, đồng thời tiếp thu những tiến bộ của thời đại về gia đình là phải biết gạt bỏ và hạn chế những yếu tố tiêu cực nhằm tạo sự phát triển của từng gia đình và xã hội, phải dựa trên cơ sở “Hôn nhân tiến bộ” coi tình yêu chân chính là cơ sở tinh thần chủ yếu. Hôn nhân “Một vợ một chồng” đồng thời phải xây dựng mối quan hệ bình đẳng, thương yêu, có trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình. Xây dựng mối quan hệ giữa gia đình và cộng đồng với các tổ chức chính trị, xã hội khác, đảm bảo các quyền lợi cho phụ nữ và bảo đảm sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình.

Qua 15 năm triển khai Chỉ thị số 49 - CT/TW, ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Thông báo kết luận số 26-TB/TW, ngày 09/5/2011 của Ban Bí thư về Sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong huyện về công tác gia đình đã được nâng lên và đã được xem là nhiệm vụ thường xuyên trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án cụ thể về công tác gia đình hàng năm đã được chủ động hơn. Các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình dần được quan tâm xoá bỏ.

Nội dung công tác gia đình cũng được các địa phương chỉ đạo đưa vào quy ước của khu phố, ấp một cách cụ thể để các hộ gia đình thực hiện, qua đó nhận thức của người dân từng bước đã được nâng lên. Các hộ gia đình quan tâm đến việc xây dựng gia đình theo tiêu chí “Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc” đã góp phần tích cực trong việc xây dựng gia đình văn hóa, làm nền tảng vững chắc cho phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa trên toàn huyện.

Phan Vũ

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 2064
Tuần này: 65999
Tháng này: 183915
Tổng truy cập: 3445637