Huyện Dầu Tiếng ban hành Kế hoạch Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL); hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021

26/02/2021    Lượt xem: 311    In bài viết   Độ tương phản  

Vừa qua, Ủy ban nhân dân huyện Dầu Tiếng đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021 nhằm để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phát hiện, nhân rộng các mô hình, cách làm mới có hiệu quả, phát huy tinh thần trách nhiệm tự học tập, tìm hiểu pháp luật, tạo chuyển biến rõ nét trong ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, lồng ghép các hoạt động PBGDPL ở cơ sở, đảm bảo quyền được tiếp cận pháp luật của nhân dân, đặc biệt là các đối tượng đặc thù theo quy định của Luật PBGDPL; tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực và nhu cầu xã hội, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả, lồng ghép tuyên truyền pháp luật với hoạt động xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, gắn những vấn đề dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận trong công tác tuyên truyền; gắn kết công tác PBGDPL với xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của huyện trong năm 2021, đặc biệt gắn với các sự kiện chính trị quan trọng như: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL; tăng cường vai trò đầu mối tham mưu, phối hợp của Cơ quan thường trực Hội đồng, thành viên Hội đồng, tổ chức (cán bộ) pháp chế, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp. Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm kinh phí PBGDPL; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động tuyên truyền pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Các nội dung tuyên truyền trọng tâm, gồm:

- Tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Hiến pháp năm 2013, các Luật, Pháp luật triển khai thi hành Hiến pháp và các luật, pháp lệnh, văn bản mới thuộc phạm vi quản lý. Kết quả Đại hội đại biểu Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và Đại hội Đảng toàn quốc khoá XIII.

- Triển khai, tuyên truyền các Luật có hiệu lực thi hành trong năm 2021 như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; Luật Thanh niên; Bộ luật Lao động; Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật chứng khoán;...

- Các quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, trọng tâm là nội dung chính sách, quy định mới trong văn bản; vấn đề khởi nghiệp, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, khiếu nại, tố cáo, hôn nhân và gia đình, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông đường bộ; các hành vi bị cấm và chế tài xử lý, cải cách tư pháp, cải cách hành chính,... cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý và nhân dân.

- Tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

- Tuyên truyền, phổ biến định hướng các quy định về chính sách pháp luật mà dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là tuyên truyền Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; các chính sách, quy định dự kiến điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới trong Nghị quyết số 206/2020/QH14 ngày 10/6/2020 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 như: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Công đoàn, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch ở người (HIV/AIDS),...; tích cực nắm bắt các phản biện, phản hồi của dư luận xã hội phục vụ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật.

- Tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, lợi ích của việc chấp hành pháp luật, hậu quả của việc không chấp hành và vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức của người dân; tăng cường tuyên truyền Luật An ninh mạng để người dân nâng cao ý thức trong việc đăng tải các thông tin lên mạng xã hội; tiếp tục tuyên truyền về dịch bệnh COVID-19,…. 

Đối tượng chung và đối tượng đặc thù

Về Đối tượng chung:

- Đối tượng là nhân dân: Chú trọng phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật mới được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành trong năm 2021, các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương; các văn bản pháp luật quan trọng liên quan mật thiết đối với người dân trong các lĩnh vực: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật An ninh mạng và các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai; hôn nhân và gia đình; hộ tịch; dân sự; hình sự; hành chính; xây dựng; bảo vệ môi trường; lao động; giáo dục; y tế; quốc phòng - an ninh; an toàn giao thông; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quy chế dân chủ ở cơ sở;...

- Đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức: triển khai sâu rộng Hiến pháp và các văn bản pháp luật mới ban hành; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Cán bộ công chức; Luật Viên chức; Luật An ninh mạng; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước; cải cách hành chính, cải cách tư pháp; quy chế văn hóa công sở và các văn bản liên quan; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, thị trấn; quy chế thực hiện dân chủ ở cơ quan, tổ chức; pháp luật về an toàn giao thông.

- Đối tượng là thanh - thiếu niên: Phổ biến các quy định của pháp luật có liên quan như: Luật Giáo dục; Luật Trẻ em; Luật Thanh niên; Luật An ninh mạng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật An toàn thực phẩm; các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường, phòng, chống tội phạm, ma túy, HIV/AIDS, phòng, chống các tệ nạn xã hội; … kết hợp phổ biến, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đến từng nhóm đối tượng và lứa tuổi phù hợp.

- Đối với học sinh: Tùy từng cấp học mà áp dụng hình thức và nội dung phổ biến pháp luật phù hợp nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phổ thông, cơ bản, thiết thực và có hệ thống như trong chương trình giáo dục mầm non và tiểu học được lồng ghép thông qua nội dung giáo dục đạo đức, hình thành thói quen phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội, ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, tinh thần tự giác, tạo tiền đề hình thành ý thức pháp luật; chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông trang bị kiến thức ban đầu về quyền, nghĩa vụ của công dân, rèn luyện thói quen, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; chương trình giáo dục nghề nghiệp, trang bị kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật, kiến thức pháp luật liên quan đến ngành, nghề đào tạo.

- PBGDPL trong lực lượng vũ trang nhân dân: gồm Công an, Quân đội (kể cả lực lượng thường trực, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên), Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của ngành Công an, Quân sự chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan, phòng, ban và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện; phổ biến các nội dung như: Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng Hình sự; Luật Hiến pháp; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Giáo dục quốc phòng an ninh; Luật Phòng chống thiên tai; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật cư trú; Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật An ninh quốc gia; Luật Quốc phòng; Luật Công an nhân dân; Luật Dân quân tự vệ; Pháp lệnh Dự bị động viên; Luật Cán bộ, công chức; Pháp luật về an toàn giao thông; Luật Phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phần có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của ngành. Các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; phòng chống tệ nạn xã hội và phòng chống tội phạm; trật tự, an toàn xã hội;...

Về Đối tượng đặc thù

- Người dân ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số: căn cứ vào đặc điểm của từng đối tượng mà tập trung vào các quy định pháp luật về dân tộc, tôn giáo, phòng chống các tệ nạn xã hội; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; hộ tịch; dân sự; hôn nhân và gia đình; các quy định về an toàn giao thông đường bộ; hình sự; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; các quy định của pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số;... Hoạt động PBGDPL thực hiện thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, các hội nghị trợ giúp pháp lý lưu động; tư vấn pháp luật miễn phí, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa truyền thông,....

- Đối tượng là người lao động trong doanh nghiệp: Tổ chức tuyên truyền Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; thường xuyên phổ biến các quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, pháp luật về việc làm, an toàn vệ sinh lao động, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, pháp luật công đoàn, an ninh mạng và các quy định khác của pháp luật về lao động. Hoạt động PBGDPL cho người lao động trong doanh nghiệp được chú trọng thực hiện thông qua việc phổ biến trực tiếp; niêm yết các quy định pháp luật tại nơi làm việc; giỏ pháp luật; tờ rơi, tờ gấp pháp luật; lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

- Đối tượng là nạn nhân bạo lực gia đình: tập trung vào các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình; các quy định về xử lý hành chính và hình sự liên quan đến bạo lực gia đình,.... hoạt động PBGDPL cho nạn nhân bạo lực gia đình được chú trọng thực hiện thông qua hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn pháp luật miễn phí,...

- Đối tượng là người khuyết tật: Tập trung vào các quy định pháp luật về quyền của người khuyết tật, chế độ, chính sách của Nhà nước, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ người khuyết tật và các quy định khác của pháp luật liên quan đến người khuyết tật. PBGDPL cho người khuyết tật được chú trọng thực hiện bằng hình thức, phương thức, phương tiện, tài liệu phù hợp với từng loại đối tượng người khuyết tật.

- Đối tượng là người đang chấp hành hình phạt tù; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn; người bị phạt tù được hưởng án treo: tùy theo từng đối tượng mà tập trung vào các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân; pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự; xử lý vi phạm hành chính; pháp luật về phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội. PBGDPL cho người đang chấp hành hình phạt tù; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, thị trấn; người bị phạt tù được hưởng án treo được chú trọng thực hiện thông qua chương trình học pháp luật, giáo dục công dân và lồng ghép trong chương trình học văn hoá, học nghề, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng; phổ biến thông tin thời sự, chính sách; sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng và các hình thức phù hợp khác.

Ngoài ra, Kế hoạch còn nêu rõ phải tổ chức tuyên truyền và hình thức tuyên truyền đợt cao điểm PBGDPL phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Rà soát, đẩy nhanh tiếp độ triển khai, thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021 và các Đề án về phổ biến giáo dục pháp luật;  Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng PBGDPL huyện; rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; sử dụng có hiệu quả, phát huy vai trò đội ngũ này trong tham mưu và trực tiếp triển khai công tác PBGDPL tại cơ quan, đơn vị, địa phương; Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả “Ngày pháp luật” theo Chỉ thị số 04/2010/CT-UBND ngày 22/12/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú nhằm tạo thói quen học tập, làm đúng pháp luật; giúp cán bộ, công chức, viên chức cập nhật thường xuyên các quy định của pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình để giải quyết công việc hiệu quả, đúng pháp luật, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân; Phát hiện, nhân rộng các mô hình, cách làm mới, sáng tạo, linh hoạt trong công tác PBGDPL; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL; đổi mới nội dung, phương pháp thực hiện PBGDPL, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; Tăng cường công tác PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh cơ sở; Tăng cường xã hội hóa hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, huy động  sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong việc thực hiện hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật; Bảo đảm điều kiện về nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác PBGDPL; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 4837/UBND-NC ngày 24/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.

Về hoạt động hòa giải ở cơ sở: Tiếp tục triển khai sâu rộng và thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở để kịp thời giải tỏa các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư gắn với áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng và việc Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Đẩy mạnh hoạt động hòa giải ở cơ sở, phấn đấu số vụ việc đưa ra hòa giải là trên 95%, vụ việc hòa giải thành từ 85% trở lên; Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở”; Tiếp tục nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở; tăng cường theo dõi, kiểm tra, phát hiện và đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; Tiếp tục rà soát, củng cố tổ hòa giải, hòa giải viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đẩy mạnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo nội dung Bộ tài liệu đã được Bộ Tư pháp ban hành; Phối hợp với cơ quan dân vận trong công tác hòa giải ở cơ sở gắn với việc thực hiện phong trào thi đua “dân vận khéo”

Về thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật: Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Tháo gỡ vướng mắc thực tế trong quá trình triển khai xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tổng hợp hạn chế, khó khăn, kiến nghị, đề xuất của cơ quan, đơn vị, địa phương; Tổ chức tập huấn kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thực hiện quản lý, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Công bố kết quả cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg và Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Kế hoạch cũng yêu cầu Phòng Tài chính - Kế hoạch phải đảm bảo kinh phí để thực hiện; các cơ quan chủ trì và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp để triển khai hiệu quả kế hoạch này theo thời gian dự kiến.

Đồng thời để triển khai thực hiện, Kế hoạch đã giao Hội đồng PBGDPL huyện tham mưu Ủy ban nhân dân huyện: Ban hành Kế hoạch công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021; Tổng kết và thực hiện các chính sách thi đua, khen thưởng trong công tác PBGDPL; hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật; Hướng dẫn các xã, thị trấn tăng cường và phát huy công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn; Giao các cơ quan, phòng, ban huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn: chủ trì các đề án, chương trình, kế hoạch PBGDPL cần xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Đề án, chương trình, kế hoạch trong năm 2021; các cơ quan, đơn vị không chủ trì các đề án, chương trình, kế hoạch PBGDPL thì có thể không ban hành kế hoạch nhưng lồng ghép trong kế hoạch hoạt động của cơ quan, đơn vị; Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn ban hành Kế hoạch PBGDPL năm 2021 của địa phương mình và triển khai thực hiện;  Thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn căn cứ dự toán được giao năm 2021 bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác Phổ biến giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021.

Căn cứ Kế hoạch này, yêu cầu các cơ quan, phòng, ban; Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn ban hành Kế hoạch cụ thể, kịp thời để triển khai thực hiện; định kỳ 06 tháng (chậm nhất 30/5), 01 năm (chậm nhất 30/10) báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân huyện. Phòng Tư pháp (cơ quan thường trực Hội đồng PBGDPL huyện) hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện; định kỳ tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, Sở Tư pháp theo quy định./.

Anh Xê Ka

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 94
Tuần này: 13156
Tháng này: 66541
Tổng truy cập: 3524578