UBND huyện ban hành Văn bản chỉ đạo về việc không thả rông gia súc, gia cầm gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông

19/11/2020    Lượt xem: 1875    In bài viết   Độ tương phản  

Huyện Dầu Tiếng là địa bàn nông thôn nên thời gian qua các tuyến đường trên địa bàn huyện tình trạng chăn thả gia súc, động vật nuôi thả rông ngoài đường vẫn đang phổ biến và gây nhiều nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tình trạng thả rông gia súc tràn lan trên một số tuyến đường, nhiều người dân vẫn không nhận thức được những nguy hiểm, đặc biệt là vấn đề an toàn giao thông đường bộ. Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 02 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng (Định Hiệp, thị trấn Dầu Tiếng) làm chết 02 người, bị thương 02 người, nguyên nhân do người dân thả rông súc vật (bò) trên đường gây tai nạn, ngoài ra còn nhiều vụ người tham gia giao thông va quẹt với vật nuôi thả rông (chó) dẫn đến bị thương tích.

Hình ảnh gia súc thả rông trên đường (minh họa)

Việc thả rông gia súc, gia cầm trên đường là vô cùng nguy hiểm đối với người tham gia giao thông và vật nuôi đó. Theo quy định, việc chăn thả gia súc phải đảm bảo trật tự an toàn giao thông nếu vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, trong nhiều văn bản pháp lý hiện hành đã có những quy định xử phạt. Tại Khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ có quy định không được thả rông súc vật trên đường bộ, trường hợp người dắt súc vật đi trên đường bộ, theo điểm 1 và điểm 2 Điều 34 Luật Giao thông đường bộ, cần phải tuân thủ nguyên tắc sau: Phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường, trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.

Với những trường hợp vật nuôi, súc vật thả rông gây tai nạn, pháp luật hiện hành đã có những quy định xử phạt rất rõ ràng. Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng.  Trong trường hợp chủ gia súc thả gia súc hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người, người chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người. Theo quy định tại Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015, khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Trường hợp vô ý làm chết 02 người trở lên thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự.

Trường hợp chủ gia súc không tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn giao thông, dẫn dắt gia súc đi vào đường giao thông gây tai nạn giao thông, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành. Các hình thức xử lý đã được quy định cụ thể, tuy nhiên chưa tác động nhiều đến ý thức của một bộ phận người dân trong việc chăn thả, gia súc, gia cầm gây mất trật tự an toàn giao thông trong thời gian qua trên địa bàn huyện.

Từ tình hình thực tế trên, để góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện. UBND huyện chỉ đạo yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn phối hợp với nhau thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông xuất phát từ nguyên nhân do gia súc, gia cầm thả rông gây ra trong đó:

Tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong việc nuôi, chăn, thả gia súc, gia cầm phải đảm bảo các điều kiện an toàn không được thả rông ngoài đường gây cản trở giao thông, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ dân có nuôi gia súc, gia cầm làm bản cam kết chấp hành các quy định về thực hiện các điều kiện đảm bảo không được thả rông gia súc, gia cầm trên các tuyến đường gây mất an toàn giao thông, phải thực hiện việc nuôi nhốt, chăn thả theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thường xuyên tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định hiện hành đối với các trường hợp thả rông gia súc, gia cầm ra đường gây mất an toàn giao thông theo quy định, đồng thời bổ sung vào tiêu chí xét gia đình văn hóa, ấp, khu phố, xã, thị trấn đạt văn hóa hàng năm.

Huy Bằng

 

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 2804
Tuần này: 15866
Tháng này: 69251
Tổng truy cập: 3527288