Di tích Vườn cây cao su thời Pháp thuộc

10/03/2019    In bài viết   Độ tương phản  

Bằng xếp hạng Di tích Vườn cây cao su thời Pháp thuộc

Trước sự bóc lột, đánh đập trắng trợn của bọn chủ đồn điền, cộng thêm sự khắc nghiệt của vùng rừng thiêng nước độc, trong thời kỳ Pháp thuộc, cuộc sống của công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng vô cùng cơ cực. Họ tổ chức đình công, đấu tranh để đòi quyền lợi, như: Chống sự bóc lột, đánh đập của chủ các đồn điền, đòi ngày làm 8 tiếng, chống chế độ gạo mục cá thối, bảo đảm tiền lương… Vào tháng  3/1933, có hơn 2.000 công nhân mang theo dao, gậy làm vũ khí tiến hành đình công. Cuộc đình công kéo dài mấy ngày liền, vườn cây bị bỏ hoang, nhà máy bị đình trệ sản xuất. Chủ đồn điền không còn cách nào khác nên phải nhượng bộ và hứa sẽ giải quyết những yêu sách do công nhân đưa ra, như: Phát lương đúng định kỳ, phát đủ khẩu phần gạo hàng ngày, không cúp phạt đánh đập công nhân,… Đây được xem là cuộc đấu tranh thắng lợi, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân cao su Dầu Tiếng, tạo khí thế cho những phong trào đấu tranh sau này.

Tượng công nhân cao su thời kỳ Pháp thuộc được trưng bày

Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân nơi đây, cuối năm 1936, Chi bộ Cộng sản Dầu Tiếng trực thuộc Thành ủy Sài Gòn được thành lập. Đây được xem là bước ngoặt lịch sử của phong trào công nhân ở Dầu Tiếng. Từ đây, phong trào công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng đã có một tổ chức Đảng cộng sản lãnh đạo.

Hết chống Pháp đến chống Mỹ, cùng với nhân dân cả nước, công nhân cao su Dầu Tiếng liên tục đứng lên đấu tranh dành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước. Sau giải phóng, Công ty Cao su Dầu Tiếng (nay là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cao su Dầu Tiếng) vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1998), và là một trong những đơn vị đi đầu của ngành cao su Việt Nam. Những vườn cao su xưa đã được thay da đổi thịt với những cây giống mới, con người mới; duy chỉ có Lô 50, Làng 14 được giữ nguyên hiện trạng, trở thành thành hiện thực lịch sử truyền thống của cao su Dầu Tiếng. Vườn cây cao su này đã ngưng khai thác mủ từ 2005 nhưng vẫn được giữ lại vì Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng muốn bảo tồn làm chứng tích. Bởi, vườn cây cao su thời Pháp thuộc rất có giá trị về mặt lịch sử, là minh chứng về một thời kỳ lịch sử của dân tộc; là nơi lưu dấu nhiều sự kiện lịch sử, thể hiện sự phát triển của phong trào đấu tranh của công nhân trong các đồn điền cao su.

Vườn cao su thời Pháp thuộc có tuổi thọ cả trăm năm độc đáo này, đã được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là Di tích Lịch sử cấp Tỉnh theo Quyết định công nhận số 1222/QĐ-UBND, ngày 01/4/2009.

Để tăng cao giá trị giáo dục truyền thống cho Khu Di tích Lịch sử này, từ tháng 10/2010, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã khởi công xây dựng ở đây một “Khu Trưng bày Di tích Lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc”, nhằm phục vụ các đoàn du khách tham quan. Khu trưng bày nằm trọn trong Lô 50, Làng 14, Nông trường Trần Văn Lưu (thuộc xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng) được hoàn thành và đưa vào phục vụ từ tháng 5/2011. Trong khu trưng bày có nhiều hiện vật giá trị được sưu tầm nguyên bản như: 03 căn nhà ở của công nhân công tra xưa (02 xây bằng đá, 01 bằng gạch), được làm trong những năm 1925-1935); một Nhà máy chế biến mủ tờ “mini” được dời một phần từ nhà máy ở trung tâm công ty do người Pháp để lại, kèm theo một máy bửa củi để lấy củi đưa vào lò xông; 01 căn nhà trưng bày những hình ảnh, hiện vật quý như những khuôn đúc làm tô mủ, thùng trút mủ,… thời trước. Đáng chú ý nhất là Khu trưng bày nằm trong vườn cao su được trồng từ những năm 1920, với hàng trăm cây cao su già cỗi, vẫn còn lưu dấu những vết hằn từ đường dao cạo mủ của phu công tra xưa.

Xung quanh vườn cây là hình tượng những người công nhân đang đứng cạo mủ, tay xách thùng, lao động với những công cụ thô sơ. Ngoài ra, còn có nhiều hình tượng, cảnh tượng diễn tả, minh họa lại về những sinh hoạt trong cuộc sống của người công nhân xưa,…mọi tình cảnh sinh hoạt của người phu cao su được tái hiện sinh động. Du khách sẽ cảm nhận một xã hội thu nhỏ về một thời đau thương, mất mát của những kiếp người bị bóc lột tàn bạo bởi bọn chủ thực dân và tay sai bản xứ. Đó là hình ảnh nỗi nhớ quê cha đất Tổ trong những ngày giáp Tết; hình ảnh một gia đình phu cao su đang dâng lễ và cúng trước bàn thờ ngoài hiên trong thời khắc cuối năm; ánh mắt người phu già đau đáu nỗi nhớ quê xa thăm thẳm; cảnh hai người đàn bà gầy gò đang đứng chăm một người phu lên cơn sốt rét; cảnh hai tên lính mũ đỏ, một tên tay súng, tay roi, trút những trận đòn tàn bạo vào thân thể còi còm của người phu bị trói chặt, một tên khác đang chĩa súng uy hiếp một người đàn bà bụng mang dạ chửa; cảnh hậu tàn cuộc nhậu của 3 người đàn ông, một người say quắc nằm vắt tay lên trán ra chiều đang suy nghĩ,…

Tái hiện cảnh dâng lễ và cúng trước bàn thờ ngoài hiên nhà trong thời khắc cuối năm

Việc tái hiện hình ảnh tại Di tích này chính là ý thức coi trọng và giữ gìn truyền thống cách mạng giai cấp công nhân cao su nơi đây.Với ý nghĩa giáo dục truyền thống  cao đẹp đó, Khu Trưng bày Di tích Lịch sử làng cao su thời Pháp thuộc được xây dựng nhằm giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang cho thế hệ mai sau, thế hệ trẻ hôm nay lấy những hình ảnh đó để tự giáo dục cho mình truyền thống của người công nhân cao su. Đồng thời, nhắc nhở lớp trẻ, có cách nghĩ, cách làm, xứng đáng để tiếp bước truyền thống của cha anh.

Những năm qua, đối tượng đến với Khu Trưng bày ngoài cán bộ công nhân viên của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng còn có các đoàn du khách, người dân và học sinh các trường học quanh vùng. Nơi đây là địa chỉ đỏ, là địa điểm hấp dẫn cần được giới thiệu trong chương trình du lịch mang ý nghĩa giáo dục truyền thống và mở rộng các đối tượng du khách trong nước và ngoài nước.

Khu Trưng bày Di tích lịch sử Vườn cao su thời Pháp thuộc cách trung tâm thị trấn Dầu Tiếng khoảng 10 km. Để đến được Khu Trưng bày, từ trung tâm thị trấn Dầu Tiếng đi theo đường 20 tháng 8 – ĐT 750 về ngã Tư Định Hiệp, rẽ trái theo đường ĐH 704 hướng về xã Định An, khoảng 3 km nhìn phía tay phải sẽ hiện ra Khu Trưng bày với cổng vào và bờ rào bao quanh.

Phan Vũ (Sưu tầm và biên tập)

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 1080
Tuần này: 18526
Tháng này: 50501
Tổng truy cập: 3508538