Bài giới thiệu về Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia: Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh

11/03/2019    In bài viết   Độ tương phản  

Đây là di tích tiêu biểu, phản ánh sự lãnh đạo, chỉ huy đúng đắn, trực tiếp và sáng tạo của Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh chiến dịch. Di tích mặc dầu là một cơ quan tạm thời (trong khoảng thời gian từ ngày 26/4 đến 30/4/1975), nhưng đã thể hiện được vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt trong chiến lược chiến tranh của thời đại mới, mà trực tiếp là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

 Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Mình được gọi là vì Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập ở căn cứ quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại ấp Tà Thiết Krom, xã Lộc Thành  huyện Lộc Ninh, tỉnh Sông Bé. Sau cuộc họp ngày 25/3/1975 của Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương, theo sự phân công của Bộ chính trị, cùng ngày, đồng chí Lê Đức Thọ vào Lộc Ninh để cùng các đồng chí Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Khi chiến dịch sắp mở màn, để trực tiếp chỉ huy chiến dịch ngay từ đầu và sát với tình hình tác chiến cơ quan, Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh đã được Bộ Chính trị mà trực tiếp là đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Văn Tiến Dũng quyết định chuyển tới căn cứ tiền phương sát với chiến trường hơn và chọn Căm Xe làm Sở chỉ huy Căm Xe, hay còn gọi là sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh.

Với vị trí đã được xác định chuyển dời này, Di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh là một trong những địa điểm quan trọng quyết định sự chỉ đạo đúng đắn và sáng suốt, trực tiếp, nhanh nhẹn nhằm tạo thuận lợi cho thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của Bộ Chính trị giao cho giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng Miền Nam trước mùa mưa, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước một cách trọn vẹn với thời gian nhanh nhất.

Với những giá trị lịch sử to lớn trên, ngày 11/5/2010, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chính thức ban hành quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia đối với Di tích Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bia Di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh

Di tích nằm trong khu vực rừng cây, có rất nhiều suối nhỏ và ngắn đổ vào con suối lớn Căm Xe như suối Cây Liễu, suối Ong Lô, suối Biên Lộc, suối Bà Già, suối Bà Thành….(Căm Xe theo lịch sử địa phương là một vùng đất lâu đời, có một khu rừng nguyên sinh với nhiều loại cây gỗ quý, bên cạnh có dòng suối. Chính dòng suối này, với những đặc điểm lợi hại mang tính chất “thượng võ” của nó đã tạo nhiều thuận lợi để quân và dân ta đánh đuổi kẻ thù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ).

Với tổng diện tích là 6.182,96m2 ở vị trí tọa độ 11023’32” độ vĩ Bắc, 106030’40” độ kinh Đông. Đây là khu rừng tái sinh, rừng cây cũ đã bị chặt phá, rừng tái sinh cũng bị đốt nhiều lần. Vì di tích là một cơ quan tạm thời nên các lán trại, hầm hào tại đây chủ yếu được làm bằng vật liệu là gỗ có sẵn, sau thời gian dài mưa nắng phá hủy chỉ còn lại những vết tích khá mờ nhạt, chỉ có hố bom nơi đồng chí Văn Tiến Dũng lấy nước để sinh hoạt là còn khá nguyên vẹn. Theo người dân sinh sống nơi đây thì cứ đến tháng 3 thì đốt để trồng Mì. Hiện nay thì cảnh quan khu vực này đã thay đổi rất nhiều so với trước, rừng cao su bạt ngàn bao quanh khu vực di tích. Những dấu vết còn lại như: hố bom lấy nước sinh họat, dấu vết các hầm hào cũng đã mờ, cỏ cây mọc khá nhiều, phải rất khó khăn mới tìm được những dấu vết cũ do cỏ cây che khuất.

Năm 1987 đại tướng Văn Tiến Dũng cùng một số đồng chí cán bộ miền về thăm và xác định vị trí trên cơ sở những dấu tích còn lại. Sau đó Huyện đội Bình Long và nhân dân xã Minh Thạnh đã xây dựng bia làm mốc đánh dấu tại nơi đây. Bia được làm bằng chất liệu bê tông cốt thét, có độ cao 3m, rộng 2,5m, trên bia có gắn ngôi sao, dưới ngôi sao có ghi dòng chữ Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, 30/4/1975, xã Minh Thạnh. Đến ngày 20/8/1990, Bảo tàng Quân khu 7 xây dựng bia khác cách tấm bia cũ khoảng 3m, có chiều cao 15m, chiều ngang 1,5m, bia cũng được làm bằng chất liệu bê tông cốt thép. Đến năm 2005 được trùng tu lại bằng đá hoa cương cho đến nay.

Nhà lưu niệm Di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh

Trong thời gian qua, với sự quan tâm của các cấp, ngành văn hóa, Ban Quản lý Di tích, Di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh đã được trùng tu, xây dựng với đầy đủ các hạng mục. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã cho trùng tu, tôn tạo di tích xây dựng giai đoạn 1 với quy mô hơn 5ha, bao gồm đầy đủ các hạng mục công trình như: nhà tưởng niệm, bia chiến thắng, các khu tái hiện phòng hội nghị, địa đạo, bếp Hoàng Cầm, khu rừng nguyên sinh... tái hiện lại cột mốc lịch sử quan trọng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Nhà lưu niệm: Trưng bày mô hình tác chiến, những hiện vật, hình ảnh gắn liền với tên tuổi các đồng chí lãnh đạo gắn bó với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong khuôn viên di tích, xây dựng bia ghi lại diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh, tái hiện lại nơi các đồng chí lãnh đạo làm việc, họp bàn kế hoạch và nơi sinh hoạt thường ngày của các đồng chí. 

 Với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn, tỉnh Bình Dương đang tiếp tục xúc tiến đầu tư giai đoạn 2, tôn tạo mở rộng thêm nhiều hạng mục công trình khu Di tích lịch sử Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngoài việc ghi dấu, tái hiện lại lịch sử, những công trình này còn mang một giá trị văn hóa lịch sử sâu sắc, có ý nghĩa bồi dưỡng, giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ mai sau.

Minh Tùng

Du lịch Núi Cậu - Dầu Tiếng
Liên kết website
Các Sở,Ban ngành

Các Trang khác

Thống kê truy cập
Hôm nay: 1926
Tuần này: 19372
Tháng này: 51347
Tổng truy cập: 3509384